Lớp học “xóa tái mù chữ”
Đồn Biên phòng Ba Tầng đứng chân trên địa bàn thôn Trùm, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, quản lý địa bàn 2 xã A Dơi và Ba Tầng với 13 thôn, trong đó có 5 thôn giáp biên. Với đặc thù địa bàn miền núi, hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là cơ sở phục vụ giáo dục-đào tạo, nhận thức, ý thức về tham gia xây dựng xã hội học tập của người dân trên địa bàn còn thấp nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác giáo dục nói riêng và tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa bàn 2 xã nói chung.
Tháng 10/2021, qua công tác nắm tình hình địa bàn, nhận thấy số lượng chị em là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ 2 xã A Dơi và Ba Tầng chưa biết chữ, tái mù chữ chiếm một phần khá cao, đặc biệt là tại các thôn xâm cư thuộc xã A Dơi có đa số chị em là người Lào mới nhập quốc tịch Việt Nam từ đầu năm 2019, mặc dù đã sinh sống trên địa bàn từ lâu nhưng chưa có điều kiện tiếp cận và học tiếng Việt. Vì vậy, Đồn Ba Tầng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ hai xã tiến hành khảo sát, lập danh sách và vận động chị em phụ nữ trên địa bàn tham gia lớp học “xóa tái mù chữ”. Khóa học kéo dài trong 6 tháng, lịch học 3, 4 buổi tối mỗi tuần tại phòng học Trường tiểu học và trung học cơ sở Ba Tầng, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đơn vị cử 3 đồng chí cán bộ đơn vị phối hợp với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ 2 xã đảm nhiệm vai trò giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp tham gia lên lớp giảng dạy tại các điểm trường.
Khắc phục khó khăn do dịch bệnh, nhiều chị em vẫn hăng say tới lớp. |
Với vai trò chủ nhiệm lớp, Đại úy Hồ Văn Hữu nhờ các giáo viên thị phạm, chỉ dẫn phương pháp sư phạm, cách thức truyền đạt bảo đảm dễ hiểu. Đa phần chị em chưa biết tiếng Việt, viết chữ, chỉ có thể nói vài câu tiếng Kinh, mua bán trao đổi hàng hóa.
Tuy lớn tuổi nhưng tinh thần học tập tự giác, hào hứng, hăng say. Ban ngày bận đi làm nương rẫy, tối tối chị em tranh thủ đến lớp học, có nhà cả hai mẹ con cùng theo học, có chị còn mang cả con nhỏ lên lớp vừa bồng con vừa học. Với đối tượng học viên đặc biệt này đòi hỏi kiên trì, phương pháp truyền đạt linh hoạt, dễ hiểu.
Ba tuần đầu dạy đọc và viết bảng chữ cái thành thạo, thuộc hết tất cả nguyên âm, phụ âm, sau đó ghép vần, tập viết, tập đọc, ban đầu viết chữ to bằng phấn trước, sau đó viết bằng bút chì, bút dạ. Nhiều chị tay quen cầm dao, cầm cuốc, nét chữ nguệch ngoạc, thầy Hữu phải cầm tay bắt nét.
“Mưa dầm thấm lâu”, học viên dần tiến bộ rõ rệt. Kết quả sau khi bế giảng, chị em tham gia lớp học đã biết đọc và biết viết, làm được các phép tính cơ bản trong phạm vi hàng nghìn, một số học viên đã biết đọc các thủ tục hồ sơ, giấy tờ để phục vụ đi làm ăn xa tại các tỉnh phía nam…
Chị Hồ Thị Thông, một người Lào lấy chồng người Việt học xong lớp xóa mù chữ, biết đăng bán hàng son phấn, áo quần trên Facebook, nhiều chị lên xã làm thủ tục giấy tờ đã biết ký, không cần lăn tay, điểm chỉ.
Thượng tá Đinh Quang Duyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay đã mở được 7 lớp “xóa tái mù chữ” với 190 học viên 2 xã đăng ký tham gia học. Việc triển khai các lớp trên địa bàn thời gian qua đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và được cấp uỷ, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Thông qua lớp học đã phần nào cải thiện và nâng cao trình độ dân trí, góp phần vào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn khu vực biên giới đồng thời thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Thầy giáo Hồ Văn Hữu hướng dẫn học viên tập viết chữ cái. |
Nâng bước em đến trường
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn khu vực biên giới, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của địa phương, Đồn Biên phòng Ba Tầng đảm nhiệm đỡ đầu 8 cháu trong chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”, trong đó 2 cháu là học sinh, sinh viên người Lào ở Bản Xê/Huyện Sa Muồi (Bản kết nghĩa của đơn vị trong chương trình kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới).
Đại úy Hồ Văn Hữu trực tiếp tham gia kèm cặp các cháu học tập, tích cực phối hợp với địa phương, gia đình, các nhà trường quan tâm giúp đỡ. Đáng mừng là tất cả các cháu đạt học lực khá, giỏi, có 1 cháu thi đỗ đại học và 2 cháu học sinh Trường trung học cơ sở A Dơi là học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật cấp tỉnh, giải thưởng Vừ A Dính của Trung ương Đoàn vì có nhiều đóng góp trong phát triển vùng dân tộc và miền núi.
Vào các dịp đầu năm học, cán bộ chiến sĩ Đồn trực tiếp phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cha mẹ học sinh, giáo viên 2 trường tiểu học trên địa bàn vận động hơn 50 học sinh có ý định bỏ học tiếp tục đến lớp, giúp các điểm trường chỉnh trang khuôn viên, lớp học, làm sạch môi trường. Gần 30 buổi ngoại khóa, tiết học biên giới được tổ chức, giới thiệu đường biên cột mốc, tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các em học sinh, cán bộ, giáo viên các nhà trường trên địa bàn thu hút hơn 1.450 lượt học sinh các cấp tham gia.
Lễ khai giảng lớp xóa mù chữ năm 2023. |
Cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Ba Tầng còn vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện đóng góp, ủng hộ bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt vào thời điểm mùa mưa bão với hơn 100 nghìn suất quà trị giá hơn 2 tỷ đồng, tổ chức các dịp Tết Thiếu nhi và Tết Trung Thu hàng năm cho hơn 2.400 lượt các cháu nhỏ, trao tặng hơn 3.500 suất quà trị giá hơn 150 triệu đồng, vận động hỗ trợ 2 nhà tình nghĩa, 16 cặp dê giống cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.