Cử tri được nghe đồng chí Trần Chí Cường, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Sau 21 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Đã thông qua 6 Luật, 13 Nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 1 Dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật khác.
Quốc hội đã thực hiện việc giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.
Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023...
Các ý kiến cử tri tại buổi tiếp xúc lần này tập trung nêu nguyện vọng của nhân dân cần tiếp tục tiến hành mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Cử tri Lê Đình Thi, phường Xuân Hà, Thanh Khê: Nhân dân tin tưởng, nhưng mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. |
Cử tri Đà Nẵng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ khi thiên tai, bão lũ xảy ra gần đây.
Nhiều cử tri mong muốn Quốc hội cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tránh tình trạng các văn bản pháp luật, luật, nghị định mẫu thuẫn, chồng chéo, xung đột nhau, mà người gánh chịu nhiều nhất vẫn là nhân dân.
Phát biểu tại các buổi tiếp xúc, đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đầy trách nhiệm, tâm huyết của cử tri. Các ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất là sự khích lệ to lớn đối với mỗi đại biểu Quốc hội. Các ý kiến của cử tri đều chất lượng, nêu được những vấn đề lo lắng, bức xúc của nhân dân...
Về ý kiến của cử tri kiến nghị cần đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, mở rộng các và tăng thêm các buổi tiếp xúc, để cử tri, nhân dân được nêu ý kiến, đề xuất, kiến nghị những vẫn đề người dân bức xúc, quan tâm...
Đồng chí Võ Văn Thưởng: Đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, xây dựng pháp luật phải thật sự chất lượng, hiệu quả... là “ý Đảng, lòng dân” |
Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: Đây là nguyện vọng chính đáng, nhưng do đại biểu Quốc hội chủ yếu là kiêm nhiệm, phải giải quyết nhiều việc ở cơ quan, đơn vị phụ trách, tiếp xúc cử tri ở nhiều địa bàn khác nhau nên thời gian dành cho tiếp xúc cử tri còn giới hạn, chưa đạt được như mong muốn.
Tuy nhiên, bên cạnh tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, còn có tiếp xúc cử tri với đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, huyện, xã. Mặt khác, Đảng, nhà nước cũng quy định rõ việc tiếp xúc, đối thoại, tiếp dân giữa Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, quận huyện, phường xã để giải quyết các vấn đề bức xúc, kiến nghị của người dân.
Do đó, khi chưa mở rộng, tổ chức thêm các buổi tiếp xúc cử tri, cần phát huy tối đa cơ chế hiện có. Lãnh đạo UBND thành phố, quận, huyện, phường, xã phải tiếp xúc, trao đổi, kịp thời giải quyết những vấn đề người dân đặt ra, và qua đối thoại với cử tri sẽ đánh giá được năng lực của từng lãnh đạo địa phương.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng lãng phí tiêu cực mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh những vấn đề cần tập trung trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, liên tục, thường xuyên đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Phải kịp thời thay thế những cán bộ thể hiện năng lực yếu, suy thoái về phẩm chất, lối sống... mà không cần chờ hết nhiệm kỳ.
Ở nhiều địa phương, sau khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, đã có nhiều chuyển biến tốt, khắc phục được tình trạng trên nóng dưới lạnh. Đảng ta luôn coi trọng việc phòng ngừa, xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm. Yêu cầu lớn hiện nay của Đảng, cũng là nguyện vọng của nhân dân, là xây dựng pháp luật trong tình hình mới phải thật sự chất lượng, hiệu quả, từng bước khắc phục việc chồng chéo, xung đột. Muốn vậy cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Mặt trận, của các tổ chức chính trị xã hội và của nhân dân. Xây dựng, phê phán phải khách quan, trung thực, việc khen chê không khách quan, không trung thực sẽ dẫn đến những tiêu cực, hệ lụy trong xã hội và cũng là mầm mống của sai phạm, thoái hóa, biến chất.
Về những vấn đề, sự việc cụ thể, liên quan trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng, đời sống của người dân Đà Nẵng, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tiếp thu, ghi nhận, cùng các cơ quan chức năng địa phương sớm rà soát, kiểm tra, giải quyết thấu đáo và trả lời công khai cho cử tri ở các kỳ tiếp xúc tới.