Quảng Nam hội đủ các loại hình giao thông qua địa bàn gồm đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không. Trong tương lai, khi mạng giao thông địa phương kết nối đồng bộ, sẽ tạo ra động lực, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ.
“Cú huých” từ công trình trọng điểm
Sau một thời gian triển khai thi công, đến nay, tuyến đường ven biển nối từ thành phố Hội An đến sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành) đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục còn lại để chuẩn bị đưa vào sử dụng. Ðây là tuyến đường ven biển có quy mô lớn, dài gần 70km, rộng gần 30m, chia thành hai giai đoạn, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.
Tuyến đường được mang tên Cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, một người con ưu tú của quê hương Quảng Nam. Khi tuyến đường hoàn thiện, sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong toàn tuyến đường bộ ven biển quốc gia; tạo điều kiện cho địa phương thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Lê Trí Thanh cho biết, tuyến đường Võ Chí Công có vị trí quan trọng, trở thành động lực phát triển kinh tế phía đông địa phương. Trước đó, vào cuối tháng 3/2016, khi công trình cầu Cửa Ðại và tuyến đường ven biển từ huyện Duy Xuyên đến thành phố Tam Kỳ (giai đoạn 1) đưa vào sử dụng đã tạo ra “cú huých” mạnh mẽ trong phát triển kinh tế khu vực phía nam Hội An. Thời điểm đó, hai công trình đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ngay sau đó hàng chục dự án về du lịch, dịch vụ được cấp phép đầu tư xây dựng.
Những ngày giữa tháng 5 này, chạy xe dọc theo đường ven biển, nhìn các khu du lịch cao cấp, khó ai hình dung được cách đây hơn 5 năm, nơi đây còn là vùng cát trắng, mùa hè nắng chói chang,... Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình, Võ Văn Hùng cho biết, từ khi đường Võ Chí Công được xây dựng, vùng đất này được “đánh thức”, nhiều dự án lớn được cấp phép đầu tư. Các khu du lịch, dự án sản xuất, kinh doanh,... đi vào hoạt động, đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn người; cải thiện đời sống người dân địa phương.
Ðiều đáng nói, cùng với đầu tư hoàn thiện con đường chiến lược ven biển và đổ bê-tông gần 6.000km đường giao thông nông thôn, Quảng Nam còn đầu tư hàng loạt công trình giao thông trọng điểm như, cầu Giao Thủy (qua sông Thu Bồn), Quốc lộ 14H (nối 2 huyện Duy Xuyên-Nông Sơn), đường nối cảng Chu Lai đến cao tốc Ðà Nẵng-Quảng Ngãi, Quốc lộ 40B (đoạn từ Tam Kỳ lên Tiên Phước),... Khi các công trình trọng điểm được xây dựng, không chỉ kết nối giao thông giữa đồng bằng và miền núi trong tỉnh, mà còn tạo thuận lợi trong giao lưu hàng hóa với các địa phương trong khu vực và cả nước.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Quảng Nam, Nguyễn Quang Thử nhìn nhận, nhờ hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư, mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư và dự án lớn để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Từ một tỉnh nằm trong tốp nghèo của cả nước, đến nay, Quảng Nam trở thành tỉnh khá ở khu vực miền trung.
Nhờ hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư, mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư và dự án lớn để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Từ một tỉnh nằm trong tốp nghèo của cả nước, đến nay, Quảng Nam trở thành tỉnh khá ở khu vực miền trung.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Quảng Nam, Nguyễn Quang Thử
Kết thúc năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 69.110 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh giao; đứng thứ 11 so với cả nước và đứng thứ 4 trong 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp và xây dựng chiếm 35%; thương mại-dịch vụ 31,7%; nông nghiệp 13,4%,...
Cảng Chu Lai được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi trong giao thương hàng hóa. |
Tạo liên kết phát triển
Theo khảo sát mới đây, dù đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và mở rộng, nhưng hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ; nhiều công trình cầu, đường đã đầu tư xây dựng, song chưa khớp nối với các trục giao thông chính,... Ðây là “điểm nghẽn” khiến những tiềm năng lớn ở vùng núi phía tây của tỉnh khai thác chưa đạt hiệu quả.
Bí thư Huyện ủy Ðông Giang, Ðỗ Tài chia sẻ, hiện tại, trên địa bàn huyện đã xây dựng nhiều điểm du lịch sinh thái, nhưng lượng khách “ngược lên” miền núi không nhiều. Ðơn cử, như Khu du lịch sinh thái Cổng Trời-Ðông Giang được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng sau hơn một năm khai thác chỉ đón được khoảng 70 nghìn lượt du khách đến tham quan, lưu trú. “Lượng du khách đến miền núi còn thấp do các tuyến đường đang xuống cấp, chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời, ảnh hưởng lớn phát triển kinh tế, nhất là thu hút khách du lịch”, đồng chí Ðỗ Tài bày tỏ.
Xác định tầm quan trọng của mạng lưới giao thông, Quảng Nam đang khẩn trương xây dựng và hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn chỉnh Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh hoàn chỉnh các quy hoạch vùng huyện, vùng liên huyện phía đông; quy hoạch cảnh quan ven sông và các quy hoạch phân khu.
Ðặc biệt, tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, kết nối liên vùng và phát triển đô thị. Ðồng thời, hoàn chỉnh quy hoạch cảng biển Chu Lai thành cảng biển quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mở tuyến luồng mới Cửa Lở (huyện Núi Thành) bảo đảm cho tàu 50 nghìn tấn ra, vào cập cảng; kêu gọi đầu tư xã hội hóa, phát triển dịch vụ hậu cần cảng và logistics gắn với cảng biển Chu Lai.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam sẽ tranh thủ các nguồn vốn, tập trung phát triển hệ thống cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics, phù hợp định hướng phát triển không gian xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục rà soát, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo lộ trình nhằm từng bước mở rộng không gian đô thị, xây dựng đô thị sinh thái, thông minh dọc theo các trục đường chính.
Quảng Nam sẽ tranh thủ các nguồn vốn, tập trung phát triển hệ thống cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics, phù hợp định hướng phát triển không gian xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Lê Trí Thanh
Tỉnh sẽ đầu tư, phát triển một số khu đô thị, khu du lịch tập trung ven biển theo hình thức khu du lịch, dịch vụ, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp với các sản phẩm đặc thù để hình thành chuỗi du lịch, dịch vụ cao cấp ven biển từ Thăng Bình đến Núi Thành dọc theo sông Trường Giang và tuyến đường Võ Chí Công; kết hợp phát triển du lịch cộng đồng phát huy làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái đồng quê.