Trở về với yếu tố truyền thống
Trong vài năm trở lại đây, các trang mạng xã hội ngày một phổ biến như Facebook, Instagram và TikTok, đã góp phần tạo nên lối sống vội vàng, gấp rút, bắt nguồn thì những đoạn video giải trí ngắn kéo dài trong khoảng từ ba mươi giây đến hai phút. Nhưng bên cạnh đó, cùng với việc trải qua hơn hai năm đại dịch, một lượng lớn bạn trẻ đang dần có xu hướng quay trở lại với lối sống chậm rãi, những yếu tố truyền thống, mang giá trị trường tồn. Trong đó, nhiều người đọc sách trên mạng bắt đầu quan tâm và chuyển sang đọc sách in, còn giới trẻ thì dần nảy sinh hứng thú với việc đọc sách.
Bạn Lương Thị Khánh Ly (20 tuổi), một sinh viên tại Hà Nội chia sẻ, trước đây không thích đọc sách vì cảm thấy lười và dễ buồn ngủ, nhưng sau khi đọc thử một cuốn sách ở thư viện, bạn bắt đầu có sở thích đọc và sưu tầm sách in. Về lợi ích của đọc sách in, bạn Ly cũng cho biết: “Sách in mang cho mình cảm giác chính thống, gần gũi hơn khi đọc trên mạng. Sở hữu một cuốn sách cũng làm mình thấy trân quý hơn”. Bạn Nguyễn Hồng Liên (21 tuổi, tỉnh Sơn La) thì chia sẻ, trước hay đọc sách qua các trang web trên mạng nhưng khi chuyển qua sách in, bạn cảm thấy dễ đọc, thích thú hơn nên đã chuyển hẳn sang hình thức đọc này.
So với đọc sách điện tử thì việc đọc sách in lại mang đến cho bạn đọc những trải nghiệm khác biệt hơn. Đồng thời việc đọc sách in sẽ giúp cho não bộ người đọc tư duy logic hơn. Những đứa trẻ từ 3 đến 5 tuổi đang bắt đầu phát triển tư duy các bậc phụ huynh thường mua những cuốn sách dành cho trẻ em để giúp con nhận biết được nhiều điều hay hơn.
Những đóng góp quý giá
Song hành với niềm yêu thích sách của bạn trẻ hiện nay, các mô hình đổi mới như quán cà-phê sách và thư viện công cộng cũng đang góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc. Thư viện Hồng Châu và hệ thống tủ sách Minh Đạo của nhà báo, nhà thơ Khúc Hồng Thiện (công tác tại báo Nhân Dân cuối tuần) là một trong số những thí dụ tiêu biểu tại quê anh ở Hưng Yên và Hà Nội. Anh Thiện chia sẻ, là một người yêu sách, anh muốn đem đến cho bạn đọc những nguồn tri thức có từ trong sách vở. Từ đó, anh đã cùng các cộng sự thành lập nên thư viện Hồng Châu và hệ thống tủ sách Minh Đạo là hệ thống thư viện sách miễn phí.
Thư viện Hồng Châu (địa chỉ tổ dân phố Hoàng Lê/Phan Đình Phùng/Mỹ Hào/Hưng Yên) được thành lập vào ngày 5/8/2018, đến nay đã hoạt động được 5 năm. Số lượng sách tính đến thời điểm hiện tại là 10 nghìn cuốn. Để lan tỏa đến nhiều độc giả hơn, cuối năm 2022 anh Thiện đã khai trương tủ sách Minh Đạo 1. Đến tháng 10/2022, anh lại tiếp tục cho ra mắt tủ sách Minh Đạo 2 (phường Đồng Mai/Hà Đông) với những đầu sách thiên về văn hóa, văn nghệ, dân gian. Tháng 4/2023 vừa qua, anh hoàn thành tủ sách Minh Đạo 3 (dưới chân núi xã Phù Ninh/Sóc Sơn), được bà Khúc Tâm Anh, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Hồng Châu - Hà Nội trông nom. Những cuốn sách ở đây đều là sách văn hóa, Phật giáo... Thư viện được mở cửa vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên thích và có hứng thú đọc sách. Đối với những bạn đọc cảm thấy bận rộn, không qua thư viện đọc sách được, thư viện có hình thức mượn sách mang về nhà đọc.
Số sách ở thư viện Hồng Châu hay tủ sách Minh Đạo đa phần đều được nhà thơ, nhà báo Khúc Hồng Thiện tích cóp được, một số thì do các bạn bè, đồng nghiệp khắp nơi từ nam ra bắc gửi tặng. Với mong muốn độc giả có thể đọc được nhiều đầu sách hơn, cũng có rất nhiều nhà xuất bản gửi tặng sách cho anh như các Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Phụ nữ Việt Nam, Hội Nhà văn, nhiều hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hà Nội. Ngoài ra cũng có các gia đình nhà khoa bảng có tên tuổi sẵn sàng tặng sách cho anh. Gia đình nhà thơ Khương Hữu Dụng ủng hộ cho thư viện một số sách, công trình quý giá. Nhà văn, nhà giáo Đặng Hiển khi còn tại thế, nhà thơ Nguyễn Tiến Bình - Hội văn học nghệ thuật Hưng Yên cũng tặng thư viện những cuốn sách hay và tâm huyết.
Trước những biến chuyển như chóng mặt của đời sống hiện nay, dù sách ngày càng được nhiều bạn trẻ quan tâm và yêu mến, nhưng văn hóa đọc vẫn còn đối mặt rất nhiều khó khăn và thách thức trong thời gian tới. Song, với những tín hiệu đáng mừng từ độc giả, nhà xuất bản và những nhà hảo tâm, văn hóa đọc sách nói chung và sách in nói riêng chắc chắn sẽ có những bước phát triển bền vững, ổn định.