Nhiều chiêu thức lừa đảo tinh vi
Chị N. (ngụ quận Gò Vấp) kể về câu chuyện các đối tượng sử dụng để lừa chị như sau: Một đối tượng điện thoại cho chị xưng là nhân viên ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu chị cập nhật hóa đơn trên hệ thống thanh toán của công ty điện lực. Nhân viên này thông báo, kể từ ngày 1/11/2024, Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dừng tất cả thanh toán qua các kênh Zalo, Momo, các ngân hàng… để chuyển sang thanh toán qua ứng dụng (app) do ngành điện lực cung cấp. Người này yêu cầu chị N. phải cài app theo hướng dẫn. Khi chị N. không hợp tác thì nhân viên này “đổi tông giọng” với những lời nói khó chịu, thậm chí còn dọa cắt điện của gia đình.
Mới đây, các đối tượng còn giả mạo cả website của Trung tâm chăm sóc khách hàng, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) để thực hiện các hành vi lừa đảo. Cũng vì tin mà anh N. (ngụ xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) bị chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng khi đăng nhập thông tin cá nhân, liên kết tài khoản ngân hàng để xác nhận danh tính và kích hoạt tài khoản theo yêu cầu của một người lạ.
Theo các cơ quan chức năng, dụ dỗ người dân cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại thông minh là một trong rất nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến được các đối tượng sử dụng. Các ứng dụng này chứa mã độc nên khi người dân thao tác thì dễ bị chiếm quyền điều khiển điện thoại. Khi đánh cắp được thông tin, đối tượng lừa đảo sẽ chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Theo Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng tội phạm thường hoạt động mạnh vào cuối năm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên môi trường mạng, bởi đây là thời gian nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng cao. Các đối tượng thường mạo danh các doanh nghiệp, tổ chức đưa ra nhiều chương trình thưởng Tết, tri ân khách hàng… Thông qua cuộc gọi, tin nhắn, đối tượng tiếp cận, dẫn dụ, thao túng tâm lý nạn nhân để họ chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.
Một hình thức lừa đảo khác là dụ dỗ đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Để thực hiện hành vi này, đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến các sàn đầu tư. Ban đầu, đối tượng dụ dỗ khách hàng giao dịch với số tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó thúc giục họ tăng vốn. Vì hám lợi, nhiều người đã vay tiền của bạn bè, người thân để đầu tư với số tiền lớn. Khi đã lừa được tiền của nạn nhân, các đối tượng sẽ đánh sập sàn và chiếm đoạt toàn bộ số tiền của khách đã đầu tư vào đây. Trong nhiều trường hợp, các đối tượng còn dụ dỗ nạn nhân tiếp tục đầu tư để gỡ lại vốn nhưng toàn bộ số tiền đều sẽ “bốc hơi” khi các đối tượng bỏ trốn.
Cảnh giác cao với các thông tin trên mạng
Theo Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024, nhiều khách hàng phản ánh có các số điện thoại gọi yêu cầu tải app, kết bạn Zalo, nhận link để được hoàn, giảm 20% tiền điện, nhận thông báo nợ tiền. Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng thường sử dụng các cách thức thông báo khách hàng đang nợ tiền điện với số tiền lớn, yêu cầu thanh toán ngay lập tức để tránh bị cắt điện hoặc thông báo khách hàng ghi sai tên, sai số tài khoản; thông báo hệ thống điện đang gặp sự cố, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các thao tác chuyển tiền để khắc phục, từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo.
Theo ông Kiên, trường hợp gặp các cuộc gọi nghi ngờ giả danh ngành điện lực, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân; không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu ngân hàng; đồng thời báo cho cơ quan công an các địa phương để được hỗ trợ giải quyết. Hiện nay, EVNSPC đã phối hợp các cơ quan chức năng, điều tra làm rõ các hành vi lừa đảo; tuyên truyền, phổ biến các thủ đoạn lừa đảo để người dân cảnh giác.
Số liệu của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho thấy, năm 2024, tổng số tiền mà người dân, doanh nghiệp bị các đối tượng lừa đảo lên đến 18.900 tỷ đồng. Bình quân, cứ 220 người dùng thiết bị thông minh thì có một người bị “sập bẫy” lừa đảo. Các vụ lừa đảo lợi dụng trí tuệ nhân tạo đã tăng tới hơn 3.000% trong giai đoạn 2022-2023.
Để tránh bị lừa đảo, Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, trước khi thực hiện một giao dịch, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, tuyệt đối không tham gia các sàn giao dịch trực tuyến trên mạng không rõ nguồn gốc. Trước các cuộc gọi, tin nhắn, đường link lạ,... người dân, doanh nghiệp cần có sự kiểm chứng, đối chiếu qua các kênh chính thức để không bị sập bẫy lừa đảo.