Gần gũi với doanh nghiệp
Ðể "đồng hành cùng doanh nghiệp (DN)" không là khẩu hiệu suông, nhiều năm qua, ở Ðồng Tháp, từ lãnh đạo tỉnh cho đến lãnh đạo, cán bộ công chức các sở, ngành, địa phương luôn có sự kết nối chặt chẽ với DN. Chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Phụng (TP Cao Lãnh), được chứng kiến không khí sản xuất hăng say, nhộn nhịp ở khắp các bộ phận. Dẫn chúng tôi đi xem máy sấy lạnh bơm nhiệt hiện đại đang hoạt động trơn tru vừa nhập về từ nước ngoài, chị Bùi Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty vui mừng cho biết: "Có được thiết bị này là ước mơ của vợ chồng tôi từ ngày đầu khởi nghiệp. Nhờ được hỗ trợ máy từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Ðồng Tháp mà giờ các sản phẩm mứt vỏ trái cây sấy như cam, quýt, bưởi, chanh,… của công ty đẹp hơn, thay vì máy sấy nhiệt đơn thuần trước đây. Cũng nhờ đó mà công ty trở thành đối tác của những DN lớn".
Hiện tại, sản phẩm của Công ty TNHH Thực phẩm Ngọc Phụng được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố biết đến. Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau thành công của DN ấy luôn có người bạn đồng hành, đó là chính quyền các cấp. Chị Thủy kể: Lần đầu công ty xin đăng ký bán sản phẩm tại một hội chợ thương mại, các sở, ngành của tỉnh Ðồng Tháp "để mắt" đến. Cũng từ đó, công ty liên tiếp nhận được sự hỗ trợ của các ngành chức năng từ đăng ký làm nhãn hiệu, thiết kế bao bì, lô-gô, trang mạng, xây dựng hình ảnh công ty cho đến hỗ trợ một phần máy móc. Một lần chị trò chuyện với lãnh đạo và chuyên viên một số sở, ngành. Biết nhu cầu của công ty, các cán bộ liền tư vấn hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Sau một thời gian ngắn, công ty được đầu tư máy sấy lạnh bơm nhiệt với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh hỗ trợ gần 220 triệu đồng.
Ngoài những hỗ trợ nêu trên, cũng như nhiều đơn vị khác, sản phẩm của công ty chị Thủy được các sở, ngành tỉnh Ðồng Tháp chọn giới thiệu trưng bày tại các quầy hàng trong những dịp hội thảo liên quan đến thương hiệu sản phẩm sạch. Khi đi dự hội thảo ở ngoài tỉnh, quốc tế, lãnh đạo tỉnh luôn mang theo sản phẩm của các DN mới để quảng bá. "Nhiều đại biểu trong nam, ngoài bắc, thậm chí ở nước ngoài gọi điện đặt hàng, tôi thấy lạ vì sao công ty mới hoạt động mà được nhiều người biết đến. Hỏi thì mới biết, đích thân lãnh đạo tỉnh mang sản phẩm của công ty đi quảng bá giúp, khách thưởng thức thấy ngon nên đặt hàng", chị Bùi Thị Thanh Thủy bộc bạch.
Hoạt động ở Ðồng Tháp suốt 12 năm, đó là khoảng thời gian đủ để lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang (TP Sa Ðéc) cảm nhận được sự đồng hành tích cực của chính quyền địa phương. Ông Ong Hàn Văn, Phó Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: "Tôi còn nhớ, lúc ấy công ty ở TP Hồ Chí Minh, khi xin giấy phép đầu tư vào Ðồng Tháp, các sở, ngành, rồi TP Sa Ðéc rất mừng và hỗ trợ kịp thời các thủ tục".
Thời gian qua, Ðồng Tháp đã tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối DN, tổ chức họp mặt DN, hội nghị chuyên đề để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường,… Ðể kịp thời nắm bắt, giải quyết những nhu cầu chính đáng của DN, tỉnh luôn tạo môi trường gần gũi, thân thiện giữa DN với chính quyền địa phương, giữa các sở, ngành với nhau. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH-ÐT) tỉnh Ðồng Tháp Phạm Thị Ngọc Ðào cho biết: "Việc trao đổi giữa các sở với nhau có sự gần gũi, thân thiện. Nếu mất đoàn kết, không thể phối hợp tốt được. Có văn bản không thể nói hết ý được những nội dung trao đổi mà phải gặp để tìm điểm thống nhất cùng tháo gỡ cho DN".
Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ: Một DN đến địa phương tìm hiểu đầu tư, không chỉ nộp thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư một dự án, mà lãnh đạo sở phải đối thoại, tìm hiểu nguyện vọng của họ ra sao, mang đến lợi ích gì cho họ, cho cộng đồng. Chính thông qua những cuộc đối thoại trực tiếp và thẳng thắn như vậy mới hiểu hết nhu cầu, mong muốn của DN đối với địa phương. Giải thích, hướng dẫn cặn kẽ, từ đó sẽ tạo nên tính tương tác cao giữa chính quyền với DN.
Với phương châm "đồng hành cùng DN", thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực tạo lập và duy trì nhiều kênh tiếp nhận thông tin để kịp thời lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình hoạt động. Ngoài mô hình "Cà-phê doanh nhân", Ðồng Tháp còn tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối DN như công khai số điện thoại, email, tiếp nhận kiến nghị qua Cổng thông tin điện tử tỉnh, mạng xã hội, nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN.
Kiến tạo môi trường tốt nhất
Ðồng hành cùng DN là một trong những ưu tiên trong hoạt động của các cấp chính quyền tỉnh Ðồng Tháp những năm qua. Nhờ điều này, tỉnh Ðồng Tháp đã nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao của các DN, nhà đầu tư thông qua việc xếp hạng Chỉ số PCI với 11 năm liên tiếp đứng trong nhóm năm tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ hai cả nước về chỉ số PCI năm 2018.
Ðể duy trì kết quả này, tỉnh tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ nhằm đáp lại sự kỳ vọng của cộng đồng DN, trong đó đã ban hành, triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện (DDCI). Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN đổi mới công nghệ, đăng ký nhãn hiệu và phát triển thương hiệu để góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương khẳng định: Chính quyền tỉnh Ðồng Tháp luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn trong quá trình phát triển cho DN. Ðẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, cắt giảm các điều kiện không cần thiết, cải thiện mạnh mẽ từ cấp cơ sở.
Thời gian qua, nhiều địa phương đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. TP Sa Ðéc là một điển hình. Từ khi trở thành đô thị loại II, nhiều DN tìm đến Sa Ðéc đầu tư và triển khai các dự án, bước đầu mang lại kết quả tốt. Nhiều DN nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc,… đầu tư vốn 100% trên địa bàn. Hiện TP Sa Ðéc có hơn 700 DN sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực như: công nghiệp chế biến nông thủy sản, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế biến những sản phẩm sau gạo, cá tra xuất khẩu,…
Chủ tịch UBND thành phố Sa Ðéc Võ Thanh Tùng cho biết: "Ðịa phương xem trọng vai trò của DN trên địa bàn. DN làm ăn có lãi thì thu nhập của người dân sẽ tốt hơn, đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách địa phương. UBND thành phố yêu cầu cán bộ, viên chức có tinh thần, thái độ ứng xử văn hóa cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi về hành chính để DN thuận lợi làm các thủ tục. Ðể DN hoạt động tốt, hiệu quả, ngoài những nguồn thông tin riêng của DN, thành phố luôn cung cấp kịp thời những chủ trương mới của địa phương, qua đó DN có thể nắm bắt, định hướng sản xuất".
Thời gian qua, Sở KH-ÐT tỉnh cũng như các cấp, các ngành đã phối hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách; hỗ trợ DN các điều kiện đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, các loại giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh,... để DN chính thức đi vào hoạt động. Tạo điều kiện cho DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ như việc tiếp cận vốn, chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đầu tư vào khoa học - công nghệ, hỗ trợ thương mại điện tử, các chính sách hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Với chủ trương đồng hành với DN, Ðồng Tháp kiên trì thay đổi từ nhận thức đến hành động trong bộ máy công quyền. Từ ứng xử theo kiểu "xin - cho" thành "đồng hành cùng DN", từ "suy nghĩ cho DN" đến "suy nghĩ như DN", từ tư duy "quản lý, điều hành DN" trở thành "kiến tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động của DN". Ðó không phải là một khẩu hiệu suông, mà là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của lãnh đạo Ðồng Tháp trong quá trình chỉ đạo điều hành, là sự cam kết của chính quyền đối với sự phát triển của DN.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Ðồng Tháp có 368 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 2.601,930 triệu đồng. Ước năm 2019 có 4.044 DN hoạt động với tổng vốn 31.379,435 triệu đồng. Chín tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 46.200 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh duy trì hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng so cùng kỳ năm 2018. |