Mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần tổ chức đối thoại và trả lời các kiến nghị của những hộ dân nhận khoán này, nhưng các hộ dân này vẫn không đồng ý và cho rằng tài sản, quyền lợi của mình bị xâm phạm. Vì vậy, mới đây, các hộ nhận khoán này đã làm đơn thư và kéo nhau ra Hà Nội đề nghị các bộ, ngành Trung ương vào cuộc giải quyết.
Để tìm giải pháp tháo gỡ những mâu thuẫn, khúc mắc này, ngày 17/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đối thoại với công nhân, người nhận khoán của Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị chủ trì hội nghị đối thoại. Tham dự buổi đối thoại còn có đại diện một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đại diện các hộ nhận khoán kiến nghị tại buổi đối thoại. |
Tại buổi đối thoại, những người dân đại diện cho hơn 1.000 công nhân, người nhận khoán của Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi đề xuất các nội dung liên quan đến quy định về đất đai, hợp đồng nhận khoán và sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp.
Trong đó, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk thu hồi và giao 616,4ha đất mà người dân liên kết với Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi về cho địa phương để xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; đối chiếu, xem xét quy định pháp lý trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Công ty Cà-phê Thắng Lợi theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ…
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi, nguồn gốc đất 616,4ha trước đây là Nông trường Thắng Lợi sau này Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà-phê Thắng Lợi, nay là Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi khai hoang phục hóa để trồng cà-phê.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi giải đáp các kiến nghị của người nhận khoán. |
Thực hiện Quyết định số 381/QĐ-UB ngày 8/6/1985 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển cà-phê ở Đắk Lắk và Quyết định số 1163/QĐ-UB ngày 8/10/1986 về việc bổ sung và sửa đổi một số điểm trong Quyết định 381/QĐ-UB; theo đó từ năm 1987 đến năm 1994, Nông trường Thắng Lợi đã tiến hành giao 616,4ha đất cho hơn 1.000 cá nhân, hộ gia đình, mỗi hộ từ 0,3-0,5ha là cán bộ, công nhân viên đang làm việc và đã nghỉ chế độ trong nông trường để trồng cà-phê, phát triển kinh tế phụ gia với thời gian là 20 năm tính từ khi trồng mới, kể cả giao quyền thừa kế, nhưng không có quyết định giao đất theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh mà chỉ lập danh sách tổng thể để quản lý từ năm 1987 đến 2003.
Khi hết thời hạn 20 năm, Nông trường Thắng Lợi đã không báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền thực hiện thu hồi đất theo quy định mà đã tự chuyển toàn bộ diện tích 616,4ha sang hợp đồng liên kết trồng cà-phê với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà-phê Thắng Lợi, đồng loạt thực hiện ngày 15/1/2004, thời hạn 50 năm kể từ năm trồng mới (tức là kể từ lúc giao đất từ năm 1987 đến năm 1994). Theo báo cáo của Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi, đây là hợp đồng liên kết trái quy định của pháp luật.
Hiện nay, diện tích đất này nằm trong phương án quản lý, sử dụng sản xuất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cà-phê Thắng Lợi theo Đề án đổi mới, sắp xếp công ty được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 1521/QĐ-UBND ngày 30/5/2016; nằm trong tổng diện tích đất công ty giữ lại để sản xuất, kinh doanh theo phương án sử dụng đất được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 2300/QĐ-UBND ngày 28/8/2017 theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ; thuộc phương án cổ phần hóa được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 31/1/2019; nằm trong tổng diện tích 2.133,3ha đất được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk giao cho công ty thuê để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp và thủy lợi.
Người nhận khoán đề nghị chính quyền thu hồi 616,4ha đất của Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi giao về cho địa phương xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. |
Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 3 Điều 46 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: Đối với diện tích đất công ty được giữ lại theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt mà đang cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trái pháp luật thì công ty phải chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư và đưa đất vào sử dụng theo đúng mục đích.
Như vậy, việc các hộ dân liên kết với Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi trước đây đề nghị Nhà nước thu hồi diện tích 616,4ha đất nêu trên giao về cho địa phương để xem xét giải quyết, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tại thời điểm hiện nay là không giải quyết được theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, các hộ dân nhận khoán cho rằng, người dân trực tiếp khai hoang phục hóa 616,4ha đất này chứ không phải Nông trường Thắng Lợi, và hiện nay, do gặp nhiều khó khăn về diện tích đất sản xuất nên đề nghị Nhà nước thu hồi diện tích 616,4ha đất này giao về cho địa phương để xem xét giải quyết, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân để ổn định sản xuất và cuộc sống…
Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Điệp phát biểu tại buổi đối thoại. |
Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của người dân, lãnh đạo Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi, các sở, ngành liên quan đã trả lời cụ thể đối với từng nội dung kiến nghị, phân tích rõ các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai, hợp đồng nhận khoán và sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp, quá trình thực hiện cổ phần hóa Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi…
Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị chia sẻ với những bức xúc, kiến nghị cũng như khó khăn trong sản xuất, đời sống của các công nhân, hộ nhận khoán tại Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi.
Những nội dung kiến nghị của công nhân, hộ nhận khoán của Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu và có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra toàn diện Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi theo kiến nghị của những hộ nhận khoán.
Trong khi chờ đợi Thanh tra Chính phủ, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tiếp thu các ý kiến của công nhân, người nhận khoán để kiến nghị cấp trên giải quyết.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị kết luận buổi đối thoại. |
Đồng chí Phạm Ngọc Nghị đề nghị các sở, ngành, đơn vị tiếp tục thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan và căn cứ vào quy định trả lời rõ từng nội dung kiến nghị của những hộ nhận khoán.
Qua đối thoại, cùng bàn bạc, đề xuất giải pháp, hướng đến mục tiêu xây dựng đời sống của nhân dân ngày càng ổn định, phát triển. Quan điểm của tỉnh Đắk Lắk là ưu tiên lợi ích của người dân trên hết, tiếp đến mới đến doanh nghiệp, sau cùng là Nhà nước trên nguyên tắc tuân thủ các quy định hiện hành.
Phát biểu tại đối thoại, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ Nguyễn Hồng Điệp cho biết, nếu buổi đối thoại này diễn ra sớm hơn thì bà con không kéo nhau ra Hà Nội.
Công tác thanh tra tại Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, để giải quyết vụ việc, đề nghị các hộ nhận khoán tại Công ty cổ phần Cà-phê Thắng Lợi hết sức bình tĩnh và tích cực phối hợp với công ty và các cấp chính quyền, các ngành chức năng ở địa phương để xác định quyền lợi, rà soát lại các kiến nghị để tìm giải pháp giải quyết và có báo cáo cụ thể để báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình giải quyết không nên gửi đơn thư vượt cấp và tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự. Nếu các cấp chính quyền giải quyết không thỏa đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp thì người dân có quyền kiện ra tòa án để giải quyết, bảo đảm quyền lợi của mình.