Đòn bẩy thanh toán số từ Mobile Money

Chính phủ mới đây đã có quyết nghị giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp các bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ MobileMoney trước tháng 5/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money đến hết năm 2024.
Gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money đến hết năm 2024.

Triển khai thực hiện nghị quyết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng vừa ban hành ba quyết định về việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) cho ba doanh nghiệp đến hết năm 2024.

Phủ sóng 70% số khách hàng vùng sâu, vùng xa

Ngày 9/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg, phê duyệt triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trong hai năm tính từ ngày 9/3/2021 trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, dịch vụ Mobile Money cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: Thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp-rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc,... mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng điện thoại thông minh, không cần kết nối internet.

Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 5/2023, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 3,9 triệu khách hàng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, số lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,7 triệu khách hàng, chiếm 69% số khách hàng sử dụng dịch vụ. Số lượng điểm kinh doanh trên cả nước đạt hơn 9.953 điểm, tăng 12% so với tháng 3/2023, số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 15.326 điểm, tăng 0,2%. Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 26,1 triệu giao dịch với tổng giá trị khoảng 1.683 tỷ đồng.

Có thể thấy, từ khi thí điểm triển khai, Mobile Money đã và đang trở thành một lực đẩy quan trọng trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Hình ảnh mã QR của Mobile Money cũng xuất hiện nhiều hơn ở vùng sâu, vùng xa, góp phần phổ cập tài chính số. Phó Tổng Giám đốc Viettel Digital Trương Quang Việt cho biết, đến nay, số lượng khách hàng đang sử dụng Mobile Money của Viettel hiện chiếm hơn 70% tổng số khách hàng Mobile Money toàn quốc, trong đó 74% số người dùng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Còn theo đại diện nhà mạng VNPT, tổng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money tại VNPT Money đạt gần 1,8 triệu sau gần hai năm triển khai thí điểm. Trong đó, lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 71%, số điểm kinh doanh Mobile Money đạt gần 3.500 điểm.

Gia hạn triển khai thí điểm

Sau khoảng hai năm triển khai thí điểm, Mobile Money được đánh giá không chỉ là một giải pháp kinh tế số mà còn là một giải pháp xã hội số với những tác động to lớn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội trên khắp Việt Nam, từ thành thị cho đến những vùng núi, hải đảo, giúp người dân hưởng lợi từ các hoạt động tài chính số dù ở bất cứ nơi đâu. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money để các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện, phát triển dịch vụ, cung cấp tới khách hàng, với mục tiêu đem lại tiện ích cho người dân, xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Liên quan dịch vụ Mobile Money, ngày 18/11, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 192/NQ-CP về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm Mobile Money. Chính phủ quyết nghị gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản Mobile Money tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money như sau: “Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ được thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2024”.

Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile Money trước tháng 5/2024.

Thực hiện Nghị quyết số 192/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngay sau đó cũng ban hành các quyết định về việc gia hạn triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) cho ba doanh nghiệp đến hết năm 2024, đó là các doanh nghiệp: Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) và Tổng công ty Truyền thông VNPT Media.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã có văn bản yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc thí điểm đúng theo quy định và pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, biến tướng, lợi dụng vi phạm pháp luật, rủi ro ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, an toàn hệ thống thanh toán, tài chính, tiền tệ quốc gia và hoạt động ngân hàng.

Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tám tháng năm 2023, tăng trưởng thanh toán qua mã QR tăng rất mạnh về số lượng với mức tăng khoảng 50-60% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh dịch vụ thanh toán qua mã QR đã đi vào cả những thanh toán quy mô nhỏ hơn, đồng nghĩa với việc người dân đã chấp nhận thanh toán qua mã QR trong mọi mặt của đời sống.

Số liệu thống kê qua hệ thống NAPAS cũng cho thấy, trong năm 2023, hệ thống NAPAS xử lý bình quân hơn 20 triệu giao dịch/ngày, tăng tương ứng 52% số lượng và 12% về giá trị giao dịch. Riêng số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh NAPAS 247 tăng tương ứng 62% về số lượng và 13% về giá trị. Đáng chú ý, số lượng giao dịch qua phương thức quét VietQR tăng 8 lần về số lượng và 4 lần về giá trị giao dịch so với năm 2022.

Những con số nêu trên cho thấy người dùng đang ngày càng ưa chuộng và sử dụng thường xuyên hơn dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 trong chi tiêu, thanh toán hằng ngày, tập trung vào các giao dịch có giá trị nhỏ lẻ, từ thành thị đến nông thôn, từ nhà hàng đến các siêu thị, chợ dân sinh. Dịch vụ rút tiền trên ATM qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm dần qua các năm. Năm 2023 là năm có số lượng giao dịch rút tiền trên ATM giảm sâu hơn so mức giảm của các năm trước, chỉ chiếm 3,6% tổng số giao dịch của toàn hệ thống, thể hiện xu hướng phát triển tích cực của thanh toán không dùng tiền mặt.