Đồng rúp mất giá kỷ lục

NDO -

Theo dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Nga (Moex) tại trang Tradingview, trong ngày 28/2 đồng rúp Nga có lúc giảm khoảng 31,5%, xuống còn 109,13 rúp/USD.

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

Chỉ trong gần 2 giờ đồng hồ, phiên giao dịch chiều (từ 14 giờ - 15 giờ 45 phút) đồng rúp Nga đã giảm xuống mức kỷ lục 109,13 rúp/USD rồi bắt đầu hồi phục về quanh mức 99 rúp/USD. Tại trang web chính thức của Ngân hàng trung ương Nga mức tỷ giá vẫn được thông báo ở mức 84 rúp/USD.

Đồng rúp giảm kỷ lục sau khi phương Tây đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT -0
Dữ liệu giao dịch từ Sở giao dịch chứng khoán Nga (Moex) tại trang Tradingview. Ảnh chụp màn hình
Đồng rúp giảm kỷ lục sau khi phương Tây đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT -0
Dữ liệu giao dịch tại website của Ngân hàng Trung ương Nga là 84 rúp/USD. Ảnh chụp màn hình 
Đồng rúp giảm kỷ lục sau khi phương Tây đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT -0
Dữ liệu giao dịch của Bloomberg. Ảnh chụp màn hình  

Cuối tuần qua, Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, bao gồm việc hạn chế quyền truy cập của một số ngân hàng Nga vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Các hạn chế đối với Ngân hàng Trung ương Nga nhằm vào khả năng tiếp cận hơn 600 tỷ USD mà Điện Kremlin đang dự trữ, cản trở khả năng hỗ trợ đồng rúp của nước này sau khi cuối tuần trước đồng rúp giảm xuống mức thấp nhất từ ​​trước đến nay.

Các nhà phân tích dự đoán rằng người Nga sẽ tăng rút tiền và dự trữ của chính phủ giảm khi người Nga sẽ tăng sở hữu các tài sản an toàn hơn thay vì giữ tiền.

Cũng từ năm 2014, Nga đã bắt đầu chuyển sang hệ thống thanh toán thay thế tên là SPFS. Theo trang web của Ngân hàng Trung ương Nga, ít nhất 331 ngân hàng, cả trong nước và nước ngoài, đã tham gia sử dụng hệ thống SPFS.

Trước đó, ngày 27/2 Ngân hàng Trung ương Nga khẳng định có các nguồn lực cần thiết để duy trì sự ổn định của lĩnh vực tài chính, bất chấp các trừng phạt của phương Tây.

Cơ quan này đã công bố một loạt biện pháp như tiếp tục mua vàng trên thị trường trong nước; thực hiện đấu giá mua lại không giới hạn và tăng phạm vi chứng khoán có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn; tạm thời nới lỏng các hạn chế đối với trạng thái ngoại tệ mở của các ngân hàng, qua đó cho phép các ngân hàng chống chịu với “các hoàn cảnh bên ngoài”.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga cũng yêu cầu các công ty tham gia thị trường chứng khoán từ chối các lệnh chào bán chứng khoán Nga của khách hàng nước ngoài.

Cơ quan này cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi những thay đổi trong trạng thái tiền tệ “để bảo đảm hoạt động bình thường của tiền tệ và thị trường tiền tệ, cũng như sự ổn định tài chính của các tổ chức cho vay”.

SWIFT là viết tắt của Tổ chức Viễn thông tài chính Liên ngân hàng Thế giới (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) - hạ tầng tin nhắn tài chính kết nối giữa các ngân hàng trên thế giới.
SWIFT không thực sự xử lý các giao dịch chuyển tiền, mà là một hệ thống nhắn tin, mang lại một phương thức an toàn để các ngân hàng gửi cho nhau các yêu cầu chuyển tiền.
SWIFT đặt tại Bỉ, được vận hành bởi các ngân hàng thành viên và xử lý hàng triệu hướng dẫn giao dịch mỗi ngày trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tại 11.000 định chế tài chính. 

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine