Dốc sức vì người lao động, nỗ lực khắc phục khó khăn do đại dịch

Có lẽ, chưa bao giờ vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam lại được khẳng định trong vai trò là tổ chức đại diện quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ) như giai đoạn này.

Chiều 17-6, Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức trao trợ cấp cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động và ảnh hưởng Covid-19.
Chiều 17-6, Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức trao trợ cấp cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động và ảnh hưởng Covid-19.

Gần hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta, đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, lây lan nhanh, rất nguy hiểm và khó lường ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó công nhân, lao động là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều và rõ rệt.

Đợt dịch lần thứ tư bùng phát, xâm nhập mạnh vào một số khu chế xuất, khu công nghiệp. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 36 nghìn công nhân lao động (CNLĐ) nhiễm virus SARS-CoV-2, cùng hơn 600 nghìn người là F1, F2 hoặc đang trong khu vực phong tỏa. Dịch bệnh nguy hiểm và kéo dài khiến hàng triệu CNLĐ phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc, hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, cuộc sống đang rất khó khăn.

Cùng với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện, các cấp công đoàn đã luôn đồng hành, cùng đoàn viên, NLĐ triển khai nhiều hoạt động thiết thực, với nhiều cách làm sáng tạo, kịp thời hỗ trợ NLĐ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần đắc lực cùng hệ thống chính trị bảo đảm an sinh trong "trận chiến" với dịch bệnh.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã sớm quyết định sử dụng tài chính công đoàn tích lũy để hỗ trợ đoàn viên, NLĐ; miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên có mức lương thấp, lùi đóng kinh phí với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Hỗ trợ tiền ăn, tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế đang chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Hàng chục nghìn cán bộ công đoàn các cấp ngày đêm bám trụ cơ sở, theo sát chăm lo cho CNLĐ ở các tâm dịch. Các cấp công đoàn đã hỗ trợ kịp thời hàng triệu phần quà, đồ dùng, nhu yếu phẩm cho NLĐ. Hàng chục nghìn suất ăn, các loại thực phẩm do cán bộ công đoàn tự tay chế biến được gửi trao tới đoàn viên, NLĐ. Đến nay, tổ chức công đoàn đã dành 4.000 tỷ đồng chăm lo cho đoàn viên, NLĐ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Từ trong những ngày tháng dốc sức, dốc lòng, sát cánh cùng NLĐ, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn đã sáng kiến xây dựng nhiều mô hình giúp đỡ đoàn viên, NLĐ hiệu quả, như: Tổ an toàn Covid-19, Tổ cứu trợ khẩn cấp, Siêu thị 0 đồng, Xe buýt siêu thị 0 đồng, Bếp ăn yêu thương, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho NLĐ... Bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, những món quà kịp thời của tổ chức công đoàn được trao tận tay CNLĐ khiến họ vơi bớt khó khăn, nhọc nhằn chồng chất, với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no"; "ở đâu có công nhân khó, ở đó có công đoàn".

Mới đây nhất, Tổng LĐLĐ Việt Nam có quyết định về việc hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, NLĐ đang thực hiện "3 tại chỗ" của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Góp phần cùng doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo thu nhập cho CNLĐ, giữ vững chuỗi cung ứng, không để đứt gãy sản xuất. Theo thống kê bước đầu, tổng số NLĐ đang thực hiện "3 tại chỗ" dự kiến là hơn một triệu CNLĐ, với mức hỗ trợ một triệu đồng/người, tổng mức hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng. Đây tiếp tục là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, NLĐ.

Ngày 25/8, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ khẩn cấp CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với mong muốn mỗi hoàn cảnh khó khăn sẽ được sưởi ấm bởi sự yêu thương của tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Sự ủng hộ này nhằm bảo đảm duy trì cuộc sống, động viên NLĐ yên tâm "ai ở đâu, ở đó". Đồng thời thiết thực hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, triển khai ngay phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19".

Đồng cảm, sẻ chia những khó khăn mà đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước đang nỗ lực vượt qua, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tham gia lao động, sản xuất, ra sức thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ có thêm những quyết sách kịp thời, sát tình hình thực tế, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích thiết thân, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, NLĐ cả nước. Đồng thời tiếp tục chia sẻ, đồng hành, cùng cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động từng bước đẩy lùi, tiến tới kiểm soát và giành chiến thắng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.