Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học-Ðại học Bách khoa Hà Nội, Ngô Minh Ðạt, ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ấp ủ một ý tưởng táo bạo: Phát triển các sản phẩm dược liệu trên chính mảnh đất quê hương, tạo ra thương hiệu uy tín nhằm đa dạng hóa thị trường quà tặng du lịch Ninh Bình. Chính vì thế, năm 2019, Ðạt bắt tay ngay vào hiện thực hóa ý tưởng đó với một xưởng nhỏ nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Khởi nghiệp với vô vàn khó khăn khi đây là một sản phẩm hoàn toàn mới tại địa phương, chưa có kinh nghiệm và nguồn vốn ban đầu ít ỏi. Nhưng thử thách không làm nản lòng chàng thanh niên Ngô Minh Ðạt mà ngược lại, càng gian khó, ý chí quyết tâm học hỏi, tìm hiểu kiến thức về đông trùng hạ thảo càng cao.
Với tinh thần "dám nghĩ dám làm", không ngừng trau dồi, tích lũy kinh nghiệm sau những lần thất bại cùng nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của tổ chức đoàn các cấp, đặc biệt là nguồn vốn vay theo Nghị quyết 43 của Hội đồng Nhân dân tỉnh, đến nay, Công ty cổ phần Dược liệu StarViet do Ngô Minh Ðạt làm giám đốc hoạt động ổn định, có uy tín trên thị trường với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Mô hình kinh tế của Ngô Minh Ðạt đã truyền cảm hứng tích cực và là nguồn động lực để nhiều thanh niên quyết tâm theo đuổi đam mê, tạo ra phong trào thanh niên phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Theo lãnh đạo Huyện đoàn Gia Viễn, hiện công tác đoàn và phong trào thanh niên nói chung đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tổ chức hoạt động đoàn.
Một trong những khó khăn lớn nhất là vấn đề lao động, việc làm và thu nhập. Tình trạng đoàn viên, thanh niên rời quê hương đi làm ăn xa ngày càng trở nên phổ biến; chính sách, cơ chế giải quyết nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của đoàn viên thanh niên dẫn đến việc thu hút, tập hợp thanh niên là trở ngại khá lớn...
Trước thực trạng này, các cấp bộ đoàn huyện Gia Viễn đã luôn nỗ lực, trăn trở để tìm ra các giải pháp giải quyết khó khăn trong công tác tập hợp đoàn viên, thanh niên, "Ðồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp". Thi đua khởi nghiệp, lập nghiệp phát triển kinh tế gia đình đã trở thành phong trào sôi nổi, mạnh mẽ.
Ðược sự quan tâm của Huyện ủy, Huyện đoàn Gia Viễn định hướng cho tuổi trẻ về nghề nghiệp, khởi nghiệp, lập nghiệp qua việc khuyến khích đoàn viên thanh niên mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn huyện tư vấn hướng nghiệp cho hơn 6.000 đoàn viên, thanh niên. Tổ chức tám hội nghị chuyển giao khoa học-kỹ thuật tại các xã Gia Trấn, Gia Hòa, Gia Vân, Gia Sinh...
Việc đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp đã tạo nhiều cơ hội cho đoàn viên thanh niên tiếp cận chế độ chính sách, học hỏi được từ những mô hình hay hiệu quả áp dụng vào thực tế. Huyện duy trì, phát triển 50 mô hình thanh niên phát triển kinh tế, tổ hợp tác "Thanh niên làm kinh tế", "Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế" giải quyết việc làm cho 1.000 lao động. Tiêu biểu như Hợp tác xã Sinh Dược với các loại sản phẩm đa dạng, phong phú trong đó: Muối ngâm chân, trà An Thái, tranh lá bồ đề... đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao; mô hình nông sản an toàn của đoàn viên thanh niên Lê Văn Tiên; mô hình trồng hoa các loại của đoàn viên thanh niên Nguyễn Thị Thúy...
Nhằm tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh và tạo mối liên kết phát triển về kinh tế giữa đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên làm giàu, Huyện đoàn Gia Viễn đã thành lập Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp với 15 thành viên do thanh niên Ngô Minh Ðạt, Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu StarViet làm chủ nhiệm vào đầu năm 2022. Các nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, nguồn Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế theo Nghị quyết 43 của HÐND tỉnh và Ðề án 120 đã hỗ trợ 58 mô hình, dự án phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho 510 lao động.
Thực tế cho thấy, Chương trình đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của các cấp bộ đoàn đã phát huy vai trò xung kích, tự chủ của thanh niên trong đầu tư phát triển kinh tế.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp do thanh niên làm ra đã trở thành các mặt hàng có giá trị có tính cạnh tranh cao dần đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đồng thời góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho thanh niên, tạo điều kiện mở rộng đoàn kết tập hợp thanh niên vào tổ chức đoàn. Các hoạt động tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp, kết nối thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp với nhà đầu tư được nhiều đơn vị tổ chức...
Nhiều tỉnh đoàn, thành đoàn đã huy động nguồn lực thành lập quỹ để tăng nguồn vốn vay cho thanh niên, như Quỹ đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Thông qua chương trình, các cấp bộ đoàn tập trung duy trì và phát triển mô hình dạy nghề tại chỗ; mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển cả số lượng và chất lượng.
Các mô hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế; mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác "Thanh niên làm kinh tế", "Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế" đã phát huy hiệu quả. Hoạt động tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền được chú trọng triển khai.
Mặc dù đạt nhiều hiệu quả, nhưng Chương trình đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp vẫn còn không ít bất cập, bởi phần lớn mô hình kinh tế của thanh niên còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm đầu ra từ các mô hình còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, chủ yếu bán trên thị trường tự do, không qua hợp đồng, liên kết với các đơn vị thu mua chuyên nghiệp. Một số mô hình sản xuất tự phát, chưa chú trọng quy hoạch phát triển sản xuất...
Ðể phát huy mạnh mẽ hơn nữa tổ chức đoàn đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần tham gia phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, thời gian tới các tổ chức đoàn cần tiếp tục tập trung phối hợp các bộ, ngành, đối tác liên quan triển khai giúp thanh niên nhận biết xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, đồng thời trang bị đầy đủ, kịp thời thông tin, tri thức, kỹ năng phù hợp với ngành nghề mà mình lựa chọn.
Mặt khác, cần chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp cho đối tượng học sinh trung học phổ thông với nhiều hình thức đa dạng. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm; tổ chức các ngày hội việc làm; Ngày hội tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho các đối tượng thanh niên tiếp cận với các nhà tuyển dụng; định hướng, hỗ trợ thanh niên lựa chọn cơ cấu ngành nghề hợp lý, phù hợp nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển của các địa phương; tập trung duy trì và phát triển mô hình dạy nghề tại chỗ, các mô hình câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế...