“Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách” không phải tác phẩm mới, nhưng giống như xứ sở mù sương luôn ẩn giấu những chồng lớp ký ức, cuốn tản văn đọc lại vẫn đầy sức gợi.
Nguyễn Vĩnh Nguyên có 6 năm sống tại Đà Lạt (1997-2001). Từ đó đến nay anh định cư ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn thực hiện những chuyến “hồi hương” với xứ sương mù.
“Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách” đã tái bản 6 lần, là tập hợp những trang viết mà tác giả ghi lại trong sổ tay trong suốt 15 năm.
24 khúc ngân về Đà Lạt
Có chừng 24 bài viết, khi dài mà cũng có khi vẻn vẹn những đoản văn vốn là những ghi chép từ sổ tay, nay bước vào trang sách. Nhưng dài hay ngắn, tâm tình của Nguyễn Vĩnh Nguyên vẫn hướng về Đà Lạt trong từng nhịp đời sống của mình.
Những tên gọi của 24 khúc ngân ấy phần nào bộc lộ điều đó, như “Làm sao để trục xuất Đà Lạt trong đầu”, “Hơi thở xanh rêu”, “Một Đà Lạt để F5”, “Bộ hành trong đêm mù sương”, “Radio, tình ca và những huyền thoại một thời”…
Nguyễn Vĩnh Nguyên kể về thành phố bằng cảm nhận có hơi hướng thi nhân của mình, đầy chất thơ, phiêu lãng như thành phố vốn sinh ra đã mộng mơ ngay cả trên nền lịch sử nhiều biến động.
Nguyễn Vĩnh Nguyên kể về thành phố bằng cảm nhận có hơi hướng thi nhân của mình, đầy chất thơ, phiêu lãng như thành phố vốn sinh ra đã mộng mơ ngay cả trên nền lịch sử nhiều biến động. “Thành phố vẫn còn đó những mái ngói xưa, những cửa sổ kiểu cũ trổ lên đón gió và sương trời. Chỉ vài cơn mưa thu và mưa đợt gió lạnh đầu đông, rêu cỏ sẽ mọc loang xanh rậm rì trên từng thớ ngói như thể giữa ngày âm u, có nàng tiên đãng trí nào đó dạo chơi trên mây vô tình đổ những bụi ngọc lên mái nhà nhân gian.”
Anh cũng ghi lại những cuộc gặp gỡ trên đường, một lữ khách để rồi thả trôi mình vào những liên tưởng nhân gian-mà thành phố là cái phần cộng hưởng không thể thiếu. “Cuộc hành hương của tôi về với núi đồi đôi khi với một tâm tình của kẻ cứ ngỡ mình khát khao lặng thinh, nhưng hóa ra đầy vọng động, huyên náo. Tôi không đủ cô đơn để có thể một mình, dù biết, chỉ có thể chạm vào trái tim thành phố ấy khi người ta thực sự một mình, như em.”
Có khi lại là hình ảnh một người đàn bà khuyết tật, ngồi đan len bên cửa sổ trong căn nhà gỗ rất nhỏ ở thị tứ Dran buồn hiu hắt ám ảnh tác giả với những vần thơ tình… Ở trang viết khác là một chỗ ngồi, không phải chỗ của số đông trong quán cà phê Tùng quá nổi tiếng ở Đà Lạt để chứng kiến những đổi thay ghê gớm của thành phố…
Từ góc nhìn nào, tác giả cũng như muốn nói cái chiều sâu thăm thẳm đất và người luôn mời gọi đối với ngay cả những người đã sống trải cùng thành phố. Hết thảy, trước Đà Lạt ta chỉ luôn như một lữ khách mà thôi.
Một đắm say thành phố
Điều làm nên sức cuốn hút của “Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách” chính là sức phiêu lãng trong tâm hồn tác giả, chất đắm say cuồng nhiệt mà đầy trăn trở ưu tư cho một “căn tính” thành phố đã ít nhiều tan loãng như sương khói.
Những trang viết từ ghi chép, tự nhiên như những bước chân lãng du giữa núi đồi khiến người đọc có cảm giác được hiện diện ngay trong lòng thành phố và không ngừng bắt gặp những thao thức nơi đây.
Như là trong “Radio, tình ca và những huyền thoại một thời”, độc giả tìm thấy những gương mặt âm nhạc góp phần làm nên tâm hồn Đà Lạt. Là Từ Công Phụng với “bây giờ tháng mấy rồi hỡi em/Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm…”. Rồi Hoàng Nguyên, Lam Phương, Lê Uyên Phương… với những “tình khúc mang hơi thở Đà Lạt, sinh ra cho Đà Lạt. Người ta nghe từ sóng radio ở thành phố núi đồi những tiếng nói mới trong âm nhạc xuất hiện và ghi đậm dấu ấn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam một thời đoạn.”
Những trang viết từ ghi chép, tự nhiên như những bước chân lãng du giữa núi đồi khiến người đọc có cảm giác được hiện diện ngay trong lòng thành phố và không ngừng bắt gặp những thao thức nơi đây.
Yêu thành phố không chỉ trong những cảnh sắc như thiên thai, Nguyễn Vĩnh Nguyên chạm vào những thân phận, những cá tính nghệ sĩ vốn là một phần của đô thị. Như “Khi ta yêu người khùng” với một bản liệt kê dài những người “biết cách sống và thở với thiên nhiên rộng lớn, theo đuổi những mộng tưởng lạ lùng và biết cách rời lý trí hay tính toán thông thường…”
Nguyễn Vĩnh Nguyên không chỉ viết về Đà Lạt trong tản văn mà sau này là những công trình khảo cứu, anh còn dựng một trang web Chuyện Đà Lạt với những mục “Thị dân”, “Lữ khách”, “Bóng thời gian”… , rồi cũng từng cùng bạn bè dựng một Tủ sách Chuyện Đà Lạt tại một không gian cà phê ở thành phố. Tất cả nhằm thỏa mãn một đắm say với xứ sương mù.
Không quá khi nói rằng nếu tới thành phố 130 tuổi vào năm nay và đọc tản văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên thì cũng như một cách đồng vọng cùng thành phố.