Dòng tiền đầu tư đạt mức cao kỷ lục từ đầu năm

NDO - Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực mua áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu trong ngày hôm qua (22/1).
0:00 / 0:00
0:00
Dòng tiền đầu tư đạt mức cao kỷ lục từ đầu năm

Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của 3/4 nhóm mặt hàng đều trong sắc xanh, kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,48% lên 2.109 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt 6.283 tỷ đồng, cao nhất từ đầu năm đến nay.

Đáng chú ý, giá trị giao dịch của nhóm hàng nông sản tăng đột biến, hơn 240% so với hôm qua và chiếm hơn 32% tổng giá trị giao dịch của toàn Sở.

Dòng tiền đầu tư đạt mức cao kỷ lục từ đầu năm ảnh 1

Giá ngô kỳ hạn tháng 3 đi ngang

Theo MXV, khép lại phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 3 gần như đi ngang. Thị trường biến động trong biên độ hẹp, cho thấy sự cân bằng giữa phe mua và phe bán. Trong bối cảnh không có nhiều thông tin cơ bản mới, các số liệu từ báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections) chỉ tác động nhẹ đến thị trường.

Dòng tiền đầu tư đạt mức cao kỷ lục từ đầu năm ảnh 2

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, tuần từ 12 đến 18/1, khối lượng giao hàng ngô ở mức 713.290 tấn, thấp hơn mức 946.417 tấn vào tuần trước và tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng giao hàng ở mức ổn, tốc độ hiện tại vẫn đang phù hợp dự báo của USDA. Nhìn chung, điều này không khiến thị trường phản ứng sau báo cáo.

Về phía Brazil, triển vọng mùa vụ vẫn được cải thiện nhờ thời tiết tích cực. Những cơn mưa lớn dự kiến sẽ xuất hiện nhiều hơn trong 10 ngày tới, cải thiện tình hình tại các khu vực thiếu ẩm.

Mặt khác, để phòng tránh rủi ro mà ngô vụ 2 có thể gặp phải, nông dân Brazil vẫn đang thận trọng bán hàng. Hiện tại, mới chỉ có khoảng 12% sản lượng ngô vụ 2 được bán, thấp hơn 8% so với niên vụ trước và là mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Tình hình trái chiều tại Brazil cũng là nguyên nhân khiến thị trường ngô chưa chưa tìm được hướng đi rõ ràng.

Đối với lúa mì, mặt hàng này đã ghi nhận phiên thứ 4 liên tiếp tăng giá. Về phía nguồn cung, thị trường đang xuất hiện những lo ngại về các cuộc biểu tình tại Pháp. Trong khi đó, xuất khẩu từ Nga giảm cũng là yếu tố cũng thúc đẩy lực mua lúa mì.

Hãng tin Reuters cho biết, đại diện nông dân Pháp đe dọa sẽ mở rộng các cuộc biểu tình vào 22/1, trước khi cuộc họp với Chính phủ với nông dân được diễn ra. Nông dân Pháp hiện đang sôi sục khi Chính phủ quyết định áp thuế đối với nhiên liệu máy kéo, trong khi không thể giải quyết vấn đề nông sản nhập khẩu giá rẻ đe dọa ngành nông nghiệp nội địa. Sự bất ổn từ Pháp, quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn nhất của Liên minh châu Âu, cũng là yếu tố đã hỗ trợ giá.

Bên cạnh đó, theo SovEcon, Nga chỉ xuất khẩu được 0,58 triệu tấn lúa mì trong tuần qua, thấp hơn mức 0,64 triệu tấn lúa mì một tuần trước đó. SovEcon cho biết, doanh số bán lúa mì của Nga khiêm tốn không phải vì nhu cầu toàn cầu giảm, mà là do Bộ Nông nghiệp nước này đang có chính sách hạn chế xuất khẩu.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (22/1) giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao giữa cuối tháng 1 trong khoảng 6.550 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 3, giá chào bán dao động ở mức 6.300-6.350 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu ghi nhận thấp hơn 50 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ, giá cà-phê tiếp tục đi lên

Khép lại phiên giao dịch 22/1, giá Arabica tăng mạnh 3,83%, lên mức cao nhất trong ba tuần. Giá Robusta cao nhất 16 năm sau khi tăng 2,94% so với tham chiếu. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp vấn đề do căng thẳng Biển Đỏ, lượng tồn kho cà-phê giảm tiếp tục làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung cục bộ.

Dòng tiền đầu tư đạt mức cao kỷ lục từ đầu năm ảnh 3

Trong báo cáo kết phiên 19/1, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US giảm mạnh 10.702 bao loại 60kg, đưa tổng số bao cà phê đã qua chứng nhận còn 253.108 bao. Đây là một bước đi lùi so với quá trình hồi phục hai tháng trở lại đây. Hơn thế, sự đi xuống của tồn kho Arabica đạt chuẩn trong giai đoạn Robusta đang thiếu hụt do căng thẳng Biển Đỏ cũng đưa đến khả năng nhu cầu về Arabica tăng lên nhưng nguồn cung trên thị trường chưa kịp thích ứng.

Tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU đang ở mức thấp lịch sử với 30.010 tấn cũng góp phần gây sức ép lên nguồn cung, bên cạnh lo ngại tình trạng hạn chế bán cà-phê của nông dân Việt Nam.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (23/1), giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt tăng 1.200 đồng/kg. Theo đó, cà-phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 73.500-74.100 đồng/kg.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác trên bảng giá nhóm mặt hàng nguyên liệu công nghiệp, sau khi chạm mức cao nhất trong hơn một tháng, giá đường 11 quay đầu giảm nhẹ 0,3% trong phiên hôm qua. Thời tiết chuyển biến tích cực, thích hợp cho hoạt động sản xuất đường tại vùng trồng cà-phê chính của Brazil và tạo tâm lý an tâm về nguồn cung giai đoạn tới. Nắng nóng dịu bớt và mưa xuất hiện nhiều hơn tại khu vực Trung Nam, vùng trồng mía đường chính của Brazil trong khung thời gian 10 ngày tới. Điều này tạo kỳ vọng tích cực về triển vọng nguồn cung đường trong giai đoạn tới.