Động lực thu hút các dự án xanh

Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh gồm 44 cơ chế, chính sách trên bảy lĩnh vực khác nhau; trong đó, có nhiều nội dung liên quan tăng trưởng xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Trưng bày các sản phẩm khoa học-công nghệ tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Trưng bày các sản phẩm khoa học-công nghệ tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là cơ hội để thành phố thu hút các dự án có hàm lượng chất xám cao, cũng như thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết số 98 là chìa khóa để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển hiện nay và thúc đẩy tăng trưởng xanh của thành phố.

Hướng đến khu đô thị xanh kiểu mẫu

Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia góp phần trực tiếp vào việc nâng cao năng lực các lĩnh vực công nghệ trọng yếu như công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ vật liệu mới.

Các lĩnh vực công nghệ này là tiền đề quan trọng góp phần phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và mũi nhọn không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn cho cả nước.

Mục tiêu của khu công nghệ cao này đến năm 2030 là trở thành Khu Công viên khoa học và công nghệ chuẩn mực quốc tế, đến năm 2045 trở thành tiểu khu đô thị khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng phát triển bền vững, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thực hiện đồng thời chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, xây dựng đơn vị này trở thành khu đô thị xanh và thông minh kiểu mẫu của cả nước.

Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, từ mục tiêu đề ra và dựa trên những cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 98, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thu hút các dự án đầu tư trong các ngành công nghệ cao, tập trung vào các công đoạn, các khâu có giá trị gia tăng cao cạnh tranh dựa trên cơ sở nguồn nhân lực trình độ cao, năng lực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cũng xây dựng các tiêu chí đánh giá đầu vào để tuyển chọn dự án đầu tư phù hợp định hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; đề xuất cấp thẩm quyền xem xét các chính sách thí điểm có kiểm soát và triển khai thí điểm tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh các công nghệ mới phù hợp định hướng tăng trưởng xanh; đồng thời, đề xuất và triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách liên quan mua bán điện trực tiếp, triển khai các công trình năng lượng mặt trời áp mái, mua bán tín chỉ carbon...

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh đang hoạt động với hơn 2.300 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (65% là startup công nghệ thông tin), chiếm 50% cả nước, 53 cơ sở ươm tạo, không gian làm việc chung...

Thành phố cũng có gần 200 quỹ đầu tư mạo hiểm, hơn 90 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo với hệ thống khoảng 270 phòng thí nghiệm và phòng thí nghiệm chế tạo (fablab) trong các lĩnh vực.

Ngoài ra, mỗi năm thành phố có khoảng 500 sự kiện về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; trong đó, có gần 80 cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo.

Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cũng như thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ, Nghị quyết số 98 cho phép Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, Trung tâm đổi mới sáng tạo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học-công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát sinh trên địa bàn thành phố; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp của các cá nhân, tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học-công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công; hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố cho chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Cụ thể, chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia; tiền công lao động trực tiếp; dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung. Với các chính sách này, thành phố kỳ vọng các quỹ đầu tư, các định chế tài chính, các chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài sẽ tìm thấy rất nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của thành phố theo nguyên tắc các bên cùng có lợi.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, với các thể chế đã được Trung ương cho phép trong Nghị quyết số 98, thành phố sẽ huy động hiệu quả hơn sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành nghề lĩnh vực:

Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển; đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư lớn; đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch…