Giảm nhu cầu tiêu thụ thịt chó, mèo để phòng và chữa bệnh theo y học cổ truyền

NDO - Ngày 10/11, Hội Đông y tỉnh Hà Nam, Tổ chức Soi Dog International Foundation (Soi Dog) và Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia (Intelligentmedia) đã phối hợp tổ chức Khóa đào tạo cho 30 thầy thuốc y học cổ truyền về tác hại của việc sử dụng thịt và chế phẩm từ chó, mèo cho mục đích phòng và chữa bệnh theo y học cổ truyền cũng như các hoạt động cụ thể mà Hội cần làm để giảm thiểu nhu cầu sử dụng của bệnh nhân và xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Các thầy thuốc y học cổ truyền ký cam kết không sử dụng thịt và chế phẩm từ chó, mèo cho mục đích phòng và chữa bệnh theo y học cổ truyền.
Các thầy thuốc y học cổ truyền ký cam kết không sử dụng thịt và chế phẩm từ chó, mèo cho mục đích phòng và chữa bệnh theo y học cổ truyền.

Tại Việt Nam, từ xa xưa dân gian đã truyền miệng, thịt chó, mèo thường được xem là thức ăn “bổ dưỡng”; một số sản phẩm từ chó, mèo được xem là dược liệu phòng và chữa bệnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tại nhiều quốc gia châu Á bắt đầu có những lo ngại về tác hại của chuỗi buôn bán thịt chó, mèo từ nguồn gốc, đến hoạt động vận chuyển, giết mổ, buôn bán và tiêu thụ. Những hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và lây truyền những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể kể đến tả, lị hay bệnh dại. Bên cạnh đó, chân chó và cao mèo không phải là thần dược.

Hội Đông y Việt Nam với vai trò là đại diện cho cộng đồng y học cổ truyền tại Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Soi Dog và Intelligentmedia để triển khai chương trình giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ thịt và các chế phẩm từ chó, mèo phục vụ mục đích phòng và chữa bệnh theo y học cổ truyền. Các hoạt động của chương trình hướng đến việc thay đổi nhận thức và hành động của bệnh nhân và xã hội, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng thịt chó, mèo trong y học cổ truyền.

Là một thành viên của Hội Đông y Việt Nam, Hội Đông y tỉnh Hà Nam cam kết ủng hộ và tham gia chương trình giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ thịt và các chế phẩm từ chó, mèo phục vụ mục đích phòng và chữa bệnh theo y học cổ truyền thông qua các hoạt động nâng cao kiến thức và năng lực cho thầy thuốc y học cổ truyền trong việc kê đơn, bốc thuốc từ các dược liệu an toàn và bền vững; khuyến khích các thầy thuốc trở thành những “người dẫn đường” xóa bỏ niềm tin mạnh mẽ của bệnh nhân và xã hội.

Ông Rahul Sehgal, Giám đốc về Chính sách quốc tế, Tổ chức Soi Dog Internationa Foundation bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng rằng, mỗi thầy thuốc y học cổ truyền sẽ lên tiếng và cùng hành động để tạo ra một quan điểm và lối tiêu dùng mới trong xã hội, hướng đến việc chấm dứt các ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động buôn bán thịt chó, mèo tại Việt Nam”.

Khóa đào tạo cung cấp các thông tin và kiến thức chuyên sâu về mối liên hệ cũng như các hệ quả của việc sử dụng thịt và chế phẩm từ chó, mèo để phòng và chữa bệnh. Đồng thời, các thầy thuốc y học cổ truyền cũng được trang bị kỹ năng và hướng dẫn về các biện pháp và hoạt động cụ thể mà họ có thể thực hiện trong thời gian tới. Ví dụ như tư vấn cho bệnh nhân về lý do không sử dụng thịt và các bộ phận của chó, mèo; trưng bày hình ảnh truyền thông thay đổi hành vi không sử dụng thịt chó, mèo tại các cơ sở khám bệnh, trong các sự kiện phù hợp, và/hoặc trong các ấn phẩm, kênh truyền thông của các cơ sở khám bệnh.

Giảm nhu cầu tiêu thụ thịt chó, mèo để phòng và chữa bệnh theo y học cổ truyền ảnh 1

Khóa đào tạo cho 30 thầy thuốc y học cổ truyền về tác hại của việc sử dụng thịt và chế phẩm từ chó, mèo cho mục đích phòng và chữa bệnh theo y học cổ truyền.

Ông Phạm Ngọc Thuần, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hà Nam cho biết: “Chúng tôi ủng hộ chương trình này vì Hội Đông y tỉnh Hà Nam luôn đề cao các giá trị và lợi ích của việc xóa bỏ các dược liệu không có bằng chứng khoa học hoặc không có tác dụng rõ rệt trong phòng và chữa bệnh theo y học cổ truyền. Không những thế, sử dụng dược liệu bền vững và an toàn còn là khuynh hướng thế giới và góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp của Đông y Việt Nam trên trường quốc tế. Hội Đông y tỉnh Hà Nam cam kết khuyến khích và hỗ trợ thành viên của Hội nói riêng và các thầy thuốc y học cổ truyền nói chung trong việc lan tỏa thông điệp giảm tiêu thụ thịt và các chế phẩm từ chó, mèo trong cộng đồng và hướng người bệnh đến những dược liệu bền vững hơn”.

Phương pháp truyền thông thay đổi hành vi là một trong những kỹ năng được giới thiệu và đào tạo trong khóa tập huấn. Các thầy thuốc y học cổ truyền được trang bị kiến thức về việc khi nào và làm thế nào việc thông tin và thay đổi hành vi của bệnh nhân đạt hiệu quả nhất; cách thức đo lường hiệu quả của các thông điệp truyền thông, cũng như khi nào thì xã hội không chấp nhận việc tiêu thụ thịt và các chế phẩm từ chó, mèo.

Bà Bùi Thị Duyên, Giám đốc Truyền thông thay đổi hành vi Tổ chức Intelligentmedia cho biết: “Chúng tôi lồng ghép trong khóa đào tạo các kiến thức và kỹ năng về truyền thông thay đổi hành vi nhằm bổ trợ cho các thầy thuốc y học cổ truyền những kỹ năng mới trong việc thông tin và truyền thông đến bệnh nhân và xã hội một vấn đề liên quan đến chuyên môn của họ. Việc sử dụng thông điệp truyền thông phù hợp và những bằng chứng rõ ràng về tác hại của việc tiêu thụ thịt chó, mèo là những cơ sở thuyết phục để khuyến khích cũng như duy trì sự thay đổi của các nhóm đối tượng người sử dụng”.

Sau khóa đào tạo, Hội Đông y tỉnh Hà Nam và các thầy thuốc y học cổ truyền của Hội sẽ triển khai các hoạt động cụ thể nhằm góp phần xóa bỏ niềm tin và hành vi tiêu thụ thịt và các chế phẩm từ chó, mèo để phòng và chữa bệnh theo y học cổ truyền.