Ven hồ Tây có phòng đọc sách

Ven hồ Tây qua Cầu Dừa thuộc làng Hồ Khẩu (cửa hồ), quen gọi làng Hồ thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ hơn trăm mét, có khu nhà văn hóa của cụm dân cư số 2, được xây dựng khang trang, phòng đọc sách và thư viện ở tầng 1 bố cục rất khoa học, hợp lý, nhằm lưu giữ và lan tỏa những giá trị truyền thống văn hóa…
0:00 / 0:00
0:00
Bà Tuyên (ngoài cùng bên trái) và bà con làng Hồ ở phòng đọc sách. Ảnh: DƯƠNG THỊ PHÚC
Bà Tuyên (ngoài cùng bên trái) và bà con làng Hồ ở phòng đọc sách. Ảnh: DƯƠNG THỊ PHÚC

1/Phòng đọc sách của làng Hồ đã trở thành một địa chỉ thân thiện, cho những ai yêu thích đọc sách suốt 12 năm nay, là nhờ thực hiện cuộc vận động “Xây dựng xã hội học tập”, dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô tháng 10/2011. Với gần 7 nghìn đầu sách, phong phú về thể loại, trong đó sách thiếu nhi có hơn 2 nghìn cuốn, phòng đọc luôn mở cửa đều đặn vào các buổi sáng thứ 3, thứ ̀5, thứ 7 hằng tuần. Mùa hè, phòng đọc mở cửa thêm các buổi tối, để các cháu thiếu nhi tham gia sinh hoạt hè và đọc sách.

Để thu hút được nhiều độc giả yêu thích việc đọc sách, Ban chủ nhiệm phòng đọc đã tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền như: Trưng bày BÁO XUÂN vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Giới thiệu sách hay, sách mới. Ứng dụng công nghệ thông tin dựng các video, clip để tuyên truyền, giới thiệu về sách, về phòng đọc để quảng bá rộng rãi. Tổ chức “Vui hè đọc sách có thưởng”...

Ban chủ nhiệm còn tổ chức các chuỗi hoạt động khuyến học: Mở lớp học Ngoại ngữ tiếng Anh, hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em, trao đổi kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi... Phụ trách phòng đọc sách là bà Nguyễn Thị Tuyên, năm nay đã 73 tuổi. Lân la cùng các cháu ngồi yên lặng đọc sách như uống từng con chữ, có cháu thì thầm với tôi: “Chúng cháu gọi bác Tuyên là “bác Thư viện”, “bác Phần thưởng”… Thì ra là thế, bọn trẻ hết lứa này đến lứa khác cứ hè về, đều được nhận phần thưởng “ khuyến học” bác Tuyên trao, lúc đến đọc sách lại được nghe những lời chỉ bảo ân cần, dù không có lấy một đồng bồi dưỡng “nhuận nói” cho bác thư viện. Còn bà con trong khu dân cư, theo nhìn nhận của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư chi bộ khu dân cư số 2 thì: “Sự đam mê, tận tụy, cống hiến cho công tác khuyến học, khuyến đọc của bà Tuyên khó có ai bằng”.

2/Bà Tuyên nguyên là Phó vụ trưởng Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam (nay là Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Khi còn đương chức bà phụ trách công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ của ngành. Chính vì vậy, năm 2005 khi bà về hưu, chi bộ khu dân cư số 2 đã phân công bà làm chi hội trưởng Hội khuyến học. Sẵn kinh nghiệm trong việc tổ chức, điều hành, lại có chuyên môn trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nên bà rất tâm huyết với công việc.

Chuyện là năm 1994, để hợp lý hóa gia đình, sau khi từ Tuyên Quang chuyển về Hà Nội công tác, gia đình bà trở thành cư dân của khu 2. Cơ hội đã đến, là chi hội trưởng khuyến học, bà đã đề xuất với chi bộ và cùng với chi hội khuyến học, xây dựng phòng đọc sách.

3/Cũng thật bất ngờ sự tận tụy, chăm chút cho Phòng đọc sách ở một làng nhỏ ven hồ Tây hôm nay của bà Tuyên, lại là sự tiếp nối ước mơ làm cô giáo của mình thời tuổi trẻ ở xã miền núi quê nhà Yên Hương. Năm 1964, sau khi học xong trường cấp 2 thị xã Tuyên Quang, ngày ấy muốn học lên phải đem cơm áo đi ở trọ, bà nghỉ học về quê. Yên Hương là xã vùng cao của huyện Hàm Yên đi lại còn khó khăn, nhiều cháu lớn tuổi không biết chữ vì chưa có lớp. Lãnh đạo xã thấy bà có chữ, tuy nhỏ tuổi mà đã chỉn chu, xã giao cho dạy lớp “Vỡ lòng”. Lớp vỡ lòng thời ấy tương đương lớp 1 bây giờ.

Thế rồi sau 3 năm, cô giáo trẻ hết lòng vì học trò ấy, được bầu làm Phó Bí thư đoàn xã, Xã đội phó. Bà Tuyên kể lại, nhiều lúc trước hàng quân bà phải đeo súng, quả là “súng dài hơn người”, song các nam quân khó mà lơ tơ mơ, lơ là trực chiến được với cô xã đội trẻ măng. Năm 1968, bà được vào Đảng, rồi trúng cấp ủy, được bầu làm Phó Bí thư - Trưởng ban thiếu nhi trường học Huyện đoàn Hàm Yên.

Phải thế, để bây giờ mặc dù tuổi cao, ngày mưa cũng như ngày nắng bà chưa bao giờ thấy phiền lòng khi đến trực phòng đọc. Vào dịp hè các cháu học sinh đến đọc rất đông, nhiều em quên cả giờ giấc. Hôm rồi đấy, bà nhìn đồng hồ đã đến giờ đóng cửa, nhưng thấy cậu bé đọc cuốn “10 vạn câu hỏi vì sao” còn ít trang nữa là hết, bà vẫn kiên nhẫn ngồi đợi. Cậu bé đọc xong tự gấp cuốn truyện đặt lên giá sách, cậu ta quay lại nhìn chỉ còn mỗi bác Tuyên, thay vì nói lời cảm ơn cậu bé nhoẻn cười và chạy thật nhanh ra khỏi phòng đọc.

“Ừ, ở đâu cũng đất nước mình, cũng là cống hiến, thời công nghệ 4.0, điện thoại thông minh còn thấy các cháu thiếu nhi yêu quý đọc sách, rồi không ít bạn đọc là dân lao động, buôn bán kiếm sống hằng ngày, vẫn tranh thủ thời gian đến đọc sách báo, là cơ sở để chúng ta tin tưởng văn hóa đọc vẫn được duy trì, ở đâu có sách ở đó có yêu thương, là mình thấy sự nỗ lực của mình không uổng…”, bà Tuyên nói với tôi như nói với chính mình.