Động lực mới để thành phố Thủ Đức phát triển

Với đồ án quy hoạch chung đến năm 2040 vừa được công bố, thành phố Thủ Đức đóng vai trò then chốt, động lực dẫn dắt Thành phố Hồ Chí Minh và cả vùng Đông Nam Bộ phát triển. Đây sẽ là đô thị sáng tạo, trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế…
0:00 / 0:00
0:00
Một góc đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức đang xây dựng.
Một góc đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức đang xây dựng.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đồ án quy hoạch chỉ đóng vai trò nền móng, còn việc xây dựng thành phố Thủ Đức phát triển như mục tiêu đề ra lại đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh và sự quyết tâm của hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh.

Những “nét vẽ” đầu tiên của khu đô thị sáng tạo

Quy hoạch chung của thành phố Thủ Đức đến năm 2040 nêu rõ, quy mô dân số hơn 2,6 triệu người, phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, trên cơ sở hình thành, phát triển các khu vực trọng điểm về tài chính, thương mại-dịch vụ, văn hóa, thể dục thể thao, nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghệ cao. Chính quyền thành phố sẽ phát triển không gian theo chín phân vùng, gắn với tổ chức hệ thống giao thông đô thị và liên vùng đa phương thức, giao thông công cộng; phát triển đô thị tập trung hướng theo giao thông công cộng, trong đó, các ga trung chuyển quy mô lớn sẽ tạo thành lõi của các trọng điểm phát triển.

Các phân vùng cũng gắn với tổ chức các khu vực đa chức năng nhằm tăng cường tương tác trong các hoạt động kinh tế-xã hội và hợp tác phát triển, với hạt nhân là các trung tâm đổi mới, sáng tạo để hình thành các trung tâm kinh tế tri thức; đồng thời phát triển theo xu hướng đô thị thông minh. Bên cạnh đó, chín tuyến đường sắt đô thị và liên vùng kết nối thành phố Thủ Đức với Thành phố Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Long Thành.

Về không gian đô thị, thành phố Thủ Đức lấy không gian cây xanh mặt nước làm trung tâm, kết hợp hệ thống sông, kênh, rạch (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Tắc, rạch Chiếc, rạch Trau Trảu, rạch Gò Công, rạch Ông Nhiêu…) gắn kết với hệ thống công viên cây xanh sử dụng công cộng, hình thành nên khung cấu trúc không gian đặc sắc, đồng thời đóng vai trò là các hành lang trữ và thoát nước.

Về giao thông, thành phố Thủ Đức đóng vai trò đầu mối kết nối vùng Đông Nam Bộ về đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa với cả nước và quốc tế. Thành phố cũng sẽ tạo dựng cảnh quan đô thị hiện đại và sinh thái; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, đặc trưng đô thị sông nước, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Giải pháp và quyết tâm thực hiện

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, việc Thủ tướng Chính phủ thông qua đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040 là cơ hội để thành phố Thủ Đức tận dụng tối đa các cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội nhằm phát triển mạnh mẽ, là cực tăng trưởng mới của Thành phố Hồ Chí Minh, là trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội của cả nước, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị thành phố Thủ Đức phối hợp các sở, ngành sớm triển khai quy hoạch, chậm nhất tháng 9/2025 phải hoàn thành các quy hoạch phân khu. Trước mắt, thành phố Thủ Đức cần tập trung nguồn lực hoàn thành khu Thủ Thiêm gắn với trung tâm tài chính quốc tế, hoàn thiện đầu tư khu đô thị đại học, mở rộng khu công nghệ cao trước năm 2030, tăng cường liên kết các địa bàn giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, gắn với phát huy thế mạnh lợi thế của từng địa phương.

Tại buổi công bố quy hoạch, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng khẳng định, thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế để doanh nghiệp đầu tư. Về giao thông, thành phố Thủ Đức là cửa ngõ của Thành phố Hồ Chí Minh, với chín tuyến đường sắt đô thị và liên vùng kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại; phát triển đô thị theo định hướng gắn với giao thông công cộng. Về đường bộ, địa phương sẽ đầu tư nhiều tuyến đường kết nối liên vùng mới như đường nối liên cảng Cát Lái-Phú Hữu-nút giao vành đai 3-đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, tuyến nối đường vành đai 2 vào đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành.

Đồng chí Hoàng Tùng cũng cam kết tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư. Bởi UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã giao địa phương làm đầu mối tiếp nhận các yêu cầu đầu tư để thúc đẩy đầu tư. Thủ Đức sẽ nỗ lực hết sức triển khai quy hoạch, hoàn thành thủ tục đầu tư cho các thành phần trong xã hội tham gia.

Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, đồng sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty Encity, để đồ án quy hoạch thành hiện thực, thành phố Thủ Đức cần những thể chế tốt. Địa phương cần chủ động hơn trong việc ra những quyết định, biến tiềm năng, lợi thế sẵn có thành hiện thực. Thành phố Thủ Đức cần phải có hệ thống pháp lý sáng tạo để trở thành một đô thị sáng tạo .

Còn theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch chung giúp thành phố Thủ Đức khai thác tối đa giá trị của quỹ đất, tận dụng các chính sách ưu đãi để phát triển hạ tầng, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút lao động trẻ, trí thức, các hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo… Quan trọng hơn, sau hơn bốn năm thành lập, đến nay thành phố Thủ Đức đã ổn định tổ chức bộ máy, được Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh phân cấp, giao việc mạnh mẽ, cho nên đã có sẵn nhiều cơ chế cần thiết để phát triển. Tuy nhiên, muốn bứt phá, muốn là trung tâm tài chính, đô thị sáng tạo như kỳ vọng, đòi hỏi bộ máy chính quyền thành phố Thủ Đức phải có quyết tâm đổi mới, trên tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chỉ bàn làm, không bàn lùi; ban hành nhiều chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư, cắt giảm các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết... góp phần hoàn chỉnh cấu trúc đô thị, cấu trúc xã hội vì lợi ích chung, phục vụ người dân ■