Ðộng lực mới từ thay đổi của ngành xuất bản

Hội Xuất bản Việt Nam vừa tổ chức thành công Ðại hội đại biểu lần thứ 5 với chủ đề: Ðổi mới, hội nhập và phát triển. Ðại hội đã bầu ra 37 ủy viên Ban Chấp hành theo tiêu chí trẻ hóa, chuyên môn sâu, đa dạng hóa. Lượng ủy viên mới chiếm khoảng 70%, trong đó người trẻ nhất sinh năm 1991, các ủy viên thế hệ 8x chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và nhóm ủy viên độ tuổi 40-50 là đông nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự Đại hội.
Các đại biểu dự Đại hội.

Nhìn lại quá trình hoạt động của nhiệm kỳ cũ, một trong những điểm sáng thuộc về công tác đối ngoại. Trong các năm 2022, 2023, Hội Xuất bản Việt Nam là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Ðông Nam Á và ngành xuất bản Việt Nam đã trở thành thành viên sáng lập của tổ chức Hiệp hội Xuất bản châu Á-Thái Bình Dương (APPA).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải thẳng thắn thừa nhận một số hạn chế, như: Tổ chức Hội chưa thật sự lớn mạnh; một số hoạt động chưa mang tầm quốc gia; đề xuất ban hành văn bản về cơ chế, chính sách đặc thù đối với xuất bản chưa mạnh mẽ; chưa tổ chức được nhiều diễn đàn, hoạt động để trao đổi thông tin nghề nghiệp; chưa bắt kịp xu hướng phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ…

Thực tế, ngành xuất bản bước đầu đã quan tâm đến ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, song sự tham gia một cách thiết thực của các doanh nghiệp công nghệ vào thị trường xuất bản, phát hành chưa sôi động, hiệu quả. Năm 2018, có bốn nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử và hai đơn vị thực hiện phát hành điện tử. Ðến nay cũng mới chỉ có khoảng 20 nhà xuất bản làm xuất bản điện tử và 20 đơn vị phát hành điện tử. Trong rất nhiều nền tảng mới chỉ có doanh thu từ thị trường sách nói nổi bật hơn một chút với con số là 53 tỷ đồng.

Theo ý kiến của nhiều người làm xuất bản, trong nhiệm kỳ mới, Hội Xuất bản Việt Nam đứng trước các cơ hội và thách thức lớn dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những vấn đề an ninh phi truyền thống; khủng hoảng kinh tế toàn cầu; xung đột vũ trang; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh... Trước thực trạng này, ba tiêu chí: trẻ hóa, chuyên môn sâu, đa dạng hóa trong Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa mới đã bước đầu mang đến kỳ vọng về sự thay đổi trong công tác định hướng, hoạt động nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể đặc thù và mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh thời đại 4.0, với mục tiêu đặt chuyển đổi số là hoạt động trọng tâm cùng thuận lợi đã bổ sung nhiều ủy viên mới là nhân sự trực tiếp quản lý, vận hành các công ty chuyên về công nghệ và giải pháp công nghệ, ngành xuất bản được kỳ vọng sẽ triển khai hiệu quả hơn nhiệm vụ chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa.

Bên cạnh đó, Hội Xuất bản Việt Nam cũng cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đến công tác phát triển nguồn nhân lực, hội viên nhằm tạo động lực cho phát triển xuất bản và văn hóa đọc thông qua hiệu quả từ quảng bá, phát hành và công nghệ để toàn ngành phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, chủ động hội nhập với ngành xuất bản khu vực và thế giới.