Đổi thay trên vùng biên giới Tây Ninh

Tỉnh biên giới Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số với 20.835 người, chiếm 1,77% số dân. Trong đó chủ yếu là các dân tộc: Khmer, Chăm, Hoa, Tà Mun… phần lớn người dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ…
0:00 / 0:00
0:00
Biên dịch viên Nách Chan Nên (phải) nhận bằng khen tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2024. (Ảnh CTV)
Biên dịch viên Nách Chan Nên (phải) nhận bằng khen tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2024. (Ảnh CTV)

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh Tây Ninh, cùng sự phấn đấu của người dân các dân tộc, bộ mặt vùng biên giới nay đã đổi thay, khang trang, sung túc hơn.

Một ngày làm việc của biên dịch viên Nách Chan Nên (Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh) luôn tất bật khi tham gia quy trình sản xuất và tổ chức thực hiện sản xuất các bản tin tiếng Khmer trên ti-vi. Ngoài nhiệm vụ chính, Nách Chan Nên còn tham gia làm MC, tham dự các sự kiện khi có đoàn đại biểu nước bạn Campuchia sang. Cô cũng là một trong số 214 cán bộ người dân tộc thiểu số của Tây Ninh tham gia hệ thống chính trị và là đảng viên tiêu biểu trong số 305 đảng viên là người dân tộc.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, hiện nay toàn bộ số ấp, khu phố có đông đồng bào dân tộc đều có chi bộ đảng; có 89 người dân tộc tham gia Mặt trận Tổ quốc các cấp. Hiện tại có 4.467 người dân tộc tham gia các tổ chức chính trị-xã hội, bao gồm: 1.944 hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, 1.891 hội viên Hội Nông dân, 517 đoàn viên, thanh niên và 115 hội viên Hội Cựu chiến binh.

Hiện nay, tất cả các xã vùng dân tộc thực hiện phát thanh và được phủ sóng truyền hình; toàn bộ số xã có điện thoại cố định và di động, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; tất cả các xã đã có bưu điện văn hóa;tỷ lệ dân cư được xem truyền hình đạt 100%… Báo chí, truyền hình, phát thanh ở Tây Ninh có độ phủ sóng dày, cho nên đồng bào các dân tộc rất dễ tiếp thu thông tin. Nách Chan Nên cho biết: Các năm trước đây, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng theo quy định, cô và anh chị em cán bộ dân tộc đều được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạt 100% chuẩn theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho thấy, giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023, có 36 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, đây là những người đạt thành tích xuất sắc trong học tập, lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, vận động đồng bào tham gia phát triển sản xuất, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, đoàn kết vượt khó, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng hương ước, quy ước cộng đồng, tham gia phòng, chống các tệ nạn xã hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

5 năm qua (2019-2024), các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào các dân tộc luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh, bền vững trong đồng bào dân tộc. Các công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, điện được quan tâm đầu tư, đã góp phần thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Các ngành, các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ đồng bào ổn định nơi ở, hỗ trợ sản xuất, cho vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vươn lên thoát nghèo, ổn định an ninh vùng biên giới.

Theo Sở Y tế Tây Ninh, tất cả 94 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số trạm y tế có y sĩ, bác sĩ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân nói chung và đồng bào các dân tộc nói riêng. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh, toàn tỉnh có 64 giáo viên, nhân viên là người dân tộc đang tham gia công tác ở các huyện, thành phố. Chính sách ưu đãi đối với giáo viên dạy tiếng dân tộc luôn được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Năm học 2023-2024, số học sinh dân tộc các cấp học trên địa bàn là 5.259 học sinh và được quan tâm mọi mặt. (Tây Ninh có tổ chức dạy học tiếng Chăm và Khmer cho học sinh tiểu học tại một số trường).

Năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số với giá trị 17,7 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách trung ương là hơn 4,3 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là hơn 13,3 tỷ đồng. Nhiều dự án như: “Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Chol Chnam Thmay (Mừng năm mới) của người Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gắn với phát triển du lịch cộng đồng”; “Nghiên cứu, phục hồi và bảo tồn lễ cúng miếu-lễ rước bông và tổ chức truyền dạy ngôn ngữ của người Tà Mun”. “Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”… đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, Tây Ninh phấn đấu đến năm 2029 kéo giảm số hộ nghèo trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống còn dưới 10 hộ; 100% số xã vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đạt chuẩn nông thôn mới; 100% số xã, ấp vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người dân.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhận xét, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thiểu số Tây Ninh tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024-2029; coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, nhiệm kỳ 2025-2030 để thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc.