Ngay từ những ngày đầu trên giảng đường đại học và khi bước vào con đường nghiên cứu, GS, TS Đinh Xuân Dũng đã hình thành một thói quen và cũng là một cách làm việc khoa học, đọc và ghi chép lại những nhận định, đánh giá phản biện của mình qua các tài liệu, công trình khoa học, sách, báo.
Đó cũng là cách học và rèn luyện tư duy, tạo thành nhu cầu và thưởng thức văn hóa có chiều sâu, để đến bây giờ đã ở độ tuổi hơn “thất thập” vẫn thấy sức đọc và khả năng làm việc của ông thật đáng khâm phục. Cuốn “Đọc và Nghĩ” chỉ là phần nhỏ trong những ghi chép, nhìn nhận, đánh giá, phân tích được tuyển chọn chủ yếu về lý luận phê bình văn học và đời sống văn hóa, nghệ thuật từ năm 2016 đến nay (có khi chỉ là một tờ giấy kẹp vào trang sách, thậm chí là đánh dấu, ghi vội bên trang sách tập hợp lại sau này). Tuy chỉ là một phần trích đoạn trong nhật ký ghi chép của ông, nhưng đó là cả một quá trình làm việc công phu và tỉ mỉ. 80 bài phê bình sách ở các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, bút ký... giới thiệu trong phần một “Đọc” của cuốn sách “Đọc và Nghĩ” chiếm số lượng khiêm tốn so với 360 tác phẩm mà GS, TS Đinh Xuân Dũng đã đọc trong 5 năm qua.
Các ghi chép, nhìn nhận theo cách gọi của ông đã thật sự là những bài phê bình văn học hoàn chỉnh với những nhận xét kỹ về thể loại cùng nét đặc sắc của tác phẩm, thế mạnh và hạn chế của từng tác giả. Có bài đã đăng báo, song nhiều bài có khi chỉ là để trao đổi hoặc góp ý với tác giả.
Ông cho biết: “Tôi đọc nhiều sách và luôn ghi lại suy nghĩ của mình về mỗi tác phẩm đã đọc. Quá trình đọc sách, thấy nhiều cuốn hay, có ý nghĩa, cho nên mong muốn góp ý với họ hoặc có thể giới thiệu đến mọi người, nhất là giới trẻ tìm đọc, lan tỏa văn hóa đọc và phong trào đọc sách trong xã hội”. Có những cây bút trẻ đang chập chững sáng tác cho đến các nhà văn có tên tuổi khi có tác phẩm thường gọi đến xin ý kiến ông hoặc trao đổi về nội dung tác phẩm. Và ngược lại, có những lúc đọc, thẩm định được một cuốn sách hay, ông còn chủ động giới thiệu đến các nhà xuất bản, quản lý văn hóa hoặc qua báo chí để nhiều người biết đến.
Cũng vì vậy, không có gì lạ khi ở phần một của cuốn “Đọc và Nghĩ”, bên cạnh các bài viết phê bình tác phẩm của các nhà văn đã có tên tuổi, tác giả dành nhiều phần ưu ái với các cây bút trẻ, tìm ra những phát hiện sáng tạo, những đổi mới ở từng tác phẩm, từng tác giả qua kinh nghiệm và vốn sống, trải nghiệm của họ về quá khứ, lịch sử, về cuộc sống hôm nay, cách khai thác đề tài và cả dấu ấn mới đóng góp vào nền văn học đương đại. Đồng thời, dưới góc nhìn của một nhà lý luận phê bình sắc sảo, GS, TS Đinh Xuân Dũng cũng chỉ ra những hạn chế, non nớt để cố gắng động viên, giúp các cây bút trẻ trưởng thành hơn, nâng tầm tư tưởng để có được những tác phẩm thật sự đứng được trong lòng bạn đọc.
“Đọc” để rồi “Nghĩ”, có thể cảm nhận được những trăn trở của tác giả về văn học đương đại Việt Nam. Tuy đã phong phú, sinh động hơn, sách nhiều và người viết có điều kiện tự do sáng tác, nhưng văn học vẫn chưa thật sự có được các tác phẩm lớn, tương xứng tầm vóc thời đại, thậm chí có lúc thể hiện xu hướng bế tắc, lúng túng. Tác giả nêu lên những cảnh báo khi văn học hướng tới những thân phận, số phận, vấn đề con người cũng như cuộc sống để lý giải nó, song lại bỏ qua tinh thần nhân văn, nhân đạo và “nếu nhà văn không chạm được đến điều đó là một nhược điểm lớn”.
Bên cạnh đó, phần hai của cuốn sách với 20 bài viết tuyển chọn các nghiên cứu, tiểu luận khoa học của tác giả được viết từ năm 2020 đến tháng 6-2021 đề cập những vấn đề lý luận về đời sống văn hóa, nghệ thuật, phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, những tư tưởng chỉ đạo toàn diện, có ý nghĩa chiến lược và tính thực tiễn sâu sắc của Đảng trong lĩnh vực văn hóa và văn học nghệ thuật; giáo dục lý tưởng, nhận thức thẩm mỹ, xây dựng nguồn lực văn hóa...
Với những người mới bước vào nghề viết và nhất là các bạn trẻ yêu thích mảng phê bình, lý luận văn học nghệ thuật, cuốn sách “Đọc và Nghĩ” của GS, TS Đinh Xuân Dũng mang nhiều giá trị tham khảo, thể hiện chiều sâu tri thức, từ đó có thể rút ra những bài học nghề nghiệp, làm giàu có vốn tri thức và quan trọng hơn là truyền đến họ “lửa nghề”, động viên họ bước tiếp trên cánh đồng văn chương đầy nhọc nhằn. Cuốn sách cũng góp phần tuyên truyền, định hướng xây dựng văn hóa đọc trong xã hội, khuyến khích và tạo thói quen đọc sách một cách có chọn lọc.