Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn triển khai các đề tài cấp quốc gia, dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, như: Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình thâm canh và nhân giống hồng không hạt Na Rì LT-1 tại huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng mô hình trồng, thâm canh, cải tạo chè Shan tuyết tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Các dự án này, dù đang trong quá trình triển khai, đã có những đóng góp đáng kể trong việc cải tiến phương thức canh tác của người dân, ứng dụng nhanh chóng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực nông thôn, miền núi.
Chương trình Nông thôn miền núi đã cung cấp kinh phí, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, cũng như cải thiện kỹ năng và nhận thức của người dân, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần tạo ra vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện 44 nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có 36 nhiệm vụ cấp tỉnh, 5 nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, 1 nhiệm vụ thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ, và 2 nhiệm vụ cấp quốc gia.
Các nghiên cứu tập trung vào việc khảo sát, chọn lọc giống cây đặc sản có tiềm năng, hoàn thiện quy trình nhân giống và chăm sóc các loại cây như: Cây quế, hồi, sau sau, Hồng không hạt Bắc Kạn, dẻ ván Ngân Sơn, trám đen, đào toáng Chợ Đồn, lúa nếp. Những kết quả này không chỉ tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, mà còn hình thành các sản phẩm đặc sản, có giá trị kinh tế cao, từ đó giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Các dự án ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, như xây dựng hệ thống thông tin ngành nông nghiệp, phục vụ công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; xây dựng hệ thống thông tin hợp tác xã trực tuyến hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế tập thể; ứng dụng công nghệ GIS online để xây dựng hệ thống thông tin tích hợp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn. Những kết quả này góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan.
Các nghiên cứu về phát triển cộng đồng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng đã được triển khai, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và giải quyết các vấn đề xã hội. Những đề tài này không chỉ cải thiện nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và giữ gìn các giá trị văn hóa, mà còn thúc đẩy phát triển bền vững trong các vùng nông thôn, miền núi.
Thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc nâng cao năng suất sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống của người dân và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thông tin.
Mặc dù vậy, tỉnh Bắc Kạn vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc phát triển khoa học và công nghệ. Một trong những vấn đề lớn nhất đối với tỉnh là thiếu nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ. Với ngân sách hạn chế, việc tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ trong tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Trung ương. Các cơ sở nghiên cứu, viện nghiên cứu, và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu là các tổ chức nhỏ, thiếu năng lực và kinh nghiệm trong việc triển khai các chương trình nghiên cứu quy mô lớn.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cho khoa học và công nghệ cũng còn thiếu, điều này ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng và phát triển công nghệ mới trong các ngành sản xuất và dịch vụ của tỉnh.
Một trong những yếu tố quan trọng để khoa học và công nghệ phát triển chính là nhận thức của các doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, tại Bắc Cạn, các doanh nghiệp, đặc biệt là các hợp tác xã, vẫn chưa chú trọng đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Mặc dù tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện một số chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhưng thị trường khoa học và công nghệ tại đây vẫn chưa phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động đổi mới sáng tạo còn thiếu các giải pháp công nghệ đột phá, chưa có những chính sách hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngoài ra, các mô hình nông, lâm sản vẫn còn hạn chế về quy mô, chưa có khả năng cung cấp sản phẩm ổn định và bền vững, khiến việc đưa các sản phẩm này vào hệ thống tiêu thụ lớn như siêu thị gặp khó khăn.
Một vấn đề quan trọng khác là việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Tỉnh Bắc Kạn vẫn thiếu đội ngũ cán bộ chuyên sâu về khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, và quản lý khoa học. Việc kết nối các nguồn lực từ các viện nghiên cứu, trường đại học, và doanh nghiệp để triển khai các dự án khoa học là một thách thức lớn đối với tỉnh.
Để giải quyết những khó khăn trên, tỉnh Bắc Kạn cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, cần phát triển cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho khoa học và công nghệ, tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, tạo dựng các mô hình nghiên cứu ứng dụng lớn, có khả năng nhân rộng trong cộng đồng là điều cần thiết. Các mô hình sản xuất nông sản chất lượng cao cần được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.