Vì sao phim Nhà nước đặt hàng gặp khó khăn?
Báo cáo của Cục Điện ảnh gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này. Đầu tiên là khó khăn về kịch bản. Để chọn được kịch bản phù hợp nhiệm vụ chính trị, có chất lượng nghệ thuật tốt, cần thực hiện đúng quy trình tuyển chọn đồng thời chỉnh sửa, nâng cao chất lượng. Dự kiến kinh phí sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2018 - 2021 mà Cục gửi Bộ là: gần 115 tỷ đồng (2018), hơn 147 tỷ đồng (2019), hơn 148 tỷ đồng (2020) và hơn 148 tỷ đồng (2021). Năm 2018, Cục nhận được 11 kịch bản từ các đơn vị sản xuất nhưng một số kịch bản chưa qua cuộc họp hội đồng thẩm định theo quy chế, thiếu phiếu thẩm định, phiếu chấm điểm… cho nên tính đến ngày 1-2-2019, chỉ có ba trong số 11 kịch bản có dự thảo giám định. Nhiều lần, Cục thông báo họp hội đồng nhưng đều không đủ hai phần ba số thành viên theo quy chế tổ chức và hoạt động. Ngày 22-5, trong cuộc họp Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện nhiệm kỳ 2017 - 2019 để thông báo và thông qua kết quả thẩm định, tuyển chọn kịch bản phim truyện năm 2018 của Hội Điện ảnh, chỉ có ba trong số tám thành viên có mặt. Kết quả bị hủy theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL tại Công văn số 2384/BVHTTDL-KHTC ngày 20-6.
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao phim Nhà nước đặt hàng những năm gần đây lại gặp nhiều khó khăn thế? Một số chuyên gia cho rằng, có rất nhiều lý do như: thiếu kịch bản hay, khâu phát hành chưa linh hoạt, nhưng quan trọng nhất có lẽ ở quy trình phối hợp công việc chưa hợp lý, bị chậm so với nhịp phát triển sôi động của điện ảnh hiện thời. Thực trạng ấy thể hiện ngay ở các cuộc họp hội đồng liên tiếp bị hoãn hoặc hủy kết quả vì thiếu thành viên hay nhiều bộ phim Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng không biết phát hành ở đâu. Năm 2010, phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” (đạo diễn Đào Duy Phúc) có kinh phí đầu tư lên tới 57 tỷ đồng, phải mất ba năm chờ đợi mới được lên sóng. Năm 2013, phim “Người viết huyền thoại” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) dù đoạt sáu giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 nhưng thất bại về doanh thu, sau một tuần, nhà phát hành phải rút phim khỏi lịch chiếu. Năm 2014, phim “Sống cùng lịch sử” (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) bị các rạp tư nhân từ chối, nhà quản lý chọn hình thức chiếu miễn phí nhưng khán giả xem phim vẫn rất ít ỏi. Trong khi đó, phim bom tấn nước ngoài hoặc phim giải trí trong nước thì giới trẻ xếp hàng dài mua vé.
Cần giải pháp đồng bộ
Việc chậm tiến độ đăng ký kế hoạch đặt hàng và đề xuất nhu cầu kinh phí sản xuất phim hay chậm nộp phim Nhà nước đặt hàng là vấn đề nan giải đã được xác định nguyên nhân. Đề xuất giải pháp, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đổi mới quy trình sản xuất phim nhà nước, kết hợp xã hội hóa nhằm khuyến khích những kịch bản, dự án tốt để cùng góp phần bảo vệ, xây dựng nền điện ảnh dân tộc. Các hãng phim nhà nước phải cập nhật công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất phim, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khán giả.
Về xã hội hóa điện ảnh, thực tiễn đã mang lại nhiều bài học trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các nhiệm vụ chính trị và bài toán đầu tư, phát hành sao cho hiệu quả. Có những dự án điện ảnh sản xuất theo mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân thành công về doanh thu, giải thưởng. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với đề tài về gia đình, quê hương, công chiếu năm 2015, sau một tháng ra rạp đạt doanh thu 78 tỷ đồng. Phim này còn giành nhiều giải thưởng trong đó có giải Bông sen vàng. Theo dõi mảng phim điện ảnh do các hãng tư nhân sản xuất đoạt giải thưởng tại các liên hoan phim và đạt doanh thu cao, có thể nhận thấy đây là những tác phẩm đáp ứng cùng lúc được hai yếu tố: Giá trị nghệ thuật và tính thị trường. Tuy nhiên, nhìn lại, số lượng phim hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân vẫn ít ỏi. Ba năm sau khi công chiếu “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mới có một dự án khác nhưng chưa tạo được dấu ấn. Nhiệm vụ tìm kiếm, đánh giá, mở rộng hợp tác với đối tác tư nhân tiềm năng là cần thiết để nâng cao chất lượng, tiết kiệm ngân sách.
Hiện nay, khá nhiều đạo diễn, biên kịch trẻ, tu nghiệp ở nước ngoài chọn con đường trở về nước, sản xuất hàng loạt phim chuyển thể từ tác phẩm văn học làm nên dấu ấn đáng ghi nhận. Ưu tiên yếu tố trẻ, đủ năng lực chuyên môn, đam mê dấn thân sáng tạo cộng với sự đổi mới khoa học, đồng bộ là vấn đề đáng quan tâm của dòng phim được Nhà nước đặt hàng để bứt phá khỏi tư duy, cách thức cũ, tạo sức thu hút và hấp dẫn.
Về lâu dài, cần có định hướng, chế tài cụ thể áp dụng với từng đơn vị điện ảnh nhà nước để đội ngũ làm nghề chuyên tâm sáng tạo, cùng lúc tạo ra những tác phẩm vừa có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, đậm đà bản sắc và định hướng cho khán giả. Các hội đồng thẩm định kịch bản, duyệt phim cũng cần hội tụ nhân tố đủ năng lực, trách nhiệm trong thẩm định, đổi mới về tư duy và cách thức làm việc hiệu quả. Các hãng phim nhà nước thời kỳ vàng son từng làm tốt điều này và theo quan sát, phía sau những bộ phim thành công của các hãng tư nhân gần đây là cả một quy trình chặt chẽ bắt đầu từ khâu thẩm định. Hội đồng thẩm định đánh giá mức độ khả thi trên quy mô tổng thể dự án gồm kịch bản, biên kịch, đạo diễn, diễn viên... chứ không chia cắt nhỏ lẻ, rời rạc.