Thành phố Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh miễn phí cho toàn bộ người cao tuổi trong tháng 10

NDO -

Ngày 2/10, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã ban hành kế hoạch tổ chức "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023" trong ngành Y tế thành phố.

0:00 / 0:00
0:00
Thành phố đưa ra chỉ tiêu 100% bệnh viện đa khoa thành phố, đa khoa khu vực quận, huyện, trung tâm y tế tổ chức thực hiện khám sức khỏe, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi tại địa phương.
Thành phố đưa ra chỉ tiêu 100% bệnh viện đa khoa thành phố, đa khoa khu vực quận, huyện, trung tâm y tế tổ chức thực hiện khám sức khỏe, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi tại địa phương.

Quá trình già hóa dân số của Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra từ những năm 2010 dưới tác động của mức sinh thấp và tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao. Theo số liệu thống kê năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.033.355 người cao tuổi, chiếm 11,03%, cao xếp thứ hai trong cả nước và đang phải đối diện với thách thức về già hóa dân số.

Trong Tháng hành động vì người cao tuổi (tháng 10), thành phố đưa ra chỉ tiêu 100% bệnh viện đa khoa thành phố, đa khoa khu vực quận, huyện, trung tâm y tế tổ chức thực hiện khám sức khỏe, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi tại địa phương.

Thời gian thực hiện thăm khám, chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi từ ngày 1-10 đến ngày 31-10.

Theo đó, các hoạt động y tế được thực hiện và tiếp tục triển khai trong Tháng hành động vì người cao tuổi bao gồm: khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn sức khỏe, tư vấn điều trị bệnh thông thường miễn phí cho người cao tuổi; tăng cường tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các quy định hiện hành; tăng cường tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo cho người cao tuổi nghèo khó, sống ở khu vực nông thôn, bị khuyết tật, không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội…;

Ngành Y tế Thành phố sẽ tiếp tục triển khai khám sức khỏe cho tất cả người cao tuổi (không phân biệt tạm trú hay thường trú) vào năm 2024 để phát hiện bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần (trầm cảm, lo âu)..., từ đó đưa vào quản lý và chăm sóc điều trị theo chương trình WHO PEN.

Dữ liệu khám sức khỏe sẽ được liên thông vào Hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý bệnh không lây do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triển khai.

Thành phố hiện có 162 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” với 3.983 hội viên là người cao tuổi tham gia sinh hoạt. Các câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng với nhiều hình thức như giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí kết hợp tư vấn, cung cấp các thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.… qua đó góp phần giúp người cao tuổi sống vui, khỏe, sống có ích cho gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, có 162 tổ tình nguyện viên với 2.104 người tham gia tình nguyện thực hiện chăm sóc, giúp đỡ cho 5.044 người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng.