Ngày 10/8, Đoàn công tác do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong làm trưởng đoàn đã đến khảo sát và làm việc tại 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm: Trần Quốc Toản, Sông Hậu và Sa Đéc.
Sau khi thăm hỏi tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khẳng định, tỉnh khẳng định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, do đó, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi khi doanh nghiệp đầu tư dự án tại Đồng Tháp.
Đồng chí cũng mong muốn các doanh nghiệp cần có trách nhiệm trong thực hiện các dự án đầu tư tại các khu công nghiệp như đã cam kết với tỉnh.
Đến nay, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh mà đồng chí Lê Quốc Phong đã đi khảo sát, cho thấy vẫn còn một tỷ lệ nhất định doanh nghiệp được giao đất nhưng chưa sử dụng.
Đồng chí đề nghị đơn vị quản lý hạ tầng, Ban Quản lý Khu kinh tế phải tăng cường nhắc nhở, đề nghị doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đưa đất vào sử dụng.
Còn những vị trí đất nào mà đã được nhắc nhở, xem xét đầy đủ nhưng doanh nghiệp không có năng lực thì phải được thu hồi theo quy định, để kêu gọi các doanh nghiệp khác tham gia đầu tư vào vị trí đất của khu công nghiệp đã thu hồi.
Địa phương tại các khu công nghiệp cần tích cực tham gia hỗ trợ các khu công nghiệp trong việc liên quan đến bảo đảm an ninh trật tự, cũng như các vấn đề liên quan phối hợp giữa quản lý hạ tầng và địa phương trong việc vận hành khu công nghiệp.
“Cần phải tăng cường những thông tin về chính sách, pháp luật cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất. Việc hướng dẫn thông tin về chính sách, pháp luật là để rút ngắn thời gian các nhà đầu tư làm thủ tục, tránh phải làm hồ sơ lại, gây mất nhiều thời gian. Làm sao cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất, đầy đủ nhất”, đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh.
Nam Định thu hút đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp
Bí thư Tỉnh ủy cũng giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp đầy đủ những kiến nghị của doanh nghiệp và nội dung trong chuyến khảo sát. Qua đó, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có những chỉ đạo, điều hành để các đơn vị quản lý, các địa phương có khu công nghiệp, cũng như các sở ngành có liên quan tập trung làm sao nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đồng thời, rút những kinh nghiệm để sắp tới có những khu công nghiệp mới, từ đó có những chỉ đạo chặt chẽ, phát huy được kết quả, cũng như khắc phục được tất cả điểm còn vướng đối với những khu công nghiệp đầu tiên được hình thành trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, diện tích đất khu công nghiệp ở Đồng Tháp đã được thành lập là 400,57ha.
Hiện, tỉnh có 61 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 11.561 tỷ đồng, trong đó, có 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 232,02 triệu USD.
Hiện có 54/61 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, 7/61 dự án đang thực hiện thủ tục pháp lý và xây dựng cơ bản.
Các lĩnh vực hoạt động đầu tư chủ yếu gồm: chế biến thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, gia súc, gia cầm, thủy sản, sản xuất các mặt hàng may mặc, giày da, chế biến thực phẩm, chế biến phụ phẩm, trích ly dầu, vật liệu xây dựng.