Tác phẩm đã được tái bản vào năm trước, kể từ lần ra mắt đầu tiên năm 2008. Nhà xuất bản Phụ nữ - đơn vị ấn hành cuốn hồi ký này giới thiệu ngắn gọn: “Cô bé nhìn mưa là thiên hồi ức về một gia đình trí thức lớn trong bối cảnh những biến động của lịch sử Việt Nam gần suốt thế kỷ XX: hồi ức về quê nội trên rừng và quê ngoại dưới biển; hồi ức về người cha, một học giả uyên bác và người mẹ, một phụ nữ dịu dàng tần tảo; hồi ức về những người thân yêu và in dấu sâu đậm suốt tuổi thơ, về các chị em ruột thịt và gia đình riêng, về bạn bè và đồng nghiệp. Đó cũng là hồi ức về cách mạng và kháng chiến, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về những người lính trẻ ra đi không trở lại…”
Bút pháp của chân thành
Cuốn sách được xem như có một lối viết “lạ” với thể loại hồi ký bởi cấu trúc linh hoạt, xen giữa trật tự tuyến tính là những khoảng ngưng, những chuyến du hành mơ mộng, hư cấu nối dài...
Tuy nhiên, vượt lên tất cả những yếu tố ấy, bút pháp mang lại sự hấp dẫn nhất cho “Cô bé nhìn mưa” vẫn là bút pháp của chân thành. Tác giả xác định viết cho mình trước hết và cuộc du hành ngược thời gian này dường như là cuộc du hành tự do nhất có thể của mình.
Bạn đọc cơ bản có thể đi cùng bà theo một trục thời gian, từ Phần thứ nhất: “Làng”, “Phố”, “Biển màu lục nhạt”, “Khoảng ngưng”, tới Phần hai: “Khu vườn mùa đông”, “Tự hư cấu” (ngôi nhà có cái ao sen), “Khúc đồng quê”, “Việt Bắc: Những ngôi trường và những con đường”, và Phần ba: “Từ nhà trường đến nhà trường”, “1972”, “Viết trong một khu vườn nhỏ”… Ngoài ra, phần phụ lục nói về quá trình viết của tác giả, chia sẻ của các nhà nghiên cứu, nhà báo về tác phẩm.
Quá lớn, khi tất cả nằm trong hơn 400 trang sách. Và sợi dây để kết nối mọi diễn biến là đôi mắt và tâm hồn của một cô bé đã ám ảnh những cơn mưa từ thuở mới 2-3 tuổi. “Những giọt mưa rơi đuổi nhau trên sân nhà ông ngoại, mùi lá sen khô vào mùa thu trong khu vườn làng Yên Lộ, khi hoa đã tàn.”
Ký ức chồng ký ức, nhiều suy tư lan sang văn học, triết học, những sự kiện nối tiếp sự kiện - “Cô bé nhìn mưa” gói vào lòng nó cả “thời gian nằm ngang của lịch sử biên niên” lẫn “thời gian thẳng đứng của những giây phút im lìm” để nhận diện sự tồn tại tự thân.
Có thể những cơn mưa đã trở thành ranh giới mềm để con người có những khoảng ngưng ký ức, những khoảnh khắc tự vấn cần thiết cho bất cứ một cuộc sống phong phú nào. Hoặc những cơn mưa là lối về để làm nên một tác phẩm hồi ức quá nhiều chi tiết cũng như diễn biến của mỗi số phận nhân vật gắn liền với thăng trầm của lịch sử dân tộc. Những nhân vật, vùng đất mà nếu một nhà văn dừng lại, rẽ vào, họ có thể tạo nên những thiên tiểu thuyết.
Ví như dì Tân – nàng tiên thời thơ ấu của tác giả, về ông nội - một người hay chữ mất chưa đầy năm mươi tuổi mà đã có mười ba năm bị tù ở Côn Đảo, về làng Quỳnh gắn với hình ảnh con cá trích, cá nục, cá chỉ vàng màu ánh bạc, những bánh xèo chợ Giát vàng ruộm…, những bát chè cỗ chay đêm Giao thừa mát và ngọt lịm…
Nhà giáo Đặng Thị Hạnh từ trang viết đầu tiên về thời ấu thơ của mình cho đến những trang cuối kể về những đứa cháu nhỏ của bà, vẫn giữ nguyên một bút pháp như vậy - một cuộc tâm tình rất đỗi đi vào lòng người.
Như nhà văn, nhà báo Trần Chiến nhận định ngay từ khi tác phẩm này ra mắt: “Xác định thể loại “hồi ức”, có lẽ tác giả mong muốn được tự do lang thang, chọn lựa chứ không phải kể hết, nhặt hết. Cách thức này càng được rốt ráo hơn qua cái tôi đứng ra kể, là một cô bé (dường như) mãi không chịu lớn, nhất định nhìn trời đất ngoài kia theo kiểu của mình. Và nó làm nên giọng điệu, chi tiết, sự hóm hỉnh, bướng bỉnh và những khác biệt với nhiều hồi ký khác.”
Nhà giáo Đặng Thị Hạnh - Tác giả của cuốn sách "Cô bé nhìn mưa". |
Ăm ắp mạch ngầm tri thức
Với trí nhớ đặc biệt, giáo sư Đặng Thị Hạnh khiến độc giả thường xuyên choáng ngợp vì một nền tảng tri thức từ môi trường gia đình, giáo dục ẩn sau những câu chuyện giản dị thường nhật của bà.
Ký ức chồng ký ức, nhiều suy tư lan sang văn học, triết học, những sự kiện nối tiếp sự kiện - “Cô bé nhìn mưa” gói vào lòng nó cả “thời gian nằm ngang của lịch sử biên niên” lẫn “thời gian thẳng đứng của những giây phút im lìm” để nhận diện sự tồn tại tự thân.
Sách và việc đọc sách trở đi trở lại rất nhiều trong “Cô bé nhìn mưa” như một hình ảnh thật đẹp đẽ: “Ước mơ được ngồi đọc sách và không phải chịu trách nhiệm về một cái gì đã tan biến từ lâu, thần hộ mệnh là mẹ tôi cũng đã bay xa rồi” hay “Căn nhà và sách vở vẫn là nơi trú ẩn ưa thích của tôi”…
“Cô bé nhìn mưa” cũng gợi mở biết bao điều về tâm hồn đời sống văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà suốt một giai đoạn dài vắt qua chiến tranh đến hoà bình. Nó tràn ngập một niềm hân hoan của việc được hiểu biết, được sáng tạo, được truyền dạy và cũng phô bày không ít dữ dội, thử thách của người trí thức trước những phận sự khác của mình.
Những con người can dự đến vận mệnh dân tộc, những cá nhân góp phần làm nên đất nước, những cuộc trường chinh ghi dấu cả vinh quang, mất mát, tổn thương, đổ vỡ…, tất cả đều hiện lên qua giọng văn rất đỗi giản dị, nhẹ nhàng, nhân hậu mà ám ảnh của tác giả.
Ngôi nhà thơm mùi thuốc lá, đầy những cuốn sách của người cha (Giáo sư Đặng Thai Mai), nhạc sĩ Văn Cao “một người nhỏ bé, mặt mũi hiền lành”, nhà thơ Nguyễn Đình Thi “cao, mái tóc xoã trên trán, giọng vẫn ấm áp…”, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo “tay cầm cây đàn ghi-ta, đi lướt qua, gương mặt giống một nhân vật lãng mạn…”.
Đôi khi dí dỏm, đầy thương mến, bà kể về nhà giáo Đỗ Đức Hiểu: “Năm anh bảy mươi lăm tuổi, một cậu học sinh gặp lại thày sau nhiều năm đã tuyên bố: Thày vẫn trẻ như xưa, bởi từ xưa thày đã già”. “Con người cao gày, mắt hay ngước lên trời đầy cảm hứng, cả một đời lao động miệt mài ấy” đã ở trong một căn nhà mà người thợ xây phải thốt lên: “Giáo sư mà phải ở một nơi như thế này, chỗ chúng em còn khá hơn nhiều.”…
Những trang sách này mang đến cho bạn đọc góc tiếp cận gần gũi nhất với những danh nhân lịch sử. Bà gọi những vị tướng của đất nước là “những người lính trong gia đình chúng tôi”. Bà kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nhìn qua cửa sổ-tôi thấy anh Văn đang đọc cho một cậu thư ký đánh máy, chắc là chỉ thị cần gửi gấp ra mặt trận. Trời đã gần sáng rồi mà đôi mắt nâu to, trong suốt của anh vẫn sáng rực, anh đọc lệnh cho cậu thanh niên, mắt díp lại vì buồn ngủ, hai tay vẫn đánh trên máy liên tục theo quán tính”.
Những con người can dự đến vận mệnh dân tộc, những cá nhân góp phần làm nên đất nước, những cuộc trường chinh ghi dấu cả vinh quang, mất mát, tổn thương, đổ vỡ…, tất cả đều hiện lên qua giọng văn rất đỗi giản dị, nhẹ nhàng, nhân hậu mà ám ảnh của tác giả.
***
Khép lại cuốn sách, nhà giáo Đặng Thị Hạnh bày tỏ: “Có người nói, cuốn sách còn những điều chưa thể kể hết và những vấn đề còn “treo”. Tôi nghĩ điều đó là khó tránh…” Thật ra thì, với hồi ức này, bà đã làm một chuyến du hành dài rộng hơn trang viết và mang đến cho độc giả một cái nhìn lịch sử xúc động hơn là bà có thể hình dung…
“Cô bé nhìn mưa” cũng dành cho Hà Nội thật nhiều trang viết xúc động: “Hà Nội là vậy, chưa từng là Métrôpôlix biểu tượng cho đô thị lớn vừa đáng sợ, vừa hấp dẫn qua gương mặt bí ẩn và đôi mắt long lanh của nữ diễn viên Brigitte Helm mà chỉ là trung gian giữa phố và làng. Chỉ là như vậy cũng đủ làm lòng người tan nát mỗi khi rời nó…”
“Đêm trước khi rời Hà Nội, tôi cũng ngồi ở chính phòng khách ấy một mình, một chị bạn thân của gia đình trước khi đi xa đã giao cho tôi một nhiệm vụ trọng đại: trao lại tấm ảnh cho người bạn thân, anh ấy sẽ đến tối nay: Tháng 12 năm 46 đã chứng kiến bao cuộc chia ly như vậy, dài ngang cả cuộc đời”.