Đồng Nai tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

NDO -

Ngày 1/10, thông tin từ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 5, khóa XI cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai chỉ đạt dưới 40%. Do đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành, địa phương, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất, cần tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Đồng Nai chỉ đạt dưới 40%. Trong đó, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành giải ngân được hơn 885 tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch. Lũy kế đến nay, riêng dự án đặc biệt quan trọng này đã giải ngân 10.700 tỷ đồng, đạt gần 47%.

Ngoài ra, nhiều dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn đều có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2021 của Đồng Nai chỉ đạt 68% so với chỉ tiêu được giao.

Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà cho biết, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giãn cách xã hội kéo dài nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, việc vận chuyển vật liệu, vật tư, nhập khẩu máy móc thiết bị, điều động nhân công phần lớn đều bị ngưng trệ. Ngoài ra, một số địa phương cấp huyện chưa quyết liệt thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư chưa quyết liệt trong điều hành dự án.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế, xã hội, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, gắn kết quả giải ngân vốn đầu tư công để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở cấp tỉnh và huyện.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022, địa phương sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế trong môi trường rủi ro, cùng thích ứng với an toàn dịch bệnh. Bởi, không thể đóng cửa mãi vì mục tiêu “Zero F0” mà phải mở cửa, thúc đẩy phát triển, nhưng không để dịch bùng phát mạnh, gây tử vong nhiều. Để làm được điều này, phải tạo ra nhiều “vùng xanh” hơn và kiểm soát phát sinh dịch bệnh một cách hiệu quả. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn việc an sinh xã hội gắn với bảo đảm an ninh trật tự.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, dịch bệnh xảy ra đặt ra rất nhiều vấn đề phát sinh, cả hệ thống chính trị cùng với doanh nghiệp, người dân phải căng mình thực hiện các biện pháp để phòng, chống trong những tháng qua. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng đặt ra 3 cơ hội, đó là: phát triển mạnh xã hội số, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin; xác lập cách thức tương tác mới để thúc đẩy vận hành xã hội, không còn đơn thuần trực tiếp như trước mà buộc phải thường xuyên tương tác trực tuyến, giảm thời gian, chi phí và cuối cùng thúc đẩy hệ thống chính trị của chúng ta chăm lo tốt hơn cho nhân dân, qua đó, lựa chọn những cán bộ có năng lực, tâm huyết phục vụ nhân dân để quy hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Đồng Nai tăng 2,91%, đây là mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây; tổng thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 975 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 16 tỷ USD, nhập khẩu hơn 14,3 tỷ USD; cán cân thương mại hàng hóa trong 9 tháng ước tính xuất siêu 2 tỷ USD; thu ngân sách đạt hơn 48 nghìn tỷ đồng, đạt 104% dự toán năm...

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp để thực hiện khôi phục kinh tế, xã hội khi dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Đồng thời, cho ý kiến về một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu về kinh tế, xã hội, năm 2022.