Đón xu thế tiêu dùng khách hàng tại thị trường Trung Quốc

NDO - Xu hướng người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc cũng đang thay đổi và thay đổi mạnh theo hướng mua sắm trên kênh thương mại điện tử và mạng xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Kinh doanh truyền thông không còn phù hợp trong xu thế phát triển.
Kinh doanh truyền thông không còn phù hợp trong xu thế phát triển.

Do vậy, doanh nghiệp buộc phải thay đổi để đón xu thế tiêu dùng của người tiêu dùng Trung Quốc. Đây là thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam.

Kinh doanh truyền thống dần không còn phù hợp trong xu thế phát triển

Trước thực tế đó, ngày 25/7, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Tập đoàn Sunwah Hồng Kông (Trung Quốc) và các đối tác Việt Nam đã có buổi làm việc nhằm giới thiệu hệ thống quản trị, phương thức vận hành, hướng dẫn tham gia “Gian hàng nông sản Việt Nam” và cùng nhau bàn thảo, thảo luận về nội dung, phương thức hợp tác giữa các bên.

“Gian hàng nông sản Việt Nam” trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội tại Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chủ trì làm đầu mối hợp tác với Tập đoàn Sunwah xây dựng và vận hành thử.

Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Trần Thị Ngọc Thủy, Giám đốc kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Minh Phú (tại Thái Bình) - cho biết, là doanh nghiệp nhiều năm xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, hiện doanh nghiệp đang xuất khẩu thông qua đơn vị thứ ba. Lượng sản xuất khá lớn, do đó, doanh nghiệp cũng muốn tìm hiểu và đa dạng hóa các hình thức bán hàng, trong đó, kênh thương mại điện tử là phương thức mà doanh nghiệp cũng tính đến.

Đón xu thế tiêu dùng khách hàng tại thị trường Trung Quốc ảnh 1

Toàn cảnh buổi làm việc nhằm giới thiệu hệ thống quản trị, phương thức vận hành, hướng dẫn tham gia “Gian hàng nông sản Việt Nam”.

“Phương thức tiêu thụ chính của doanh nghiệp vẫn dựa trên kênh truyền thống và gặp nhiều khó khăn. Xu hướng thương mại điện tử là xu hướng đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong đó có Minh Phú”, bà Trần Thị Ngọc Thủy chia sẻ.

Mong muốn tiếp cận và bán hàng qua kênh thương mại điện tử và mạng xã hội tại Trung Quốc, trong đó có các nền tảng thương mại điện tử của Sunwah, bởi việc đưa được hàng lên kênh thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiêu thụ được nhiều hàng hóa và được nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp này còn nhiều băn khoăn đó chính là về khoản tiền đặt cọc khá lớn, thời gian thanh toán rất dài trong khi với 1 đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ rất cần dòng tiền quay vòng, như vậy doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Do đó, mong muốn bên kết nối, phía đối tác cần có sự nghiên cứu nhằm điều chỉnh chính sách. Bởi đây là sự hợp tác, hỗ trợ giữa các bên.

Mua sắm trên kênh thương mại điện tử và mạng xã hội là xu thế tất yếu

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - cho biết, đây là cách tiếp cận mới, do đó, sẽ còn những khó khăn, vướng mắc, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp sẽ phối hợp với Tập đoàn Sunwah hỗ trợ các doanh nghiệp về tập huấn, đào tạo, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật khi thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

“Đây mới là bước khởi đầu. Chúng tôi sẽ tổ chức giới thiệu Gian hàng này tại các vùng nguyên liệu tại các địa phương có thế mạnh để có thể thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời có thể làm việc với một số doanh nghiệp, hiệp hội có dòng sản phẩm mà hiện nay có dư địa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Đón xu thế tiêu dùng khách hàng tại thị trường Trung Quốc ảnh 2

Mua sắm trên kênh thương mại điện tử và mạng xã hội là xu thế tất yếu.

Xu hướng người tiêu dùng ngay tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc cũng đang thay đổi và thay đổi mạnh theo hướng mua sắm trên kênh thương mại điện tử và mạng xã hội. Do vậy, doanh nghiệp buộc phải thay đổi để đón xu thế tiêu dùng của người tiêu dùng Trung Quốc. Đây là thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam.

“Hiện chúng ta mới bán nông sản chủ yếu tại các tỉnh phía Nam của Trung Quốc như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân, việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường này cần phải thay đổi cách thức xúc tiến thương mại, cách thức bán hàng, không chỉ thuần túy là truyền thống mà phải hướng tới thương mại điện tử”, ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.

Sẽ còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tuy nhiên, nếu không bắt tay vào để thực hiện thì các doanh nghiệp sẽ không biết vướng ở đâu để mà tìm chỗ gỡ. Về phía Trung tâm phối hợp với Tập đoàn Sunwah để hoàn thiện Sổ tay Hướng dẫn tham gia “Gian hàng nông sản Việt Nam”.

Đồng thời, sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và với các đơn vị logistics để làm sao cùng nhau tìm được cách tiếp cận, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thương mại điện tử Trung Quốc.

Mở rộng kênh phân phối, mở rộng phương thức tiêu thụ đồng nghĩa thị trường sẽ rộng mở hơn và bền vững hơn.

Tại buổi làm việc, bà Qi Ping - Tổng Giám đốc, Thành viên Hội đồng quản trị Sunwah Gelafood (Hà Nam) đã giới thiệu hệ thống quản trị, phương thức vận hành của “Gian hàng nông sản Việt Nam”, hướng dẫn các nhà cung ứng Việt Nam tham gia Gian hàng (quy trình, thủ tục, lịch trình...).

Về phía các doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam cũng giới thiệu sản phẩm để lựa chọn tham gia vận hành thử “Gian hàng nông sản Việt Nam”. Đồng thời, cũng đã đặt ra những câu hỏi, những vấn đề liên quan đến kinh phí, tài chính, bến bãi, thủ tục, vận hành và các ý kiến đóng góp cho việc hợp tác giữa các bên.