Động đất tại Nhật Bản: Hỗ trợ chỗ ở cho các nạn nhân mất nhà

Để hỗ trợ sớm ổn định nơi ở cho các nạn nhân bị mất nhà cửa do trận động đất mạnh tại tỉnh Ishikawa ngày 1/1, chính quyền nhiều địa phương của Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị để có thể cung cấp miễn phí nhà ở trong vòng ít nhất 6 tháng tới.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Masatoshi Nakamae đi qua tuyến đường bị hư hại tại thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa, sau trận động đất ngày 1/1/2024. (Ảnh: REUTERS)
Anh Masatoshi Nakamae đi qua tuyến đường bị hư hại tại thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa, sau trận động đất ngày 1/1/2024. (Ảnh: REUTERS)

Thống kê của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết, hiện có khoảng 1.600 căn hộ thuộc diện nhà ở công cộng trên khắp các địa phương trong cả nước sẵn sàng tiếp nhận các nạn nhân có nhà cửa bị hư hại do trận động đất ở Ishikawa và con số này có thể tăng thêm trong thời gian tới.

Điều kiện để nhận được sự hỗ trợ này là có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng rằng nhà ở của họ đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất và hiện đang gặp khó khăn về chỗ ở. Về cơ bản, tiền thuê nhà và tiền đặt cọc sẽ được miễn toàn bộ, trong khi từng địa phương có mức hỗ trợ khác nhau đối với thời gian thuê nhà và tiện ích đi kèm.

Chính quyền thủ đô Tokyo thông báo sẽ cung cấp khoảng 100 căn hộ thuộc diện nhà ở công cộng miễn phí trong 6 tháng đầu và gia hạn tối đa là 1 năm. Còn tỉnh Mie thông báo sẽ cung cấp 31 căn hộ với thời hạn sử dụng miễn phí là 3 năm.

Nhà ở công cộng tại Nhật Bản được xây dựng, vận hành và quản lý theo Luật Nhà ở công cộng, chủ yếu dành cho những người có thu nhập thấp, đặc biệt khó khăn về nhà ở. Việc Chính phủ Nhật Bản đẩy nhanh quá trình cung cấp nhà ở công cộng cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất sẽ góp phần giảm thiểu “thiệt hại thứ cấp” sau thảm họa thiên tai trong bối cảnh các điểm sơ tán tập trung vẫn thiếu thốn điều kiện sinh hoạt tối thiểu.

Theo chính quyền tỉnh Ishikawa, tính đến chiều tối 10/1, số người thiệt mạng do động đất đã lên tới 206 người, trong đó 8 trường hợp do ảnh hưởng gián tiếp, tức là thiệt mạng tại các điểm sơ tán tập trung sau động đất vì nhiều lý do khác nhau. Hiện tại đang có khoảng 26.000 người trong số hơn 30.000 người đang phải sinh sống tại các điểm sơ tán tập trung trong điều kiện sinh hoạt khó khăn nên nguy cơ “thiệt hại thứ cấp” gia tăng.

Trước đó, ngày 9/1, giới chức Nhật Bản cũng đã đưa ra giải pháp tạm thời là di chuyển dần người dân ở các điểm sơ tán tập trung về các “điểm sơ tán cấp hai” có điều kiện sinh hoạt tốt hơn ở những khu vực ít bị ảnh hưởng trong tỉnh Ishikawa và các địa phương lân cận, bao gồm các khách sạn, nhà trọ. Hiện có khoảng hơn 200 “điểm sơ tán cấp hai” đã sẵn sàng với năng lực tiếp nhận khoảng 6.200 người. Điều quan trọng là đẩy nhanh hơn nữa quá trình sơ tán các nạn nhân trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đường giao thông vẫn rất khó khăn.

Trước đó, trận động đất mạnh tại tỉnh Kumamoto năm 2016 đã làm 273 người thiệt mạng, trong đó 20% trường hợp là ảnh hưởng gián tiếp sau động đất, chủ yếu là người già từ 70 tuổi trở lên và người mắc bệnh nặng. Lý do là nhiều người sống tại các điểm sơ tán tập trung thiếu nước, thiếu hệ thống sưởi, không thể mua các loại thuốc thường dùng, không được cấp cứu và chữa trị kịp thời khi bệnh trở nặng hoặc mắc bệnh truyền nhiễm…