Đổi mới, nâng cao chất lượng liên kết xuất bản

Hình thức liên kết xuất bản thời gian qua đã góp phần tăng tốc phát triển của ngành xuất bản Việt Nam cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Gần đây, chuyển đổi số có tác động tích cực vào nền tảng xuất bản, phát hành, góp phần mang lại những kết quả khá ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế đòi hỏi ngành xuất bản cần đổi mới toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo "Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản" ngày 26/9 tại Hà Nội. Ảnh: Vietnam+
Hội thảo "Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản" ngày 26/9 tại Hà Nội. Ảnh: Vietnam+

Những điều này được nêu ra tại Hội thảo "Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản" do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức ngày 26/9 tại Hà Nội, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả chủ trương xã hội hóa thông qua hoạt động liên kết xuất bản, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

Tăng trưởng ấn tượng, nhưng còn nhiều bất cập

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, sau gần 20 năm, quy mô xuất bản đã tăng gấp hơn hai lần, đưa mức bình quân sách/người/năm từ 2,1 bản năm 2004 lên 5,3 bản năm 2023, tiệm cận chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm (nêu trong Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/8/2004 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản).

Năm 2004, toàn ngành xuất bản được khoảng 24.000 đầu sách với 250 triệu bản sách; thì năm 2022, con số này là hơn 38.000 đầu xuất bản phẩm (trong đó có trên 32.000 đầu sách) với 598 triệu bản xuất bản phẩm. Việc chuyển đổi số đang có chuyển biến mới với sự xuất hiện của các nền tảng xuất bản, phát hành điện tử dùng chung. Có 23 trong số 57 nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử; 18 đơn vị phát hành điện tử, tăng 6 lần về số lượng nhà xuất bản và 9 lần số cơ sở phát hành điện tử so với năm 2018.

Đóng góp vào kết quả này có vai trò quan trọng của hoạt động liên kết xuất bản, bao gồm liên kết giữa các nhà xuất bản, liên kết nhà xuất bản với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; liên kết in, liên kết hạ tầng công nghệ và đặc biệt liên kết giữa nhà xuất bản với các đơn vị phát hành.

Hiện, tất cả nhà xuất bản đã thực hiện hình thức liên kết xuất bản, trong đó, 32 trong số 57 nhà xuất bản có tỷ lệ liên kết cao (hơn 70% tổng số xuất bản phẩm); sách liên kết xuất bản chiếm tỷ trọng ngày càng tăng. Một số nhà xuất bản và đơn vị phát hành thông qua hoạt động liên kết đã biết tận dụng thời cơ, tích lũy nguồn lực, phát triển đội ngũ.

Nhà xuất bản Trẻ là một thí dụ cho thấy quá trình phát triển qua việc triển khai hiệu quả giữa liên kết xuất bản và xây dựng chiến lược phát triển. Nhiều đơn vị khác đã có ý thức liên kết, xây dựng và phát triển thương hiệu; một số sản phẩm liên kết được đánh giá cao về nhiều mặt: Chất lượng bản thảo, tay nghề biên tập viên, mỹ thuật, kỹ thuật, giành được nhiều giải thưởng về sách, được in với số lượng lớn và tái bản nhiều lần.

Theo giới chuyên môn, hoạt động liên kết xuất bản đã giúp toàn ngành phát huy tính tích cực, tạo sự năng động trong việc tìm kiếm bản thảo, mua bản quyền, tổ chức phát hành cũng như chủ động nắm bắt thị trường, từ đó đóng góp thiết thực, quan trọng về nhiều mặt vào thành tựu chung nhằm cung cấp cho xã hội những kiến thức, thông tin hữu ích thông qua hệ thống xuất bản phẩm hay, có giá trị về khoa học-công nghệ, kinh tế, tư tưởng, văn học-nghệ thuật...

Theo giới chuyên môn, hoạt động liên kết xuất bản đã giúp toàn ngành phát huy tính tích cực, tạo sự năng động trong việc tìm kiếm bản thảo, mua bản quyền, tổ chức phát hành cũng như chủ động nắm bắt thị trường, từ đó đóng góp thiết thực, quan trọng về nhiều mặt vào thành tựu chung nhằm cung cấp cho xã hội những kiến thức, thông tin hữu ích thông qua hệ thống xuất bản phẩm hay, có giá trị về khoa học-công nghệ, kinh tế, tư tưởng, văn học-nghệ thuật...

Một số cuốn sách được bạn đọc yêu thích, in với số lượng lớn, tái bản nhiều lần như: Muôn kiếp nhân sinh, Đắc Nhân tâm, Hạt giống tâm hồn, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Cây cam ngọt của tôi, Chuyện chú mèo dạy hải âu bay, Nhà giả kim, Dám bị ghét, Yêu những điều không hoàn hảo...

Một số cuốn sách đoạt giải thưởng cao như: "Súng, Vi trùng và thép: Định mệnh xã hội loài người" (NXB Thế giới liên kết với Công ty Omega Books) đoạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021; "Hoàng Việt nhất thống Dư địa chí" (NXB Thế giới liên kết với Công ty cổ phần Sách Thái Hà) đoạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022.

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động liên kết xuất bản cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế. Một số nhà xuất bản thiếu chủ động trong quá trình tổ chức, khai thác bản thảo dẫn đến chưa thể hiện đúng vai trò chủ trì trong hoạt động liên kết.

Thậm chí có biểu hiện buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm quy trình biên tập xuất bản, để lọt, để sót nhiều chi tiết sai phạm, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng gây bức xúc dư luận... Còn có những doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm không chấp hành nghiêm quy định pháp luật và thỏa thuận với nhà xuất bản, như: Tự tiện tăng số lượng bản in, không nộp lưu chiểu, thậm chí thay đổi nội dung bản thảo, vi phạm pháp luật về xuất bản và bị xử lý.

Ngoài ra, vấn đề phí quản lý trong liên kết xuất bản còn nhiều bất cập; mặt bằng phí quản lý chưa phù hợp; bài toán kinh tế liên kết chưa có lời giải thỏa đáng; trách nhiệm của nhà xuất bản trong việc hỗ trợ đơn vị liên kết còn hạn chế, nhiều đơn vị sau khi biên tập, cấp phép hầu như không còn quan tâm đời sống của cuốn sách; không đầu tư tạo giá trị gia tăng từ thương hiệu nhà xuất bản.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong liên kết xuất bản, trong đó có nguyên nhân sâu xa từ những bất cập về cơ chế, chính sách; việc chuyển dịch chậm, không bắt nhịp được với cơ chế thị trường của các nhà xuất bản; những hạn chế về trình độ, nghiệp vụ của cả lãnh đạo và biên tập viên nhà xuất bản và còn cả tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn, thậm chí là tư duy "chộp giật" của một bộ phận đơn vị tham gia liên kết.

Cần bảo đảm vị thế và khai thác thế mạnh

Đại diện lãnh đạo các nhà xuất bản, đơn vị phát hành đã thẳng thắn chỉ rõ thực trạng của hoạt động liên kết xuất bản hiện nay, cả kết quả và những hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục, gợi mở phương thức mới trong kiểm soát quy trình liên kết xuất bản để bảo đảm chất lượng xuất bản phẩm, đẩy lùi vấn nạn sách nhảm nhí, vô bổ; ngăn chặn những đầu sách có nội dung vi phạm; cũng như giải pháp bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm trong mối quan hệ nhà xuất bản-đối tác liên kết, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm đúng định hướng, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật...

Để hoạt động liên kết xuất bản hiệu quả, cần loại bỏ một số thủ tục không còn phù hợp thực tiễn; thủ tục hành chính cần được thực hiện với hình thức trực tuyến để giảm thiểu thời gian, chi phí, công sức; sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử về xuất bản, phân quyền truy cập cho từng đơn vị nhằm giúp nhà in, đơn vị phát hành, nhà xuất bản thuận lợi trong việc kiểm tra chéo thông tin về số xác nhận đăng ký xuất bản, nội dung quyết định xuất bản, nộp hồ sơ trực tuyến...

Bên cạnh đó, nhận thức của các đối tác liên kết xuất bản phải được nâng cao. Mỗi xuất bản phẩm đều có thể tránh được các lỗi về nội dung, hình thức nếu các đơn vị liên kết xuất bản thắt chặt việc lựa chọn bản thảo và kiểm soát kỹ khâu biên tập trước khi gửi bản thảo đề nghị cấp phép. Vì vậy, cần đầu tư tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ thường xuyên cho biên tập viên, tạo cơ hội khuyến khích các tác giả, biên tập viên, thư ký xuất bản, nhân viên các đơn vị phát hành... tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp... để góp phần thanh lọc từ "đầu vào" các xuất bản phẩm chất lượng kém, nội dung không phù hợp đạo đức xã hội.