Hương lộ 2 được xem là một trong số ít tuyến đường lớn có khả năng đảm đương sứ mệnh tháo gỡ căn cơ các “nút thắt” về hạ tầng giao thông, phục vụ hoạt động đi lại trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhất là rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển theo hướng tuyến đến Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời góp phần quan trọng giảm tải lưu lượng phương tiện trên Quốc lộ 51 vốn đã rất xuống cấp do quá tải. Song trước hết, công năng chính của tuyến đường này là kết nối các đô thị dọc sông Đồng Nai.
Nhanh chóng hoàn tất tuyến Hương lộ 2
Phát huy tiềm năng lợi thế thiên nhiên ưu đãi của tuyến sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn xã Long Hưng, phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa và xã Tam An, huyện Long Thành được quy hoạch các khu đô thị mới, hiện đại như: Khu đô thị sinh thái-kinh tế mở Long Hưng 899ha, khu đô thị mới KN Biên Hòa 844ha, thành phố Amata Long Thành 753ha, dần hình thành chuỗi đô thị dọc sông Đồng Nai.
Để kết nối các khu đô thị trên, tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch đường Hương lộ 2 từ Quốc lộ 51 đến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây dài 15km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 4 làn xe thô sơ, lộ giới 60m.
Tuyến đường này có phạm vi nằm hầu hết trong phạm vi của các khu đô thị: Long Hưng dài 6,5km, khu đô thị mới KN Biên Hòa dài 1,2km, thành phố Amata Long Thành dài 5,7km. Do đó, khi triển khai cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư cho các dự án, Ủy ban nhân nhân tỉnh Đồng Nai đã giao trách nhiệm cho các chủ đầu tư khu đô thị sinh thái-kinh tế mở Long Hưng (năm 2008), khu đô thị sinh thái Long Thành (năm 2018), thành phố Amata Long Thành (năm 2016) triển khai xây dựng các đoạn tuyến của đường Hương lộ 2 đồng bộ với dự án đô thị.
Đến nay, Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai đã đầu tư 6,5km đoạn qua khu đô thị sinh thái-kinh tế mở Long Hưng. Đối với đoạn qua khu đô thị sinh thái Long Thành, thành phố Amata Long Thành đã hoàn thành công tác lập hồ sơ dự án đầu tư.
Thời gian qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thành phố Amata Long Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành cũng đã cố gắng triển khai các dự án và ưu tiên làm trước đối với tuyến Hương lộ 2 nối dài, đoạn 2, nằm trong các dự án của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất lúa và một số thủ tục khác, đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện dự án trên thực tế.
Riêng đối với đoạn từ Quốc lộ 51 đến khu đô thị sinh thái-kinh tế mở Long Hưng và cầu Vàm Cái Sứt do không thuộc phạm vi các dự án đô thị, được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Đồng Nai triển khai bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Để bảo đảm việc kết nối đồng bộ khi cầu Vàm Cái Sứt được đưa vào khai thác, tháng 5/2020, Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương án đầu tư Dự án Hương lộ 2 nối dài, đoạn 2, từ nguồn vốn đầu tư công, đồng thời cân đối các nguồn vốn, bố trí để sớm triển khai đầu tư dự án.
Để triển khai Dự án Hương lộ 2 nối dài, đoạn 2, bằng hình thức đầu tư công phải bảo đảm về điều kiện phê duyệt chủ trương đầu tư dự án được quy định tại khoản 2, Điều 18 Luật Đầu tư công năm 2019 (không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư).
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương tách đoạn tuyến của Dự án Hương lộ 2 nối dài, đoạn 2, ra khỏi dự án thành phố Amata Long Thành (do Công ty trách nhiệm hữu hạn thành phố Amata Long Thành làm nhà đầu tư) và dự án Khu đô thị mới KN Biên Hòa (do Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành đầu tư).
Thi công phần đắp gia tải và quan trắc lún đường đầu cầu phía mố M2, cầu Vàm Cát Sứt. |
Tháng 4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ trương thống nhất nội dung đề xuất của Sở Kế hoạch và đầu tư về việc tách đoạn tuyến của Dự án Hương lộ 2 nối dài đoạn từ cầu Vàm Cái Sứt đến nút giao với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây ra khỏi Dự án thành phố Amata Long Thành và Dự án khu đô thị mới KN Biên Hòa.
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan làm việc cụ thể với Công ty trách nhiệm hữu hạn thành phố Amata Long Thành và Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành để thống nhất giải pháp triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến việc tách đoạn tuyến Dự án Hương lộ 2 nối dài ra khỏi 2 dự án trên bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Sau khi tuyến Hương lộ 2 đoạn kết nối đến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây được tách ra khỏi 2 dự án trên, Sở Giao thông vận tải Đồng Nai sẽ trình hồ sơ chủ trương đầu tư triển khai thực hiện dự án bằng nguồn vốn đầu tư công trong năm 2025 để bảo đảm kết nối với cầu Vàm Cái Sứt.
Cầu tạm thời “treo” khai thác, chờ đường kết nối
Trong khi dự án Hương lộ 2 đoạn kết nối đến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây vẫn đang “nằm trên giấy”, thì dư luận bức xúc trước nguy cơ lãng phí khi cây cầu Vàm Cái Sứt thuộc địa bàn thành phố Biên Hòa, được nhà nước bỏ ra hơn 387 tỷ đồng ngân sách đầu tư và gần như đã thi công hoàn tất, nhưng đành phải tạm “treo” khai thác do không có đường kết nối. Chưa kể, bản thân quá trình thi công cây cầu này cũng đã chậm trễ tiến độ khá lâu và buộc phải gia hạn thời gian hai lần trước đó.
Cầu Vàm Cái Sứt bắc qua sông Buông có điểm trên Hương lộ 2. Theo thiết kế, cầu xây dựng mới có tổng chiều dài hơn 640m, trong đó phần cầu dài hơn 450m; khổ rộng 23,6m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Đồng Nai, bắt đầu tiến hành khởi công vào tháng 10/2020 với ý nghĩa sự kiện chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025. Ban đầu được ấn định lộ trình thi công 18 tháng, song, thực tế phải đến đầu năm 2024, mới cơ bản xong phần thân cầu chính và dự kiến sẵn sàng bàn giao đưa vào sử dụng cầu trong quý IV/2024.
Tỉnh Đồng Nai đang nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để đầu tư Hương lộ 2 nối dài để tránh lãng phí cầu Vàm Cái Sứt. |
Nghịch lý, bất cập ở chỗ, tới thời điểm này, cầu làm xong để đó, vì không có đường đi do phía đầu cầu huyện Long Thành kết nối với cao tốc (tức tuyến đường Hương lộ 2 nối dài, đoạn 2) chưa thể triển khai thực hiện. Lãnh đạo tỉnh sốt ruột, người dân xót xa chứng kiến cây cầu hàng trăm tỷ đang phơi mình “bỏ ngỏ” do quá trình triển khai thực hiện các công việc liên quan thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt ngay từ đầu.
Giám đốc Ban Quản lý các dự án công trình giao thông Đồng Nai Ngô Thế Ân, đơn vị chủ đầu tư triển khai thực hiện cầu Vàm Cái Sứt và Hương lộ 2, giai đoạn 1, đoạn 1 “nóng lòng” kiến nghị: “Hiện nay, đối với Dự án Hương lộ 2, còn đoạn Long Hưng vướng chưa giải quyết được, đơn vị cố gắng hoàn tất để đấu nối với Quốc lộ 51; còn giai đoạn 2 chưa triển khai sẽ không phát huy hiệu quả, lãng phí. Do đó, kiến nghị khẩn trương bố trí kế hoạch thực hiện nối Hương lộ 2, đoạn từ Cầu Vàm Cát Sứt đến nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh -Long Thành-Dầu Giây để sớm đưa cầu vào hoạt động. Bởi, nếu không, khi nghiệm thu hoàn thành cầu Vàm Cát Sứt xong, không hoạt động là lãng phí”.
Ông Ân cũng cho biết đã quán triệt trong chi bộ và đến cán bộ, nhân viên về nội dung phòng, chống lãng phí. Bởi lẽ, câu chuyện luẩn quẩn cầu Vàm Cái Sứt-Hương lộ 2 tồn tại hiện nay chính là minh chứng cho dạng thức lãng phí đang nổi lên gay gắt đã được người đứng đầu Đảng ta nhận diện, chỉ ra, đó là lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, cụ thể trường hợp này bộc lộ hạn chế về giải ngân vốn đầu tư công. “Lỡ hẹn” về mặt thời gian, lãng phí tiền bạc, dẫn đến lãng phí cơ hội tranh thủ phát huy nguồn lực, làm giàu cho tỉnh, cho đất nước. Đây cũng là minh chứng điển hình cho “điểm nghẽn” lớn là tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm còn chậm, trở thành “nút thắt” chính ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Vì thế, dư luận mong rằng, việc tách riêng dự án tuyến Hương lộ 2 đoạn kết nối đến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây cùng với chủ trương đầu tư triển khai thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công trong năm 2025 để bảo đảm kết nối với cầu Vàm Cái Sứt, sẽ được coi như một “cam kết chính trị” của chính quyền tỉnh, đòi hỏi các cơ quan chức năng sốt sắng vào cuộc với trách nhiệm cao nhất, gấp rút biến thành hành động thực chất, khẩn trương mang lại kết quả “sản phẩm” cuối cùng.