Tại Đà Nẵng, từ đầu tháng Chạp, trên nhiều tuyến đường phố, khu vực chợ, không khó để tìm các tấm bảng “Nhận đánh bóng lư đồng”. Đây là nghề thời vụ và không chỉ người dân Đà Nẵng, mà còn là nghề thu hút nhiều người dân các địa phương khác đến mưu sinh. Dụng cụ hành nghề gồm một chiếc mô-tơ và một số vật dụng khác như bánh tẩy, bàn chải, vải sạch...
Ông Nguyễn Xuân Phước, 56 tuổi, trú phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng có lẽ là một trong số ít người hành nghề đánh bóng lư đồng quanh năm. 35 năm qua, ngay ngã 5 đường Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu, ông Phước mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp và đánh bóng lư đồng. Gặp ông giữa tất bật công việc ngày cận Tết với hàng chục bộ lư đồng đủ các loại, dáng hình… ông vừa tất bật làm việc, vừa sẻ chia tâm huyết của mình khi đã gắn bó, mưu sinh bằng nghề tay trái nhưng lại trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho cả gia đình ông mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Ông Nguyễn Xuân Phước và con trai tỉ mẩn chăm chút từng món đồ. |
“Tôi đánh lư đồng quanh năm nên thành ra gắn bó. Ra Giêng là có người đánh mở hàng đồ đồng rồi. Lúc cao điểm dịp Tết này thì cả vợ, con đều phụ giúp. Tôi làm nghề này từ lúc chưa lập gia đình và đến nay đã có cháu ngoại. Nhìn thì ai cũng nghĩ đánh lư đồng, đồ đồng quá đơn giản, nhưng có 2 yếu tố để tôi làm nghề và giữ nghề lâu đến hôm nay đó là phải có tâm, uy tín, đánh bóng đẹp và giữ được bộ lư đồng sáng lâu, không xỉn màu. Tết đến, gia đình nào cũng coi trọng bàn thờ tổ tiên. Khách hàng đã thân quen và tin tưởng nên phần lớn cần đánh lư đồng là gọi điện, mình tới nhà lấy đồ và sau khi đánh bóng hoàn thiện, giao tại nhà và lắp lên bàn thờ. Có nhiều bộ lư đồng rất cổ, có bộ hơn 100 năm, làm hoàn toàn bằng thủ công, thế nên việc mở/lắp, đánh bóng phải thật có tâm và cẩn thận mới được. Nghề ni nhìn đơn giản thế nhưng không có tâm thì chịu, không làm được đâu”, ông Phước tâm sự.
Đánh dấu từng bộ lư đồng, không để sai sót, hư hỏng. |
Để đánh được một bộ lư đồng đẹp, sáng bóng cần trải qua nhiều công đoạn như lau sạch bụi nhang, chà thuốc, bột tẩy, đánh bóng. Đối với những bộ lư cầu kỳ, phức tạp, nhiều họa tiết không thể đánh bằng máy yêu cầu người thợ phải lau chùi tỉ mẩn, đánh bóng bằng tay. Có nhiều đồ đồng loại nhỏ với các hoa văn thủ công tinh xảo lại yêu cầu người đánh bóng phải tỉ mẩn hơn trong các thao tác.
Để đồ đồng sáng bóng, phải ngâm lư đồng khoảng 5 phút trong dung dịch hữu cơ, gồm giấm và nước theo tỷ lệ 1:20, sau đó mới đem ra đánh bóng. Khi đánh cũng phải cẩn thận để tránh làm đồ đồng biến dạng, xây xước. Lư đồng đánh xong được lau lại bằng bột và vải sạch. Mỗi bộ lư đồng tùy theo kích thước to nhỏ, độ khó khi đánh bóng mà giá cả dao động từ 150.000-500.000 đồng. Nhiều người đánh lư đồng chia sẻ, những ngày cận Tết, có khi thu nhập lên đến tiền triệu mỗi ngày.
Việc đánh bóng các chi tiết hoa văn đòi hỏi người làm thật cẩn thận, tỉ mỉ. |
Ông Nguyễn Công Vinh (54 tuổi, trú quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) hiện đã làm nghề đánh bóng lư đồng được 4 năm trên đường Nguyễn Văn Linh. “Bộ lư là vật linh thiêng, như báu vật gia truyền của các gia đình, nên khi nhận đánh bóng, mình phải hết sức cẩn thận. Vì nếu mất thì sẽ không biết làm sao mà đền được. Mình đánh bóng, làm đẹp cho bộ lư và đồng thời cũng phải bảo vệ, tạo uy tín cho mình khi làm nghề và khách hàng quay trở lại. Những người đem đồ đi đánh bóng họ trân trọng, nâng niu như thế nào thì mình cũng phải trân trọng, nâng niu như thế. Bộ lư giao đến khách phải thật đẹp, thật sáng và có độ bền sau khi được đánh bóng”, ông Vinh chia sẻ.
Những bộ lư đồng được đánh bóng sáng lấp lánh. |
Tết cận kề, cũng là lúc các điểm đánh bóng lư đồng trên nhiều tuyến phố Đà Nẵng nhộp nhịp hơn. Giữa rất nhiều thanh âm hối hả của phố phường, thời gian chừng như ngưng lại trên những đôi tay thợ nghề đánh bóng lư đồng. Họ mưu sinh và góp phần làm nên sự trang trọng, ấm cúng trên bàn thờ cúng gia tiên trong mỗi gia đình.