Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoàng Văn Chìu cho biết, Khánh Thượng có12 thôn gồm 2.022 hộ với hơn 8.730 nhân khẩu. Là xã có địa bàn rộng, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi và nghề phụ, xã được người tiêu dùng biết đến bởi có các sản phẩm nông sản như cam, bưởi, miến dong, thịt gà đồi, thịt dê núi, nem chua, gỏi cá…
Toàn xã hiện có mức tổng thu nhập đạt hơn 430 tỷ đồng, trong đó, thu từ sản xuất nông nghiệp đạt 105 tỷ đồng, thu từ dịch vụ thương mại 40 tỷ đồng, thu từ tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 30 tỷ đồng, thu từ các nguồn khác đạt khoảng 260 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50,24 triệu đồng/người/năm.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Khánh Thượng đã tập trung phát triển kinh tế, xã hội và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, từ đó đưa phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, hiệu quả, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, huyện Ba Vì đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt các xã miền núi cách xa trung tâm huyện, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Do vậy, ngay từ đầu năm 2021, với sự vào cuộc quyết liệt của tập thể Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì quyết tâm thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, giai đoạn 2020-2025. Cuối năm 2021, huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở cấp xã.
Là xã miền núi, Khánh Thượng có tới 52% dân số là đồng bào các dân tộc Mường, Dao.
Năm 2021 bằng sự nỗ lực vươn lên, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của huyện và thành phố, Khánh Thượng đã cán đích nông thôn mới thành công với 16 tiêu chí đạt và 3 tiêu chí cơ bản đạt chuẩn.
Để phát huy tốt địa hình và khí hậu của vùng bán sơn địa, xã đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh, nâng cao giá trị nông sản.
Đến nay, toàn xã có hơn 856ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích lúa có khoảng 381ha, diện tích trồng dong riềng hơn 170ha, còn lại là diện tích trồng các loại rau màu khác.
Thêm vào đó, toàn xã có hơn 170ha diện tích trồng cây ăn quả, gồm cam, chanh, mít, chuối, bưởi… cho năng suất, sản lượng cao.
Xã còn có tổng đàn gia súc, gia cầm ổn định với 423 con trâu, 1.420 con bò, 13.423 con lợn và gần 60 nghìn con gia cầm các loại.
Hằng năm, cùng việc bảo vệ hiệu quả hơn 1.500ha rừng hiện có, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn luôn được chú trọng, cán bộ và nhân dân trong xã tích cực trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao hiệu quả rừng trồng, góp phần thúc đẩy kinh tế rừng phát triển.
Con đường trải nhựa vào trung tâm xã miền núi Khánh Thượng, Ba Vì. |
Trên những con đường bê-tông mới dẫn chúng tôi đi đến một số thôn, xóm có các mô hình kinh tế nông hộ phát triển, trưởng thôn Bưởi Lê Quang Cường chia sẻ, bây giờ người dân có thể đi xe máy, thậm chí ô-tô vào tận sân nhà mình mà không còn lo lầy lội, mất an toàn như trước nữa.
Để có những con đường bê-tông rộng rãi, ngoài việc đầu tư tiền của, vật tư từ nhà nước, tập thể, các “mạnh thường quân”, vai trò của cộng đồng dân cư cũng rất lớn.
Riêng tại thôn Bưởi, nhân dân đã đóng góp gần 9.000m2 đất vườn, thậm chí cả đất ở để mở đường giao thông. Ngoài việc hiến đất làm đường, nhân dân còn góp tiền, vật liệu và hàng trăm ngày công lao động để hoàn thành các tuyến đường theo tiêu chí nông thôn mới.
Từ những sự chia sẻ, đồng thuận cao đó, hàng chục km đường liên thôn, liên xóm đã được bê-tông hóa, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và đời sống cho người dân nông thôn nơi đây.
Tính đến nay, toàn xã đã bê-tông hóa 40km đường từ trung tâm xã đến huyện, nhựa hóa 5,5km đường trục xã và liên xã, 8km đường liên thôn cũng đã kịp thời hoàn thành. Riêng tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài 82,87km đến nay đã cơ bản được bê-tông hóa.
Cùng với đó, 63km đường trục chính nội đồng đã được đổ bê tông, 16km được phối đá bảo đảm cho xe cơ giới đi lại, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bà Hà Thị Trần, đại diện cho hộ gia đình đã hiến gần 500m2 đất để làm đường cho biết, gia đình bà hiện có 6 thành viên, kinh tế gia đình ổn định. Trước đây, từ nhà bà sang nhà con trai cả đã ra ở riêng chỉ hơn trăm mét mà luôn bị lầy lội, đi lại rất khó khăn.
Sau khi tự nguyện hiến đất làm đường, giờ đây, 1 con đường bê-tông lớn đã hình thành, nối gia đình bà với các con cháu, những người thân khác, khiến tình cảm làng xóm gần gũi hơn, kinh tế từ đất đai cũng nhờ đó phát triển, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho cộng đồng bà con các dân tộc tại địa phương…
Cũng như xóm Bưởi, các xóm, thôn khác của xã Khánh Thượng cũng đang chuyển mình nhanh chóng nhờ sự phát triển mạnh mẽ từ giao thông và hạ tầng nông thôn. Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần từ đó cũng ngày càng đi lên theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Đổi thay ở xã Khánh Thượng cũng như nhiều xã vùng cao của huyện Ba Vì đang mang lại hiệu quả rõ rệt cho công tác xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội.
Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, đến nay, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển để thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.
Tính riêng giai đoạn 2016-2020, dù nguồn lực đầu tư công hạn chế nhưng các xã miền núi vẫn được ưu tiên bố trí 1.255 tỷ đồng để thực hiện các dự án thành phần tại 14 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có các xã của huyện Ba Vì.
Các dự án hướng đến nâng cao nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là thiết chế hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội. Thực tế cho thấy, từ cơ sở hạ tầng, đến đời sống của các xã miền núi đã thay đổi rõ rệt…
Thành quả có được là do địa phương đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, lấy sự đồng thuận trong nhân dân làm nòng cốt để đưa phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của mỗi địa phương.