Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số

NDO -

Sáng 16/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức diễn đàn trực tuyến “Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số”.

Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại diễn đàn.
Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại diễn đàn.

Tới dự, có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Gắn đào tạo với thực tiễn

Nhà báo Nguyễn Đức Thành, Trưởng Ban Kinh tế (Báo Lao Động) nêu thực tế: Làm báo hiện đại không còn là cuộc cạnh tranh thông tin ai nhanh nhất mà phải là ai mới nhất, ai đúng nhất và ai riêng nhất. Điều đó khiến cho người làm báo hiện đại thực sự gặp khó khăn để giải quyết những khâu thông tin phức tạp hơn rất nhiều so với thế hệ làm báo trước đây. Nếu không tạo đủ bản lĩnh, đam mê, sự kiên trì và liên tục mở rộng nguồn tin chính xác, người làm báo hiện đại sẽ nhanh chóng bị “đá văng” khỏi guồng quay của dòng tin tức. Những đòi hỏi mới này chưa được chương trình đào tạo báo chí hiện nay ở nước ta cập nhật một cách thường xuyên và kịp thời, dẫn tới sinh viên báo chí khi mới ra trường, bước vào nghề lập tức phải chịu sức ép quá lớn. Sự non nớt về nhận thức chính trị, cùng với kinh nghiệm cũng như tính thực tế gần như là con số 0 đã khiến các phóng viên trẻ mau chóng bỏ nghề để có những sự lựa chọn mới dễ dàng hơn.

Từ thực tế này, các cơ sở đào tạo báo chí cần có trách nhiệm đào tạo sinh viên với chương trình “thực chiến” nhiều hơn thông qua các mô hình bài giảng và sản phẩm thực tế dựa trên sự kết hợp giữa cơ sở đào tạo với các cơ quan báo chí. Kết quả của mỗi học phần không phải chỉ đơn thuần là nộp một bài tiểu luận được giáo viên chấm điểm trong nhà trường, mà phải dùng thang đo của chính các cơ quan báo chí trên ấn phẩm của họ, trực tiếp được công chúng đón nhận và đánh giá dựa trên các tiêu chí và thể loại nhất định.

Đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số -0
 Các đại biểu phát biểu ý kiến tham luận.

PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, hiện nay, nhà trường đổi mới phương pháp đào tạo báo chí, truyền thông gắn liền sự thay đổi thói quen, ý thức của đội ngũ giảng viên và sinh viên trong truyền và tiếp nhận thông tin. Thói quen truyền thụ kiến thức một chiều thầy đọc - trò chép đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều giảng viên và sinh viên được điều chỉnh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên. Khi đổi mới và áp dụng các phương pháp mới cần có sự đánh giá về trình độ, nhu cầu và khả năng thích ứng của sinh viên để đưa ra những phương pháp hợp lý, tránh triển khai đồng loạt theo kiểu phong trào mà thiếu cân nhắc đến tình hình, đặc trưng của mỗi môn học, mỗi trình độ sinh viên.

Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp đào tạo cần được tiến hành một cách đồng bộ với việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp kiểm tra, đánh giá và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên. Nhà trường cũng lấy người học làm trung tâm, làm mục tiêu của quá trình đào tạo. Mục đích của quá trình này là sự tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng và hình thành nhân cách để tiến tới hoàn thiện cá nhân người học.

Trước sự phát triển của truyền thông xã hội và các nền tảng nội dung xuyên biên giới, báo chí, phát thanh, truyền hình truyền thống đang bị cạnh tranh gay gắt, Phó Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Vĩnh Long Đào Thị Tuyết Vân cho rằng, vấn đề cạnh tranh về thông tin, về tính nhanh nhạy của thông tin với mạng xã hội đang là một áp lực, một thách thức không dễ vượt qua đối với phát thanh, truyền hình truyền thống. Tuy nhiên, với báo chí cách mạng, báo chí chính thống, chúng ta không thể chạy theo xu hướng cạnh tranh đó, vì một cơ quan báo chí có đồ sộ đến mấy cũng không thể nào cạnh tranh được với một mạng xã hội hàng triệu, thậm chí đến hàng tỷ người dùng và tham gia tương tác. Chiến lược đúng đắn của báo chí chính thống là phải tập trung vào thế mạnh của mình đó là chất lượng thông tin, đặc biệt trong thời đại mà tin giả “fake news” đang lan tràn như hiện nay, đồng thời phải biết tích hợp được công nghệ số để làm nền tảng và không bị tụt hậu.

Vì vậy, chương trình đào tạo báo chí-truyền thông cần phải bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới, phù hợp với đặc thù của Cách mạng công nghệ lần thứ tư là kết nối và chia sẻ dữ liệu. Nội dung đào tạo cần tích hợp kiến thức nền tảng đủ rộng kết hợp kiến thức chuyên ngành, đồng thời phải đào tạo theo hướng tích hợp đa kỹ năng trong điều kiện kỹ thuật và công nghệ truyền thông số. Trong đó, trước hết là kỹ năng chọn lọc, thẩm định, nguồn tin, năng lực phân tích đánh giá sự kiện, tư duy phản biện khi kiểm chứng thông tin với những góc nhìn mới. Tiếp theo, là kiến thức, kỹ năng về công nghệ, ứng dụng các phần mềm trong hoạt động nghiệp vụ từ đó giúp phóng viên tác nghiệp một cách hiệu quả nhất, tin, bài, hình ảnh phải phục vụ tối đa cho mọi nền tảng công nghệ của tòa soạn. Bên cạnh đó, đào tạo kỹ năng kết nối truyền thông, kết nối thông tin xã hội, tương tác với khán giả, kỹ năng làm việc nhóm…

Khác với báo chí truyền thống, trong kỷ nguyên số, cách tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi rất nhiều, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang cho rằng, báo chí phải đổi mới về tư duy làm báo, đổi mới công nghệ, đổi mới thói quen tác nghiệp, vì thế, việc đào tạo báo chí truyền thông cũng phải thay đổi mạnh mẽ theo hướng “3K”, bao gồm: Kiến thức-Kỹ năng-Kỹ thuật và công nghệ. Nếu hội tụ đủ “3K” một cách chuẩn chỉ thì học viên tốt nghiệp ra làm nghề sẽ “vững như kiềng ba chân”. Từ góc tiếp cận này, nhà báo thời đại số giống như những người “nông dân cổ cồn”. Họ “gieo cấy” không chỉ ở trên “cánh đồng chữ nghĩa” bằng các phương tiện, công cụ thô sơ là ngòi bút, trang giấy như thế hệ cha ông làm báo trước đây. Họ phải làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới - đó là công cụ để sáng tạo ra những sản phẩm báo chí hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng, nhất là lớp công chúng mới hiện nay. Muốn vậy, không có cách nào khác là các nhà báo trẻ phải đi học và tự học. Nếu có thời gian hợp lý, các nhà báo trẻ nên đến các trường đào tạo kỹ thuật và công nghệ mới để học tập, ứng dụng trong tác nghiệp. Nếu có ít thời gian, các nhà báo trẻ phải tự học, tự trang bị kỹ thuật và công nghệ. Khám phá thế giới công nghệ và ứng dụng tốt vào công việc làm báo thì nhà báo trẻ sẽ làm chủ được việc sáng tạo báo chí trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo

Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên truyền-Lý luận (Báo Nhân Dân) Nguyễn Minh Phong nêu, thực tế đang cho thấy, trước xu hướng thương mại hóa báo chí, xuất hiện một bộ phận nhà báo thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu trách nhiệm xã hội và bán rẻ lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, chạy theo kiểu làm báo “lá cải”, câu khách một cách rẻ tiền theo kiểu “ăn xổi", cốt sao đánh đấm ra tiền, theo đặt hàng và bán được nhiều báo, giành được nhiều quảng cáo… làm nhiễu thông tin, suy giảm các giá trị xã hội về “chân, thiện, mỹ”, tự làm tổn thương mình và tổn thương uy tín danh hiệu nhà báo chân chính. Nguy hại hơn, xuất hiện tình trạng có một số nhà báo “hai mặt”: Khi viết bài đăng báo chính thống trong nước, họ viết một kiểu; ngược lại, khi tự đăng bài viết riêng trên các trang mạng hoặc báo chí nước ngoài, họ viết và thể hiện quan điểm, thái độ chính trị khác, thậm chí ngược lại với những gì họ đã thể hiện trước đó.

Từ đó cho thấy, nhà báo trong kỷ nguyên số không chỉ tinh thông, thành thạo công nghệ làm báo hiện đại mà còn phải là những “nhà tư tưởng” có khả năng thuyết phục. Nếu người làm báo mà tư cách đạo đức không tốt, có biểu hiện “hai mặt, hai lời, hai thái độ” bất nhất giữa viết báo và sống thực tế, giữa bài đăng báo chính thống với bài đăng mạng xã hội thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tín nhiệm của công chúng đối với bài viết của mình, và qua đó đối với cả cơ quan báo chí. Vì vậy, đào tạo nhà báo cần chú trọng đào tạo nâng cao bản lĩnh chính trị ngay từ lúc học làm nghề báo. Hệ thống nhà trường, nhất là các nhà trường làm nhiệm vụ đào tạo ra những nhà báo trong tương lai, càng cần phải làm thật tốt việc giáo dục nhận thức về hệ giá trị chuẩn chung quốc gia và nhân loại, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội cho các sinh viên, nền tảng để hình thành bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp báo chí. Các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường công tác quản lý, trau dồi đạo đức về nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên... để các nhà báo luôn có được lòng yêu nghề, thái độ chăm nghề, trọng nghề, bởi đây là cái gốc để sinh ra bản lĩnh chính trực của các nhà báo.

PGS,TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) cho biết, trong một xã hội mà thông tin ngày càng mở và đa chiều như hiện nay, việc xác định được và tạo ra được một thái độ đúng đắn cho các nhà báo trẻ là điều không dễ dàng nhưng lại rất cấp thiết. Cần khẳng định rằng nhà báo chuyên nghiệp phải có đạo đức nghề nghiệp và đây là yếu tố phân biệt báo chí với mạng xã hội. Vì cạnh tranh thông tin, vì mục đích kiếm tiền, có không ít nhà báo, tờ báo không còn chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp, phẩm giá của người cầm bút. Ai cũng muốn đưa các bản tin độc quyền một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, hậu quả của việc theo đuổi tốc độ dẫn đến coi nhẹ tính khách quan của báo chí, đưa tin thiếu chiều sâu, nội dung hời hợt. Không thể đổ lỗi cho kinh tế thị trường rằng vì cạnh tranh sống còn, cho nên, báo chí phải giật gân câu khách. Công chúng luôn khát khao sự thật, nên báo chí phải mang đến cho công chúng đúng cái họ cần. Nếu nhà báo đưa thông tin không được kiểm chứng, thông tin sai lệch, giả mạo sẽ gây tác động rất lớn lên đời sống xã hội, gây sự hoang mang và mất lòng tin của công chúng. Một bài báo không chính xác hay bóp méo sự thật có thể ảnh hưởng đến số phận của một tổ chức, một cá nhân cụ thể. Nghề báo có quá nhiều cám dỗ, nếu nhà báo không có đạo đức, không có bản lĩnh thì sớm muộn cũng vi phạm, sa ngã.

Thực tế hoạt động báo chí hiện nay đã minh chứng cho nhận định đó. Đáng tiếc là nhiều nhà báo biết luật mà vẫn phạm luật, biết những việc làm vi phạm về đạo đức nghề nghiệp nhưng vẫn nhắm mắt để làm liều. Không chỉ có những phóng viên, nhà báo mà ngay cả một số lãnh đạo cơ quan báo chí cũng không thoát khỏi sự cám dỗ. Không thể chối bỏ một thực tế là những năm gần đây, trước những thách thức thời cuộc, có một bộ phận người làm báo đã vi phạm những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp với nhiều biểu hiện, mức độ khác nhau. Có những hiện tượng hoặc là vô tình, non kém năng lực tác nghiệp, hoặc là hữu ý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, đưa đến nhiều hậu quả đáng tiếc, làm mai một hình ảnh của người làm báo, dẫn đến công chúng mất niềm tin vào báo chí.

Do vậy, Hội Nhà báo Việt Nam luôn quán triệt và quan tâm đến công tác bồi dưỡng đạo đức của nghề. Trong thời gian qua, Hội đã triển khai nhiều lớp bồi dưỡng cho phóng viên trẻ và chú trọng lồng ghép đạo đức nghề nghiệp trong các chuyên đề về kỹ năng tác nghiệp. Việc bồi dưỡng đạo đức báo chí cho phóng viên, được là điểm nhấn trong các mô hình đào tạo báo chí trong thời gian tới. Một nhà báo có năng lực là không ngừng học hỏi, tiếp nhận cái mới từ sự thay đổi và phát triển của thế giới hiện đại. Thời đại mới, công nghệ mới, tư tưởng mới, đạo đức người làm báo không những không mất đi mà còn được bổ sung, làm mới một cách phù hợp và tân tiến nhất.

Phát biểu ý kiến tổng kết diễn đàn, đồng chí Lê Quốc Minh khái quát thực trạng công tác đào tạo báo chí hiện nay, dự báo tình hình, xu hướng báo chí thế giới và những tác động tới hoạt động báo chí của Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời nhấn mạnh, việc chuyển đổi số không chỉ là đầu tư đổi mới công nghệ mà quan trọng hơn là sự đổi mới về tư duy, hành động của đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí để từ đó lan tỏa đến đội ngũ những người làm báo. Việc đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số không chỉ hạn chế trong nhà trường mà còn cần thực hiện đào tạo gắn với môi trường thực tiễn báo chí, liên tục cập nhật xu hướng báo chí của thế giới để hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo. Đây là nền tảng vững chắc giúp nhà báo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, có tác dụng định hướng, giáo dục tốt…