Một cuốn sách nghiên cứu giúp những thị dân thành phố - những chủ thể tham gia kiến tạo lịch sử đô thị, hiểu hơn về thành phố của mình. Hiểu để sống trọn vẹn hơn là chỉ như một cuộc dừng chân.
Shane Ewen hiện là giáo sư ngành Lịch sử đô thị tại Đại học Leeds Beckett, Anh Quốc. Ông đồng thời là Giám đốc Hiệp hội Lịch sử đô thị Anh Quốc và là đại diện của Vương quốc Anh trong Hiệp hội Lịch sử đô thị châu Âu. Các công trình của ông tập trung vào lịch sử đô thị xuyên quốc gia, lịch sử môi trường đô thị, quản trị thành phố.
Với cuốn sách “Lịch sử đô thị hiện đại” (Trung tâm IPER, Nhà xuất bản Dân trí), độc giả có thể chọn lựa đi sâu theo chủ đề chương mà mình quan tâm như “Thành phố, không gian và bản sắc”, “Văn hóa đô thị và tính hiện đại” hay “Quản trị đô thị”… Nhưng nên mở đầu bằng bài viết dẫn nhập của tác giả, bởi lẽ ở đó sẽ cung cấp cho chúng ta những phạm vi, đối tượng mà công trình đề cập, giúp sự đọc thuận tiện, mạch lạc hơn.
Khẳng định lịch sử đô thị đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thế giới ngày nay (thế giới mà kể từ năm 2014, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, tỷ lệ dân cư sống ở các khu vực đô thị lên đến 54%), tác giả cho biết thêm: “Lịch sử đô thị cung cấp những bài học giá trị cho những ai tìm hiểu về lĩnh vực này cùng các nhà sử học đô thị…; làm sao để xác định và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường của quá trình đô thị hóa nhanh chóng mà không để lại những bất ổn đối với thị trường; và hiểu biết về tầm quan trọng của các yếu tố văn hóa, thiên nhiên cũng như dự án nhằm biến thành phố thành những nơi hấp dẫn cư dân đến sinh sống, làm việc hoặc du lịch”.
Mỗi người đọc theo nhu cầu và khả năng tương tác với tác phẩm chắc chắn có sự cảm nhận khác nhau với công trình này, và những điểm xuyết dưới đây của người viết chỉ như một góc nhìn mang dấu ấn cá nhân.
Lịch sử đô thị cung cấp những bài học giá trị cho những ai tìm hiểu về lĩnh vực này cùng các nhà sử học đô thị…; làm sao để xác định và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường của quá trình đô thị hóa nhanh chóng mà không để lại những bất ổn đối với thị trường; và hiểu biết về tầm quan trọng của các yếu tố văn hóa, thiên nhiên cũng như dự án nhằm biến thành phố thành những nơi hấp dẫn cư dân đến sinh sống, làm việc hoặc du lịch.
Sự thú vị của tiếp cận liên ngành
Ngay chương đầu tiên “Sự phát triển của sử học đô thị”, Giáo sư Shane Ewen đã cho độc giả thấy rất nhiều trường phái, xu hướng nghiên cứu về lĩnh vực này, sự bùng nổ của nghiên cứu lịch sử đô thị từ thế kỷ XX… Nhưng tựu trung, nguồn gốc học thuật của lịch sử đô thị là sự giao thoa có tính liên ngành như khoa học xã hội và khoa học nhân văn…
Như tác giả nêu rõ: “Cuốn sách tập trung vào giá trị chung trong phương pháp tiếp cận liên ngành và so sánh giúp thấu hiểu những chiều kích khác nhau về mặt không gian và trải nghiệm trong đời sống đô thị”.
Điều này, quả thực hứa hẹn những thông điệp sâu sắc và phong phú mà người đọc có thể nhận được thông qua cách tiếp cận mở rộng mang tính đa ngành của nhà khoa học. Thậm chí, tính liên ngành trong nghiên cứu được xem là “mảnh đất màu mỡ và có khả năng mở rộng tiềm năng của lĩnh vực này so với các nghiên cứu ban đầu”. Vì lẽ đó, nó cũng giúp ích cho các nhà nghiên cứu, người làm khoa học.
Thành phố sống động hơn ta nghĩ
Ngay chương 2 là câu chuyện: “Thành phố, không gian và bản sắc”. Tác giả chỉ ra sự phân chia các khu dân cư theo mức sống thể hiện trong từng chi tiết nhỏ ở London, NewYork mà dường như cũng là ở nhiều đô thị của nước ta. Lối ra vào riêng, sở hữu không gian lưu trữ, hệ thống xử lý rác thải, hệ thống bưu chính, giao nhận hàng hóa riêng… Chúng ta trầm ngâm trước nhận định này: “Xã hội được kiến tạo và hiển hiện trong không gian, vận động theo thiết kế cũng như quá trình sử dụng không gian đó, và có liên quan đến hành động của các nhà đầu tư bất động sản, nhà tài chính, chính phủ, chủ đất và cư dân”. Quan sát đời sống của chúng ta tại các khu chung cư, soi chiếu cùng các nghiên cứu của Giáo sư Shane Ewen, độc giả dễ dàng bắt gặp những điều thú vị.
Một câu chuyện khác mà bạn đọc rất dễ chiêm nghiệm từ thực tế đời sống thành phố, đôi khi chúng khiến ta cười mỉm hoặc giật mình khi thực thể đô thị được hiển thị dưới góc nhìn nghiên cứu có tính liên ngành, liên quốc gia. Rằng, “không gian đô thị hiện đại ngày càng mở rộng ra bên ngoài theo kiểu ly tâm - vùng đất giá rẻ xung quanh rìa được phát triển thành vùng ngoại ô độc quyền dành cho người có thu nhập cao…”.
Giao thông và ngành vận tải phát triển đã khiến cuộc ly tâm này diễn ra mạnh mẽ ở nhiều thành phố. “Kể từ năm 1908, khi Henry Ford công bố ô-tô Model-T, nhu cầu khổng lồ đối với việc sở hữu xe đã thúc đẩy làn sóng thứ 3 của quá trình ngoại ô hóa. Hàng loạt lô đất ngoại ô rộng rãi và cảnh quan tinh tế đã mọc liên với thiết kế hướng vào tiện ích cho người có ô-tô…”. Nhưng không chỉ có giới trung lưu, quá trình ngoại ô hóa do tác nhân công nhiệp khiến công nhân và người nhập cư cũng đến vùng ngoại vi tạo ra sự đa dạng xã hội, văn hóa.
Rồi ngay trong lòng thành phố, những cuộc chuyển cư nội đô thị ở mức cao cũng tạo nên bức tranh đa dạng về đời sống đô thị.
Trong một chương khác, về “Văn hóa đô thị và tính hiện đại”, những phân tích nổi lên khiến ta khó thờ ơ, tác giả dẫn lời của một nhà xã hội học: “Nền tảng truyền thống của sự đoàn kết xã hội hình thành bởi gia đình và họ hàng đã bị xói mòn do quá trình cá nhân hóa và sự biệt lập ngày càng gia tăng trong xã hội đô thị…”. Nhà xã hội học này không dừng lại, ông cho rằng cư dân thành thị vốn phụ thuộc vào nhiều người xung quanh hơn trong tương tác thường nhật. Nhưng những điều này kém bền chặt và nó tạo ra “những trao đổi hời hợt giữa các cá nhân chỉ biết quan tâm đến bản thân, những con người bị quản lý bởi các bản hợp đồng thay vì phong tục tập quán của cộng đồng xã hội”.
Nhưng, trải nghiệm một đô thị trong tính hiện đại có những góc tinh tế, tưởng như nhỏ bé khác mà bạn đọc có thể dừng lại suy ngẫm cùng tác giả. Đó là những người chạy bộ, đi bộ đã chọn lấy lối đi riêng cho mình, hoặc băng qua đường tắt để trải nghiệm thành phố với những giác quan, khác biệt mà vẫn liên hệ với một đô thị của những hệ thống đường phố trong quy hoạch. Các cá nhân với phương thức hành động riêng của mình “cho phép họ tái kiến tạo một không gian tĩnh lặng thành một nơi dành cho cuộc sống”.
Điều này khiến chúng ta liên tưởng một buổi sớm bên ly cà-phê ngắm một đời sống vỉa hè sống động của thành phố. Hay, những tối thả bộ thong dong ở những không gian công cộng được chăm chút. Tính hiện đại của đô thị theo các triết gia mà tác giả dẫn ra là: “một phương thức trải nghiệm quan trọng về không gian cũng như thời gian, về bản ngã cũng như tha nhân… một vòng xoáy không ngừng nghỉ của sự tan rã và tự làm mới mà chẳng thể nào chuyển dời được”.
Tôi đặc biệt thú vị với chia sẻ của tác giả: “Cách thức mọi người trải nghiệm đường phố và các không gian công cộng khác trong thành phố là trung tâm điểm trong bản chất sống động của đời sống đô thị hiện đại. Đô thị hiện đại ngày càng được miêu tả như một cảnh tượng mà trong đó người ta được trải nghiệm tuyệt với nhất khi được di dạo trên phố-cả những con phố thương mại hiện đại ở trung tâm hay những đường phố tối tăm, đầy nguy hiểm và những con hẻm sâu trong những khu ổ chuột”. Một trải nghiệm văn hóa đô thị ở biên độ rộng nhất.
Phân tích này của “Lịch sử đô thị hiện đại” còn giúp người viết lý giải vì sao nhà nghiên cứu Nhật Bản Ito Tetsuji lại viết cuốn sách “Ngõ phố Hà Nội - Những khám phá” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2003). Có lẽ không có điều gì khác, chính là sức sức hấp dẫn của trải nghiệm văn hóa đô thị Hà Nội đã khiến ông lắng nghe những chuyển động từ các ngõ phố của Hà Nội này.
|
Trang bìa và mặt sau của cuốn sách “Lịch sử đô thị hiện đại”. |
Quả thật, sống ở đô thị nhưng để hiểu về đô thị không phải là điều dễ dàng. “Lịch sử đô thị hiện đại” ngoài những giá trị hiển nhiên cho giới nghiên cứu về lĩnh vực này, thì đối với bạn đọc phổ thông, cuốn sách cũng đánh thức những giao cảm tinh tế với đô thị đang ôm ấp chính đời sống của mình.