Hợp tác sâu rộng
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, giai đoạn 2021-2023, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ động ký kết 22 văn bản hợp tác với các địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Phước… Trên cơ sở đó, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; góp ý thẩm định chiến lược, tư vấn chính sách; nghiên cứu khoa học-chuyển giao công nghệ, cho các địa phương Đông Nam Bộ và cả phía nam.
Theo Ban Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị cũng tích cực hỗ trợ các địa phương thực hiện trung bình khoảng 200 nhiệm vụ khoa học-công nghệ/năm. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao, đưa vào ứng dụng thực tế như: “Xây dựng và phát triển Văn hóa đô thị tại các huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030”; “Nghiên cứu và xây dựng quy trình bảo quản tươi dược liệu dạng củ Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum”; “Phát triển du lịch thành phố Phan Rang-Tháp Chàm giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”; “Nghiên cứu giải pháp bê-tông cát nước mặn nhiễm mặn sử dụng cố thanh phi kim cho công trình xây dựng ven biển Kiên Giang”…
Theo thống kê, giai đoạn 2021-2023, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai gần 40 hoạt động tư vấn, góp ý xây dựng chiến lược phát triển, góp ý phản biện báo cáo chính trị; triển khai các chương trình gắn với xây dựng nông thôn mới; tư vấn phát triển du lịch, tư vấn khởi nghiệp... Một số hoạt động tiêu biểu như “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thành lập Phân hiệu Đại học Quốc gia tại tỉnh Bình Phước”; “Tư vấn Đề án đầu tư-xây dựng huyện Bình Chánh thành thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương”; “Thẩm định báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”… đã giúp ích rất nhiều cho các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Nam Bộ.
Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, đơn vị có sự tập trung hoạt động đi vào chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực của địa phương, hỗ trợ địa phương-doanh nghiệp giải quyết các vấn đề cấp bách. Giai đoạn 2021-2023, toàn hệ thống đã thực hiện ký kết được 239 văn bản chương trình hợp tác, thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ hợp tác, quy chế phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, tăng trưởng 265% (so với giai đoạn 2016-2020). Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức triển khai 639 hoạt động theo nhiệm vụ, yêu cầu, nhu cầu của các địa phương và doanh nghiệp, tăng 245% với giai đoạn trước đây…
Không ngừng phấn đấu, tự hoàn thiện
Vùng Đông Nam Bộ hiện có tổng số 37.572 sinh viên đang theo học tại các trường đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó nhiều nhất là sinh viên đến từ Thành phố Hồ Chí Minh với 24.140 người, tiếp theo lần lượt là Đồng Nai 5.224, Bình Dương 2.840, Bà Rịa-Vũng Tàu 2.415, Bình Phước 1.592, và Tây Ninh 1.361 sinh viên. Sau tốt nghiệp, hàng chục nghìn nhân sự chất lượng cao đã về địa phương làm việc, đóng góp tích cực và hiệu quả cho sự phát triển chung của khu vực Đông Nam Bộ.
Tích cực thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á. Trên cơ sở đó, Đại học Quốc gia đặt mục tiêu thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành về công tác, hiện thực hóa mục tiêu là nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam. Năm 2024, đơn vị mời gọi được 27 nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Ngoài thu hút nhân lực khoa học, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tích cực thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” tại Đảng bộ mình. Cụ thể, giai đoạn 2015-2024 đã giảm ba đầu mối quản lý (10%); số lượng viên chức (năm 2015) từ 3.502/5.603 viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước (tỷ lệ 62,5%) thì đến năm 2024, con số này chỉ còn 1.154/6.400 viên chức (tỷ lệ 18%). Kết quả này đã vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, toàn Đảng bộ đã quán triệt, triển khai quyết liệt thực hiện nghị quyết và đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, Đại học Quốc gia đẩy mạnh tự chủ đại học, hạn chế phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; tinh gọn các đơn vị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Tiếp tục khẳng định vị thế và vươn đến mục tiêu tầm cao, trong năm 2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị thành viên, trực thuộc đã ký kết văn bản hợp tác với 137 đối tác quốc tế (16 quốc gia châu Á, 26 quốc gia châu Âu, 19 tại Bắc Mỹ, Australia, New Zealand). Tiêu biểu như hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore về trao đổi thông tin khoa học, học thuật, kỹ thuật; hợp tác với Công ty Công nghệ Synopsys (Hoa Kỳ) nhằm tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực thiết kế vi mạch; hợp tác với Đại học Deakin (Australia) nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo về trí tuệ nhân tạo AI; hợp tác với Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) về việc nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh và phương thức đánh giá theo chuẩn quốc tế…
Ngày 10/4/2024, Tổ chức giáo dục QS Anh quốc đã công bố kết quả QS World University Rankings by Subject 2024. Theo đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đại học hàng đầu với 11 ngành đào tạo đạt vị trí cao, một số ngành top 500 thế giới, gồm: ngành Kỹ thuật Dầu đạt top 51-100; ngành Toán học đạt top 351-400; ngành Nông lâm top 401-450; ngành Khoa học môi trường, Kinh tế học và Kinh tế lượng top 451-500… Về kết quả xếp hạng, Đại học Quốc gia đạt top 901-950 và thuộc nhóm 40% các đại học xuất sắc nhất thế giới.