Nghệ sĩ Nhân dân Tuyết Mai, một giọng đọc huyền thoại

Những ngày này, nghe tin Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Tuyết Mai-giọng đọc huyền thoại của Đài Tiếng nói Việt Nam qua đời ở tuổi 98, nhiều người không khỏi bồi hồi nhớ chất giọng đẹp đầy biểu cảm của bà trong những đoạn nhạc hiệu chương trình trên làn sóng phát thanh như: “Vì an ninh Tổ quốc”, “Tiếng thơ”, “Trang văn nghệ chủ nhật”, “Đọc truyện đêm khuya”, “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc”... hay những bài phát thanh thời sự chính luận hào sảng, đanh thép của những năm tháng chiến tranh.

Nghệ sĩ Nhân dân Tuyết Mai, một giọng đọc huyền thoại

“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”-lời xướng mở đầu chương trình thời sự trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam do NSND Tuyết Mai thể hiện đã in sâu trong tâm thức nhiều thế hệ bạn nghe đài. 

Nhắc đến bà là nhắc đến giọng nữ trung giàu sắc thái, vừa mềm mại uyển chuyển, vừa hào sảng đanh thép với cách nhấn nhá, nhả chữ rất riêng. Chất giọng ấy đã in dấu ở nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, từ bản tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969 cho đến bản tin thông báo ngày 30/4/1975 lịch sử, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước... Chất giọng ấy cũng đã trở thành một phần tuổi thơ của nhiều người qua các chương trình phát thanh, đặc biệt trong giai đoạn chiếc radio được coi như bạn tâm tình của người dân ở nhiều miền đất nước.

Nhận xét về giọng đọc của NSND Tuyết Mai, cố nhà văn Tô Hoài từng khẳng định đây là giọng nói đã đạt đến mức chuẩn mực. Càng nghe, càng say cách đọc khúc chiết, vang vọng, giàu xúc cảm và âm sắc của bà, càng bất ngờ khi biết giọng đọc ấy không hề qua đào tạo trường lớp mà do bà tự rèn giũa, tôi luyện. 

NSND Tuyết Mai tên thật là Bùi Thị Thái, sinh năm 1925 tại Cát Hải, Hải Phòng. Năm 12 tuổi, bà theo gia đình chuyển tới sinh sống tại Hà Nội. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, bà tình nguyện tham gia Hội Phụ nữ Cứu quốc, hoạt động sôi nổi trong các phong trào cách mạng. Tiếng hát của ca sĩ Bùi Thị Thái đã vang lên ở nhiều đường phố, phòng trà và Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động. 

Không chỉ thể hiện những ca khúc tiếng Việt, bà còn đặc biệt thành công với nhiều ca khúc tiếng Anh, Pháp, Nhật. Đặc biệt, bà đã ghi âm trực tiếp nhiều bài hát cách mạng để phát sóng ngay sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập năm 1945. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, tiếng hát ấy lại vang lên ở chiến khu Việt Bắc. 

Năm 1955, bà về Hà Nội và được phân công nhận công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tham gia đội ngũ phát thanh viên của Đài với nghệ danh Tuyết Mai, được lấy theo tên của con gái bà. NSND Tuyết Mai từng làm Trưởng phòng phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Không chỉ thể hiện xuất sắc những bản tin thời sự chính luận, giọng đọc đầy nội lực của bà còn làm nên thương hiệu cho nhiều chương trình phát thanh văn nghệ như “Tổ quốc ta tươi đẹp”, “Tiếng thơ”, “Đọc truyện đêm khuya”, “Sân khấu truyền thanh”... 

Trong suốt quá trình công tác ở vai trò phát thanh viên, nghệ sĩ Tuyết Mai khiến nhiều bạn nghề và bạn nghe đài phải đi từ ngạc nhiên tới thán phục bởi dù ở thể loại nào: tin tức, bình luận, xã luận hay tác phẩm văn chương thì giọng đọc của bà cũng đều chinh phục được một cách tài tình. 

Cũng chính cách đọc của bà đã khơi mở cho cách đọc của nhiều thế hệ phát thanh viên sau này. Bà là phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú đợt một năm 1984 và vinh dự nhận danh hiệu NSND năm 1993. 

NSND Tuyết Mai từng chia sẻ, với bà, một dòng tin, một bài viết hay một câu chuyện khi đã vang lên thành lời để phát sóng thì chúng thoảng qua hay ở lại với người nghe phụ thuộc rất nhiều vào cách mà phát thanh viên thể hiện. Bà luôn cẩn trọng, nghiêm túc với từng con chữ, lời văn sao cho khi vang lên, sức mạnh của ngôn từ được cảm nhận rõ nhất, không phụ tâm huyết và sự kỳ vọng, gửi gắm của người viết. 

Theo nhiều đồng nghiệp của NSND Tuyết Mai, bà là người luôn rất cẩn thận trong cách ăn uống, sinh hoạt và tập thể dục để có thể giữ chất giọng đẹp. Làm việc với các văn bản, hễ gặp từ lạ, từ khó, bà đều tìm cách để hiểu cho thật sáng rõ. Chồng bà, Nghệ sĩ Ưu tú Phan Phúc cho hay, vợ mình luôn chăm chỉ tập luyện, giữ gìn sức khỏe để có được giọng nói tốt, cột hơi ổn định. Bà thường xuyên nghe lại những đoạn mình đã thu để tự rút kinh nghiệm. Bà cũng rất có ý thức mở mang vốn ngoại ngữ để phục vụ tốt nhất cho công việc phát thanh. 

Đồng nghiệp trân trọng gọi NSND Tuyết Mai là “Chị Cả” của nghề phát thanh viên, còn hàng triệu thính giả yêu mến giọng đọc của NSND Tuyết Mai tôn vinh bà là giọng đọc “Quốc dân”, giọng đọc vàng trên sóng phát thanh. 

Dù đã mãi mãi ra đi nhưng bạn nghe đài vẫn gặp được bà qua giọng đọc thân quen trong nhạc hiệu của nhiều chương trình phát thanh đang phát sóng. Nhiều thập kỷ trôi qua, dường như chưa ai thay thế được giọng đọc ấy. Đó mới chính là di sản quý giá mà NSND Tuyết Mai đã cống hiến và để lại cho đời...

NSND Tuyết Mai trút hơi thở cuối cùng lúc 22 giờ 12 phút ngày 5/3/2022 tại Bệnh viện Xanh Pôn-Hà Nội. Tang lễ của bà được cử hành từ 7 giờ ngày 10/3/2022 tại nhà riêng (số 5 Trần Phú, Hà Nội), hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ (Văn Điển, Hà Nội). Lễ an táng diễn ra vào 11 giờ ngày 18/3 tại nghĩa trang xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội).