Cẩn trọng với chất lượng "thuốc đông y gia truyền" trên mạng xã hội

Dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, xử lý, nhưng thời gian qua, các quảng cáo về các bài thuốc đông y "gia truyền" vẫn xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội với cam kết khỏi bệnh hoàn toàn. Không ít người đã tin tưởng mua và tự ý sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.
0:00 / 0:00
0:00
Ðội quản lý thị trường số 6 phối hợp Thanh tra Sở Y tế Tiền Giang kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc đông y, thuốc tân dược trên địa bàn.
Ðội quản lý thị trường số 6 phối hợp Thanh tra Sở Y tế Tiền Giang kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc đông y, thuốc tân dược trên địa bàn.

Ông Trần Văn Ý, ở Thạch Thành (Thanh Hóa), mắc bệnh gout đã lâu, từng điều trị và uống thuốc tây nhiều nhưng bệnh vẫn tái phát. Một lần vào mạng, ông Ý thấy có một kênh YouTube giới thiệu một bài thuốc của bà lang, người dân tộc Dao, chữa được các bệnh về xương khớp, trong đó có bệnh gout. Ðang đau, nhức trong người, ông gọi ngay số điện thoại hiện trên màn hình, sau đó nghe họ giới thiệu là thuốc gia truyền, thuốc được hái từ những lá, cây rừng. Cam kết uống sẽ khỏi hoàn toàn, ông Ý đặt mua về uống. Tuy nhiên, sau khi uống một liệu trình, ông Ý tái khám tại Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, nhưng thấy bệnh vẫn không thuyên giảm, gan còn có dấu hiệu dần tổn thương nên đã dừng sử dụng thuốc. Chia sẻ với chúng tôi, ông Ý cho biết, thấy quảng cáo rằng thuốc rất tốt, lại có hình ảnh những bệnh nhân sử dụng thuốc nói lời cảm ơn sau khi khỏi bệnh nên tôi cũng tin theo, ai ngờ lại "tiền mất, tật mang".

Cũng tin vào lời quảng cáo trên Zalo, chị Hoàng Thu Hương (Hoa Lư, Ninh Bình) đã lặn lội vào tận An Giang bốc thuốc với mong muốn chữa khỏi bệnh ung thư máu cho chồng. "Có bệnh thì vái tứ phương, cứ ai mách gì chị đều đi hết, vào nam, ra bắc, lên các huyện Mường Lát, Quan Hóa... chỗ nào nghe giới thiệu, quảng cáo chị đều tìm đến. Có lúc kết hợp cả hai đến ba loại thuốc, chi phí lên đến vài trăm triệu đồng, nhưng kết quả không khả quan", chị Hương chia sẻ.

Là người có trình độ, hiểu biết xã hội, nhưng khi bác sĩ chẩn đoán mình bị u xơ tử cung, chị Kim Anh, ở Mai Dịch, Cầu Giấy (Hà Nội), rất lo lắng bởi chị sợ u xơ to lên sẽ phải cắt tử cung bán phần hoặc cắt bỏ tử cung hoàn toàn sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng. Tin tưởng vào những lời quảng cáo của thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các loại thuốc đông y quảng cáo trên Facebook, với hy vọng uống thuốc sẽ ức chế sự phát triển của u, thu nhỏ u, suốt hơn hai năm trời chị đều đặn uống sản phẩm theo chỉ dẫn bên trong sản phẩm, nhưng rồi khối u của chị không những không nhỏ lại mà ngày một to lên, cuối cùng chị phải đi bệnh viện để mổ cắt u. "Từ kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên mọi người nên thận trọng trước "ma trận" của những lời quảng cáo từ các sản phẩm", chị Kim Anh nói.

Ðó chỉ là ba trong số hàng trăm nghìn trường hợp có chung tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", nên hễ nghe thông tin, quảng cáo, giới thiệu ở đâu chữa khỏi bệnh là tìm hoặc mua thuốc về uống mà không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại thuốc. Theo lời kể từ các nhân vật, chúng tôi truy cập vào các trang mạng xã hội lớn như: YouTube; Zalo; Facebook… và choáng ngợp trước vô vàn kết quả khi tra cứu từ khóa "thuốc gia truyền". Những loại thuốc này được cam kết điều trị khỏi mọi bệnh từ tiêu hóa, xương khớp đến các bệnh mãn tính.

Ðáng nói là những loại thuốc này được quảng cáo, chào bán rộng rãi dưới hình thức bài viết, hình ảnh hoặc video được xây dựng rất bài bản với một công thức chung là: Thuốc gia truyền ba đời; cam kết khỏi bệnh 100%; không gây tác dụng phụ; hoàn tiền 100% nếu không khỏi bệnh… Người bệnh khi có nhu cầu thì không cần đến tận nơi thăm khám, mà chỉ cần gọi điện sẽ được tư vấn và bốc thuốc qua lời kể về các triệu chứng. Chính những lời quảng cáo như "rót mật vào tai" cùng với sự tận tình hỏi han của người bán và các phản hồi tích cực từ những khách hàng sử dụng thuốc được đính kèm trên mỗi quảng cáo đã tạo niềm tin cho người bệnh khiến họ sẵn sàng bỏ ra hàng triệu đồng để mua những sản phẩm thuốc không biết là thật hay giả.

Bên cạnh đó, nhiều người có quan niệm rằng thuốc nam, thuốc đông y "gia truyền" có nguồn gốc từ cây cỏ tự nhiên nên không chữa được bệnh cũng không ảnh hưởng sức khỏe... Cũng chính vì nắm bắt được tâm lý của người bệnh cho nên nhà sản xuất, công ty, thậm chí có người tự xưng là lương y ở các phòng khám, bệnh viện lớn tung ra các "chiêu trò" quảng cáo trên mạng xã hội, tạo ra "ma trận" thông tin đánh đố người dùng, với tính năng chèn clip một cách tự động vào trong phim, trong những bản tin chính thống của các đài truyền hình, cơ quan báo chí để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Trước tình trạng này, thời gian gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), liên tục phát thông báo về các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các trang mạng; đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng những loại thuốc chưa rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng xã hội, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên các trang: https://phamgiadongy.vn, https://truemart.vn đang quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bột dạ dày Thanh vị tán, chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm… Ðể an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bột dạ dày Thanh vị tán, chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia quảng cáo trên các website nêu trên. Hay, vừa qua, tại đường link: https://congbotpcn.com/thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-ca-gai-leo-giai-doc-gan-mb.html quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cà Gai Leo Giải Ðộc Gan MB vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm, nội dung quảng cáo không phù hợp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành…

Theo các chuyên gia y tế, thuốc đông y, hay còn gọi là thuốc y học cổ truyền, ngày càng được nhiều người người sử dụng giúp bồi bổ sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên cũng giống như thuốc tây y, khi sử dụng không đúng cách dẫn đến "tiền mất tật mang", thậm chí nguy hiểm tới cả tính mạng của người sử dụng. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, thì mỗi người dân cũng phải nâng cao nhận thức khi quyết định sử dụng các loại sản phẩm này. Nên sử dụng thuốc đông y có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng, vì thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều bằng chứng về việc trong thuốc đông y có trộn thành phần thuốc tây, khi dùng lâu ngày có thể gây tác dụng phụ bất lợi. Khi đi khám, nên tìm những cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp và người khám có chứng chỉ hành nghề. Ðặc biệt, không nên tìm mua thuốc đông y qua mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng.

"Ðể hạn chế việc sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, cũng như ngăn chặn những "lang băm" bán thuốc không bảo đảm chất lượng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính người bệnh. Người bệnh cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp điều trị, không nên tin vào những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo để phải trả giá đắt bằng chính sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình".

Lương y NGUYỄN VĂN HUY

(Phòng khám Phúc Khang Ðường Hà Nội)

"Nội dung quảng cáo phải phù hợp công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm".

(Khoản 2, Ðiều 27, Nghị định 15/2018/NÐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm)