Đơn vị chạy thận nhân tạo ở Cần Giờ như một bệnh viện hạng 1 của TP Hồ Chí Minh

NDO - Ngày 18/10, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức) phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ khánh thành đơn vị thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ.
0:00 / 0:00
0:00
Lần đầu tiên bệnh nhân huyện Cần Giờ được chạy thận ngay tại địa phương.
Lần đầu tiên bệnh nhân huyện Cần Giờ được chạy thận ngay tại địa phương.

Cụ thể, đây là vệ tinh Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, được đầu tư xây mới hạ tầng với đầy đủ thiết bị, hệ thống lọc nước RO. Bệnh viện Lê Văn Thịnh trang bị 5 máy chạy thận nhân tạo, hỗ trợ hoàn toàn về chuyên môn.

Với việc trang bị hệ thống này, lần đầu tiên bệnh nhân Cần Giờ được chạy thận ngay tại địa phương.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết: Trước mắt, bệnh viện trang bị 5 máy, trong tuần tới sẽ bố trí thêm 2 máy lọc thận, và tương lai gần cần trang bị khoảng 12 máy lọc thận mới đủ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bệnh viện cũng luân phiên các bác sĩ hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật chạy thận với các đồng nghiệp ở Cần Giờ cho đến khi vững về chuyên môn và thay thế đảm trách.

Tại huyện Cần Giờ có 41 bệnh nhân suy thận đang chạy thận tại các bệnh viện ở trung tâm thành phố như Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Thịnh, Nhà Bè, quận 8 và Bệnh viện Quân y 175...

Hiện đã có 16 bệnh nhân đăng ký về chạy thận tại Cần Giờ. Trong số này có 3 bệnh nhân ở xã đảo Thạnh An.

Đơn vị chạy thận nhân tạo ở Cần Giờ như một bệnh viện hạng 1 của TP Hồ Chí Minh ảnh 1

Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Giám đốc Sở Y tế thành phố và Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh thăm hỏi, tặng quà cho bệnh nhân.

Chị Trần Thị Nhã Hương, sinh năm 1991, đã chạy thận hơn 1 năm nay tại Bệnh viện huyện Nhà Bè. Trước đây, khi chưa phải chạy thận, vợ chồng chị Hương đánh bắt thủy sản, làm thuê cho các chủ vựa kinh doanh thủy, hải sản trong vùng.

Khi chị Hương bị bệnh và phải chạy thận, mỗi tuần 3 ngày chị đều tự đi xe máy để đến bệnh viện điều trị, còn chồng chị ở nhà lo cho đứa con nhỏ đi học và đi làm để trang trải cuộc sống cả gia đình.

Ám ảnh nhất với chị là những lần đợi phà, di chuyển trên phà: "Nhiều khi trong người đã mệt, không có sức, mà đứng đợi phà hàng tiếng đồng hồ, tôi rất mệt mỏi. Tôi đã chạy thận ở đây được 3 lần rồi, nay tôi vừa có thể đi đón con đi học, vừa chạy thận, và chồng tôi cũng đã yên tâm đi làm lại".

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự trân trọng khi Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã xung phong khi chưa cần ngành y tế thành phố đưa ra chương trình. Đây là đơn vị chạy thận nhân tạo đúng chuẩn, từ phòng ốc đến các quy trình thực hiện chạy thận.

"Đơn vị chạy thận của bệnh viện Lê Văn Thịnh đặt ở Cần Giờ đã được Hội đồng chuyên gia của Sở Y tế chuyên về chạy thận đánh giá hoàn toàn đạt chuẩn ngang với các bệnh viện của thành phố, các phòng ốc và quy trình tại đây như một bệnh viện hạng 1 của Thành phố Hồ Chí Minh", ông Thượng cho biết.

Đơn vị chạy thận nhân tạo ở Cần Giờ như một bệnh viện hạng 1 của TP Hồ Chí Minh ảnh 2

Bệnh nhân sẽ bớt những "gánh nặng" về cả kinh tế và tinh thần mỗi lần lọc thận định kỳ.

Đặc biệt là đơn vị này không phải đầu tư thêm từ ngân sách. Hai bệnh viện đã tận dụng những gì sẵn có, đặc biệt các cơ sở, trang thiết bị phục vụ chống dịch Covid-19 vừa rồi đã được sử dụng triệt để.

Ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy huyện Cần Giờ bày tỏ sự vui mừng và gửi lời cảm ơn đến các cơ quan, đơn vị đã giúp nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ.

"Từ nay, người dân ở Cần Giờ, đặc biệt là bệnh nhân lọc thận nhân tạo, được điều trị tại chỗ, bớt khổ khi mỗi lần cần lọc thận định kỳ, bất tiện đi lại... như trước đây", ông Dũng vui mừng chia sẻ.