Đồng Nai những “lỗ hổng” đòi hỏi công tác dân vận “lấp đầy”

Với phương châm “sâu sát, phù hợp, thực chất, đồng thuận”, công tác dân vận của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai ngày càng có bước tiến mới, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận cao của đông đảo các tầng lớp trong xã hội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung ở địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đối thoại với người dân dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đối thoại với người dân dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Song, trước yêu cầu của tình hình mới, công tác dân vận vẫn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, đòi hỏi những giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả. Đó là lý do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” ngày 10/9.

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, địa bàn Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án quan trọng do Trung ương và tỉnh đầu tư. Quy mô dân số toàn tỉnh hiện nay hơn 3,2 triệu người, xếp thứ 5 cả nước, trong đó 1,2 triệu công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp; đồng thời, có 50 thành phần dân tộc sinh sống và 65% dân cư là tín đồ các tôn giáo. Những đặc điểm trên đã tạo nên nhiều yếu tố thuận lợi, thách thức đan xen đối với tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, nhất là khâu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án.

Chú trọng chất lượng công tác dân vận

Để có cơ sở nhận định, đánh giá kết quả công tác dân vận thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020-2025, phục vụ cho việc xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 12, vừa qua Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khảo sát, lấy ý kiến trên 2.700 cán bộ đang làm việc ở cả 3 cấp trên địa bàn (tỉnh, huyện, xã) và nhân dân. Đa số ý kiến đánh giá cao và hài lòng với những kết quả đạt được của công tác dân vận, nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong vấn đề này.

Riêng về phía người dân, hơn 87% cho rằng công tác tuyên truyền, vận động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước được tổ chức kịp thời, thường xuyên; trên 90% rất hài lòng với việc giải quyết các ý kiến phản ánh, kiến nghị; khoảng 85% ghi nhận cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương; do đó, bà con tin tưởng, đồng thuận với sự lãnh đạo của cấp ủy, hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền.

 Đồng Nai những “lỗ hổng” đòi hỏi công tác dân vận “lấp đầy” ảnh 2

Quang cảnh Hội thảo khoa học.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy một số hạn chế mà công tác dân vận cần tiếp tục quan tâm, chấn chỉnh, như: Hơn 33 % ý kiến đánh giá việc phân công đảng viên trực tiếp làm công tác dân vận hiệu quả chưa rõ nét; trên 23 % cho biết việc công khai, bàn bạc với nhân dân về các quy hoạch, dự án có liên quan được chính quyền địa phương thực hiện không nhiều; công tác tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân chưa được quan tâm thường xuyên.

Đáng chú ý, gần 5% ý kiến của đoàn viên, hội viên và nhân dân được khảo sát trả lời sẽ không tin tưởng, phản ánh với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở mà khiếu nại lên cấp trên khi có những vấn đề bức xúc

Thực trạng trên đã được Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai thẳng thắn khái quát thành những mặt hạn chế đáng quan tâm trong công tác dân vận toàn tỉnh hiện nay, đó là: Công tác nắm bắt, dự báo tình hình nhân dân, định hướng tư tưởng cho đoàn viên, hội viên và nhân dân ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, sâu sát. Việc phối hợp thực hiện công tác dân vận trong quá trình bồi thường, giải tỏa, tái định cư và giải quyết các vụ việc tôn giáo có lúc, có nơi chưa đồng bộ, kịp thời.

Hoạt động đối thoại giữa người đứng đầu với nhân dân tuy được thực hiện thường xuyên và đạt nhiều kết quả, nhưng việc theo dõi, giám sát sau đối thoại có lúc chưa được quan tâm đúng mức. Công tác vận động, tập hợp quần chúng vào các tổ chức chính trị-xã hội trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn…

 Đồng Nai những “lỗ hổng” đòi hỏi công tác dân vận “lấp đầy” ảnh 3

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai Phạm Xuân Hà phát biểu tại hội thảo.

Rất cần những cán bộ tận tâm, trách nhiệm với dân

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 44 bài tham luận của các cơ quan, đơn vị, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Nai qua các thời kỳ, với nội dung tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau và được đầu tư tâm huyết, nghiêm túc, có tính thực tiễn cao; đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác dân vận trong tình hình mới.

9 lượt ý kiến trực tiếp trao đổi tại diễn đàn thống nhất chung nhận định, công tác dân vận ở Đồng Nai nhận thức đầy đủ quan điểm nhân dân là chủ thể của công cuộc đổi mới; do đó, những năm qua đã có nhiều cải thiện theo hướng thiết thực, hiệu quả, góp phần đề cao vai trò, vị trí trung tâm của nhân dân.

Nhưng, trước bối cảnh đặt ra nhiều thách thức và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phía trước, công tác dân vận còn rất nhiều việc phải làm nhằm đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa sức thuyết phục trong quá trình vận động nhân dân.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai lưu ý: Năm 2024 là năm mà toàn Đảng bộ phải tập trung nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội 11 Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Dự báo tình hình có những thời cơ, thách thức đan xen, phức tạp, nổi cộm là các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, thiếu đơn hàng sản xuất; một số vụ án, vụ việc liên quan đến dự án, đất đai tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, doanh nghiệp và cán bộ, công chức.

Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ để xuyên tạc, lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân, nhắm vào địa bàn đặc thù Đồng Nai đông công nhân lao động, đồng bào có đạo...

Vì vậy, công tác dân vận phải bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và của tỉnh, tập trung làm tốt tuyên truyền, vận động, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước.

 Đồng Nai những “lỗ hổng” đòi hỏi công tác dân vận “lấp đầy” ảnh 4

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, những cán bộ không trăn trở, vô cảm với dân, chúng ta phải nhận diện, thay thế bằng đội ngũ tốt hơn. Làm được việc đó thì Đảng ta mới mạnh và hợp lòng dân.

Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai chỉ đạo 6 nhiệm vụ trọng tâm mà công tác dân vận ở các địa phương, đơn vị cần tập trung thời gian tới. Theo đó, đề nghị trên cơ sở nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận, mỗi cán bộ công chức, theo chức trách của mình xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện công tác dân vận và vận dụng phương châm, phương pháp dân vận phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế ở cơ sở.

Đổi mới phương thức, quản lý, điều hành, xây dựng phong cách làm việc “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Cần xem lại vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chăm lo, giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân. Nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ đi đôi với chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp gắn với mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Không ngừng nâng cao chất lượng trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quan tâm triển khai thực hiện Luật Dân chủ cơ sở, phát huy mạnh mẽ dân chủ trực tiếp theo phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hướng các hoạt động về cơ sở, bám sát địa bàn, phù hợp từng đối tượng, để nắm bắt, đề xuất, kiến nghị cấp ủy, chính quyền có những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc nảy sinh tại chỗ.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị thực hiện công tác dân vận. Đẩy mạnh thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước.

“Mục tiêu, lý tưởng của Đảng bao giờ cũng phụng sự mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, không làm được thì Đảng không có ý nghĩa, chính quyền không có giá trị trong lòng dân.

Do đó, lúc này chúng ta cần lắm, rất cần những cán bộ, đảng viên thật sự tận tâm với dân. Bây giờ điểm danh đội ngũ cán bộ lãnh đạo xem bao nhiêu người tận tâm với dân, bao nhiêu người vô cảm với dân, bao nhiêu người xem phụng sự nhân dân là sự xa hoa.

“Tôi làm Bí thư Tỉnh ủy, tôi biết có đấy. Những cán bộ không trăn trở, vô cảm với dân, chúng ta phải nhận diện, thay thế bằng đội ngũ tốt hơn. Làm được việc đó thì Đảng ta mới mạnh và hợp lòng dân”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.