Đồng bộ chính sách về nguồn vốn cho doanh nghiệp

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong quý I/2023 cho thấy, khó khăn phổ biến doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp phải là thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay; nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nhóm nợ xấu...
0:00 / 0:00
0:00

Nhận định của HUBA, với tình hình lãi suất hơn 10% như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không dám vay đầu tư dài hạn. Các doanh nghiệp hiện đang rất cần vốn lưu động để vượt qua giai đoạn khó khăn. Do vậy, cần có chính sách cho vay tín dụng điều hành lãi suất đồng bộ, linh hoạt hơn, nếu không doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó trong tiếp cận vốn.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục ban hành hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ khơi thông vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Mới nhất, ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm. Đây là lần thứ ba liên tiếp trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm một số mức lãi suất điều hành. Các điều chỉnh mới có tác động trực tiếp đến lãi suất tiền gửi của các ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.

Trước đó, ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Thông tư 02 giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ; đồng thời, tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới. Còn Thông tư 03 cho phép nới một số điều kiện đầu tư, mua lại trái phiếu doanh nghiệp; qua đó góp phần gia tăng thanh khoản, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tình hình khó khăn hiện nay.

Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp được xem là điểm sáng của thành phố được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cao và khuyến khích lan tỏa, nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Theo kế hoạch năm 2023, Chương trình có 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký gói hỗ trợ tín dụng quy mô hơn 453 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp với lãi suất hợp lý. Đến nay, chương trình đã giải ngân đạt 117 nghìn tỷ đồng, cho 31.492 khách hàng (bằng 25,8% gói tín dụng các ngân hàng đăng ký trong năm 2023).

Tuy nhiên, trên bình diện chung, việc khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Không ít doanh nghiệp than phiền vì mức lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, trung bình trên 10%; gói tín dụng ưu đãi 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ vẫn xa tầm với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể đáp ứng các điều kiện đưa ra.

Trong số các nguyên nhân các ngân hàng trên địa bàn thành phố vẫn “neo cao” lãi suất có nguyên nhân xuất phát từ cơ chế phân bổ hạn mức tín dụng khiến nguồn cung tiền ra thị trường thu hẹp, nền kinh tế thiếu hụt thanh khoản. Muốn giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải “nới room” cho các ngân hàng.

Điều quan trọng hiện nay là cần nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế để việc giảm lãi suất cho vay mới phát huy hiệu quả. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ và linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách hỗ trợ khác để bảo đảm vừa hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, trong mối liên hệ với nhiệm vụ và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát.