“Đô thị vị nhân sinh” thực sự khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại mọi phương diện ứng xử con người với các thành phố từ quy hoạch, xây dựng đến vận hành, tương tác… Bởi lẽ, ta định hình thành phố, thành phố định dạng ta.
Cuốn sách hơn 250 trang có nhiều hình ảnh minh họa, in màu chia làm 7 phần chính từ góc nhìn, phân tích khoa học mới mẻ, thú vị của tác giả. Đó là: Yếu tố con người; Giác quan và quy mô; Thành phố sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh; Đô thị ngang tầm mắt; Trật tự: Cuộc sống, không gian, các công trình; Các đô thị đang phát triển; Giải pháp.
Ảnh: Tạp chí kiến trúc. |
Từ nhiều góc tiếp cận khác nhau, tựu trung, Jan Gehl đều làm nổi bật câu chuyện con người là trung tâm đô thị và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đâu là các yếu tố, căn cứ khoa học để tổ chức một đô thị thực sự nhân văn?
Thành phố sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh
Thành phố với 4 tiêu chí như trên theo Jan Gehl đã trở thành một nguyện vọng không phải của riêng cộng đồng nào. Thậm chí vấn đề con người và đời sống đô thị đã trở thành một thách thức toàn cầu ngay từ đầu thế kỷ XXI.
Trong đó, để hóa giải thách thức, xây dựng thành phố sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh thì phải cần chính sách tổng thể giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với hình thức đi bộ, đạp xe, phương tiện công cộng. Lợi ích mà các hình thức di chuyển này mang lại gần như không phải bàn cãi, đó là giao thông xanh bảo vệ môi trường, giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên, hạn chế khí thải. Bên cạnh đó là lợi ích về sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, cách mà Jan Gehl lý giải về sự quan tâm đến yếu tố con người thông qua hoạt động này lại không dựa trên những kinh nghiệm thường thấy. Một cách thuyết phục, tác giả đưa ra những phân tích thậm chí là những con số và lý giải mà vẫn không kém phần mềm mại, hấp dẫn.
Với ông, thành phố có một “chức năng truyền thống” đang dần suy yếu và bị đe doạ biến mất là “điểm hẹn” - tức là nơi con người có thể giao lưu với nhau ở những nơi công cộng. Một thành phố như thế phải có những điều kiện quy hoạch, thiết kế, chăm chút tính đến từng chuyển động, vóc dáng, tầm nhìn… của con người cũng như sự tương thích của con người với các công trình trong thành phố.
Tác giả Jahn Gehl ký tặng sách cho độc giả Việt Nam. (Ảnh: Ashui.com) |
Jan Gehl đưa ra con số là 100m (khoảng cách tiêu chuẩn để nhận biết chuyển động của con người) và 25m (khoảng cách mắt người nhận biết cảm xúc, biểu cảm của đối tượng). “Hai ngưỡng khoảng cách này là chìa khoá của những sắp xếp vật lý lấy việc quan sát con người làm trọng tâm” - ông nêu.
Từ đó, ta mới có những sân vận động mà khoảng cách xa nhất từ ghế ngồi đến giữa sân rơi vào tầm 100m, hay các sân khấu, rạp hát với khoảng cách giữa sân khấu và chỗ ngồi xa nhất là 25m đến 35m (nếu có sự hỗ trợ tốt của hoá trang, hệ thống âm thanh ánh sáng).
Tương tự như vậy, từ góc nhìn sinh học, chuyển động nguyên thuỷ của loài người là thẳng đứng theo phương ngang với tốc độ trung bình 5km/giờ. Nói cách khác “Người đi bộ trong thành phố ở thế kỷ XXI là kết quả của quá trình tiến hoá hàng triệu năm”. Và như thế, ngay trong câu chuyện tầm nhìn cũng có tính xã hội. “Các tòa nhà thấp tầng phù hợp với cơ chế cảm nhận phương ngang của con người, còn các toà nhà cao tầng thì không”, “Vị trí bày bán các loại rau quả ở mặt tiền cửa hàng thể hiện chiến lược kinh doanh dựa trên thị giác”…
Thành phố có một “chức năng truyền thống” đang dần suy yếu và bị đe doạ biến mất là “điểm hẹn” - tức là nơi con người có thể giao lưu với nhau ở những nơi công cộng.
Từ góc nhìn xã hội học về tầm nhìn, Jan Gehl phân tích cả xã hội học về giác quan, giao tiếp với khái niệm về 4 loại cự ly: Cự ly thân mật, cự ly cá nhân, cự ly xã hội, cự ly công cộng. Các công trình và thiết kế nỗ lực kết nối con người sẽ phải tính đến khoảng cách tiêu chuẩn ấy để có được những không gian giàu tính nhân văn.
Sự tan vỡ của quy mô truyền thống
“Đô thị vị nhân sinh” của Jan Gehl chỉ ra, các đô thị cổ truyền thống hình thành dựa trên hoạt động thường ngày và quy mô của các thành phố phù hợp với các giác quan và tiềm năng của con người.
Ngày nay, sự phát triển nhiều mặt đặt ra thách thức cho quy mô này. Ô-tô phát triển “xâm lấn” không gian trong thành phố là một ví dụ. Một bãi đỗ sức chứa 20-30 xe chiếm diện tích tương đương một quảng trường nhỏ. Bên cạnh đó, các khu đô thị được xây dựng “phi tỷ lệ đối với những giá trị đã quen thuộc và gần gũi con người”.
Theo ông, quy mô đô thị chia làm nhiều loại (tương ứng với cách thức di chuyển bằng đi bộ, đạp xe hay đi ô-tô), cho vận tốc 5m/giờ gồm không gian nhỏ, vật liệu nhỏ, nhiều chi tiết, gần gũi và cho vận tốc 60km/giờ với không gian lớn, biển báo lớn nhưng như “trống rỗng” vì không quan sát được chi tiết.
Tác giả lên tiếng: “Nếu thực sự tâm huyết, muốn nghiên cứu đúng hướng, tỉ lệ con người cũng quan trọng chẳng kém gì việc giải quyết tương tác quy mô lớn-nhỏ giữa các không gian trong đô thị”.
“Nhiều năm, đi bộ chỉ được xem như một hình thức di chuyển của quy hoạch giao thông mà không mang màu sắc và sự hấp dẫn của đời sống đô thị. Cốt lõi của nó là sự tương tác giữa con người với môi trường, con người với cộng đồng và với chính bản thân” – Jan Gehl viết.
Nhưng bên cạnh phân tích, cảnh báo, cuốn sách cung cấp cho độc giả ví dụ về những công trình hiện đại nhưng vẫn cân nhắc theo tỷ lệ con người như khu Aker Brygge ở Oslo, Nauy và mẫu nhà tại khu đô thị mới Vauban ở Freiburg, Đức. Rồi, “Quy mô nhỏ đồng nghĩa với thành phố giàu sự kiện, sôi động và ấm áp” như Kyoto (Nhật Bản), Perth (Australia), Farum (Đan Mạch)”. Và từ một thành phố mà nội thành từng được ví như “một bộ sưu tập vô thưởng vô phạt của các toà văn phòng và cao ốc, vô hồn và thừa thãi”, Melbourne đã tiến hành chương trình cải thiện điều kiện sống cho thành phố từ năm 1993 đến năm 2004 mang đến kết quả lượng người đi bộ tăng 39% và con số lưu lại không gian công cộng tăng gấp 3 lần.
Với lối viết khoa học nhưng giàu cảm xúc, “Đô thị vị nhân sinh” là cuốn sách nhiều thú vị và bổ ích.
Độc giả quan tâm tới những câu chuyện cụ thể này có thể tìm thấy chúng trong phần 3: “Thành phố sống động, an toàn, bền vững, lành mạnh”, tương ứng với các tiêu chí mà tác giả phân tích.
Với lối viết khoa học nhưng giàu cảm xúc, “Đô thị vị nhân sinh” là cuốn sách nhiều thú vị và bổ ích. Đọng lại một hình ảnh nguyên thủy, đẹp đẽ và đáng mơ ước của thị dân đương đại: “Đi bộ là sự bắt đầu, là nguồn khởi. Con người được sinh ra để đi bộ và mọi sự kiện lớn nhỏ diễn tiến trong cuộc đời khi chúng ta đồng hành cùng những người khác. Mọi sự đa dạng của cuộc sống được mở ra trước mắt khi chúng ta bước đi trên đôi chân mình”.