Đều đặn vào 6 giờ mỗi ngày, các nhân viên tại Khoa Dinh dưỡng đã tất bật chuẩn bị những suất ăn nghĩa tình mang đến cho bệnh nhân. Mỗi người chia nhau một việc như rửa rau, nấu cơm, nấu thức ăn… tạo nên bầu không khí rộn ràng, ấm cúng trong gian bếp. Đến khoảng 10 giờ, thức ăn đã được cho vào khay, sẵn sàng mang đến cho bệnh nhân.
Trung bình mỗi ngày, bếp ăn làm ra khoảng 150 suất ăn miễn phí, có những ngày dao động lên đến 200 suất. Từ khi có dịch Covid-19, bệnh viện kiểm soát chặt chẽ, hạn chế người ra vào nên người nhà bệnh nhân ra ngoài mua thức ăn rất khó khăn, thì số lượng suất ăn tăng lên, có khi lên đến 250 suất hoặc 300 suất. Thực đơn được Khoa Dinh dưỡng lên kế hoạch và thay đổi thường xuyên, bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng như cơm, mì, rau xào, thịt, cá, canh và đồ tráng miệng.
"Bếp ăn từ thiện" nấu ngày 2 bữa chính là trưa và chiều, duy trì đều đặn, không nghỉ ngày nào kể cả lễ, Tết. Đối với bữa ăn sáng thì cán bộ, nhân viên Khoa Dinh dưỡng liên hệ một số nhà từ thiện, mạnh thường quân để mua và phát đồ ăn sáng cho bệnh nhân nghèo như bánh mì, cháo, phở, mì tôm...
Không giấu được niềm vui khi nhận phần ăn chiều trên tay, chị Y Thơ, thị trấn Đắk Glei, huyện Đắk Glei cho biết: Gia đình mình là hộ nghèo, gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, mẹ bị ung thư đang nằm tại Khoa Ung bướu của bệnh viện, nhà có bao nhiêu tiền đều dành cả cho mẹ chữa bệnh. Nhờ có "Bếp ăn từ thiện", mình không phải lo chuyện ăn uống nữa, tiết kiệm được một phần chi phí để dùng vào việc khám chữa bệnh cho mẹ. Những phần ăn ở đây có đầy đủ cơm, món mặn, canh và cả món tráng miệng, được các nhân viên nấu rất ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng.
Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của "Bếp ăn từ thiện" được Khoa Dinh dưỡng đặt lên hàng đầu. Nguồn thực phẩm của bếp ăn có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở uy tín và được cơ quan chức năng kiểm tra kỹ lưỡng. Để chủ động nguồn thực phẩm, Khoa Dinh dưỡng đã ký hợp đồng với nhà cung cấp, lên thực đơn hằng ngày. Thực phẩm sau khi nhận, được kiểm tra lại kỹ lưỡng bảo đảm nguồn cung cấp an toàn.
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, chương trình “Bếp ăn từ thiện” được triển khai với mục đích cung cấp những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho các bệnh nhân nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và các bệnh nhân bị bệnh mãn tính, phải ở luôn trong bệnh viện.
Trong tình hình dịch Covid-19, "Bếp ăn từ thiện" vẫn diễn ra bình thường trên cơ sở tuân thủ đúng quy tắc 5K. Khoa Dinh dưỡng đã chia một số phần ăn vào hộp và phân công nhân viên mang đến tận giường bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân trong khu cách ly tại bệnh viện. Đối với những người dân đến lấy cơm tại khu vực “Bếp ăn từ thiện” sẽ được nhân viên tại Khoa hướng dẫn xếp hàng giãn cách 2m và thực hiện rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang trước khi nhận phần ăn.
Chị Y Duýt, thôn Đắk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đang chăm con gái bị sốt, phù 2 chân điều trị nội trú tại Khoa Nhi, tâm sự: Con mình bị đau gần cả tháng nay, nhà nghèo quá không biết lấy gì mà ăn khi chăm con ở bệnh viện. May nhờ có "Bếp ăn từ thiện" mà mình có cái ăn, sức khỏe để chăm lo cho cháu. Mình cảm ơn các bác sĩ, nhân viên tại bếp ăn rất nhiều.
Để duy trì "Bếp ăn từ thiện", cán bộ, nhân viên thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đóng góp vào quỹ của bếp ăn. Nguồn vận động, tài trợ này khi về tới bệnh viện được đưa vào quỹ của "Bếp ăn từ thiện". Quỹ này sẽ do Ban điều hành bếp ăn quản lý, gồm Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế và bệnh viện, bảo đảm sự minh bạch để nguồn tiền đóng góp đến tận tay người bệnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc duy trì bếp ăn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu kinh phí để mua thực phẩm. "Trong thời gian tới, Khoa Dinh dưỡng hy vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các đơn vị trên địa bàn để khoa có thể tiếp tục mang những bữa cơm yêu thương cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đây", bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Thủy trăn trở.
Chương trình "Bếp ăn từ thiện" của Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các bệnh nhân nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống khi vào điều trị tại đây. Giúp các bệnh nhân thêm vững tin vào cuộc sống, sớm vượt qua bệnh tật.