Ngày 10 và 11/10, đoàn khảo sát của Trung ương về triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, làm trưởng đoàn, đã làm việc với đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp, Huyện ủy Lai Vung.
Đoàn cũng đã trực tiếp khảo sát việc tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng sách và các tài liệu được cấp phát tại một số xã trên địa bàn huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
Từ năm 2011 đến nay, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Đồng Tháp đã nhận được 309 đầu sách các loại và 5 đĩa CD Audio từ Công ty Phát hành Báo chí Trung ương.
Các đầu sách được trang bị như: Sách lý luận chính trị, pháp luật và kiến thức quản lý; biển-đảo Việt Nam; tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người tốt, việc tốt; hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; thiếu nhi… góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và một bộ phận người dân.
Đối tượng đọc sách phần lớn là những người đang làm việc tại địa phương muốn tìm hiểu những vấn đề liên quan đến lĩnh vực, ngành mình phụ trách; một bộ phận người dân chủ yếu đọc những loại sách, tài liệu như: Hỏi-đáp liên quan đến pháp luật.
Đại biểu phát biểu tại buổi làm việc. |
Số lượt người mượn, đọc tại tủ sách của đề án trung bình hằng năm ở các đơn vị không đồng đều. Đơn vị có số lượt người mượn, đọc thấp nhất là thành phố Hồng Ngự (có từ 15-20 lượt người mượn/tủ/năm); đơn vị có số lượt người xem cao nhất là thành phố Sa Đéc (630 lượt người xem/tủ/năm).
Một số ít cấp ủy Đảng chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương, mục đích, yêu cầu của sách đề án; việc quản lý, khai thác, sử dụng còn lúng túng. Bên cạnh đó, thói quen đọc sách, tìm hiểu thông tin từ sách, báo, tài liệu của cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân chưa được thường xuyên.
Một số đơn vị chưa có phòng đọc riêng, nên các đầu sách chưa được trưng bày vào tủ sách theo quy định. Đa số cán bộ quản lý sách ở cơ sở đều kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về nghiệp vụ quản lý và khai thác, sử dụng sách nên trong quá trình sử dụng, bảo quản chưa đúng theo quy định.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khách quan là người đọc có xu hướng thích đọc tài liệu điện tử hơn là sách in vì tra cứu nhanh, thuận lợi hơn.
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi khảo sát, đại biểu cho rằng, bên cạnh cung cấp bản sách giấy, thì cần phải đẩy mạnh cung cấp các sách điện tử và phải khai thác được tác dụng sách điện tử của thư viện cơ sở để làm tốt hơn hiệu quả của đề án.
Đại biểu khẳng định, tài liệu từ các sách được xuất bản trong đề án là vốn quý, thiết thực, nhưng cần truyền thông, quảng bá nhiều hơn cho những đầu sách này trong thời gian tới.
“Các ý kiến tại buổi làm việc rất thiết thực, thể hiện sự sâu sát của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tỉnh Đồng Tháp. Thời gian tới, mong muốn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục có những sáng kiến, đề xuất để đề án đạt được hiệu quả cao nhất”, đồng chí Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh.
Theo đoàn khảo sát, buổi khảo sát nhằm phục vụ cho việc tổng kết 15 năm đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009-2023); đánh giá toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện đề án.
Qua đó, cung cấp cơ sở để tham mưu, đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét, ban hành Kết luận mới về triển khai thực hiện đề án trong thời gian tới.