Sau khi nghe đại diện Đoàn thông qua dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 và kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh, có nhiều kiến nghị của cử tri liên quan đến hạ tầng giao thông; chính sách đất đai, chính sách đối với gia đình liệt sĩ, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ bán chuyên trách ở xã, ấp còn thấp, cũng như hỗ trợ tầm soát, điều trị hậu Covid-19 đối với người không có điều kiện, nhằm bảo đảm sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số.
Bà con cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách tiền lương, chế độ chính sách để bảo đảm đời sống cho công nhân tại các doanh nghiệp; đồng thời có chính sách căn cơ, toàn diện để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cử tri cũng bày tỏ những vấn đề bức xúc hiện nay liên quan đến đời sống dân sinh cần sớm có giải pháp kiểm soát, xử lý, nhất là giá cả xăng dầu, vật tư xây dựng tăng cao; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng cao, kéo theo giá thành sản xuất tăng, trong khi nông sản luôn gặp “cảnh được mùa mất giá”. Vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn tràn lan, đặc biệt là tình hình mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy diễn biến phức tạp, trong khi việc xử lý chưa triệt để, chưa đủ sức răn đe…
Sau khi ghi nhận và giải trình đầy đủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng thông tin đến bà con cử tri tình hình kinh tế của đất nước ta đang hồi phục và trên đà tăng trưởng nhanh sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đặc biệt là ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cơ hội để vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Mỗi tỉnh trong vùng cần xây dựng chương trình hành động thực hiện nhằm đánh giá và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế hiện có.
Bên cạnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang thời gian qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng cho rằng Hậu Giang là tỉnh còn nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng giao thông đầu tư chưa đồng bộ; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều; trình độ học vấn, chuyên môn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị tỉnh, huyện cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ, mỗi cán bộ phải có quyết tâm cao, chính trị lớn, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong phát triển kinh tế, cần tăng cường liên kết vùng trên các lĩnh vực; tranh thủ các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chú ý tận dụng lợi thế đón đầu các tuyến cao tốc đường bộ đi qua địa bàn. Quan tâm giải quyết kịp thời khó khăn của người dân, doanh nghiệp, tập trung cao độ phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, thu đúng, thu đủ, kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn đối với dự án, công trình không khả thi; khắc phục đầu tư dàn trải để tập trung đầu tư cho phát triển. Quan tâm chăm lo gia đình chính sách, hỗ trợ, tạo điều kiện sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan đến ma túy, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng mong muốn bà con cử tri phát huy tinh thần đoàn kết, cùng Đảng bộ, chính quyền, chung sức, chung lòng, cần cù, sáng tạo, đổi mới, vì một Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững.