Ông Borrell cho biết, sứ mệnh nêu trên nhằm mục đích bảo vệ các tàu thương mại ở Biển Đỏ trước những cuộc tấn công của lực lượng Houthi từ Yemen. EU sẽ triển khai các tàu chiến và hệ thống cảnh báo sớm trên không để bảo vệ tàu chở hàng trong trường hợp có mối đe dọa.
Ngày 22/1, theo Tân Hoa xã, lực lượng Houthi tuyên bố đã thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa vào tàu quân sự OCEAN JAZZ của Mỹ ở Vịnh Aden. Phát ngôn viên Houthi khẳng định việc trả đũa các cuộc tấn công của Mỹ và Anh là không tránh khỏi và bất kỳ hành vi gây hấn mới nào cũng sẽ bị trừng phạt; Houthi tiếp tục ngăn các tàu liên quan tới Israel đi qua Biển Đỏ và Biển Arab cho tới khi đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Reuters dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết, các lực lượng Mỹ và Anh đã thực hiện một đợt tấn công mới nhằm vào các cơ sở của phong trào Houthi ở Yemen. Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết thông tin cụ thể.
Tại cuộc điện đàm ngày 22/1, trao đổi về tình hình tại Biển Đỏ, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak nhất trí duy trì cách tiếp cận đa phương để giải quyết căng thẳng và giảm khả năng tấn công của Houthi. Về xung đột ở Gaza, hai bên nhấn mạnh sự cần thiết hạn chế thương vong cho dân thường và tăng hỗ trợ nhân đạo; cho rằng giải pháp hai nhà nước cho phép người Israel và người Palestine sống trong hòa bình và an ninh là điều quan trọng hơn bao giờ hết.
Cùng ngày, Mỹ phối hợp với Anh và Australia áp vòng trừng phạt mới nhất đối với các cá nhân và thực thể liên quan đến giao dịch tài chính cho Phong trào Hamas và các nhóm vũ trang đồng minh. Trong danh sách trừng phạt có các cá nhân, thực thể bị Mỹ cho là hậu thuẫn việc chuyển tài chính cho Hamas, cùng các nhóm vũ trang sử dụng căn cứ ở Dải Gaza, các nước Iraq, Liban, Syria và Yemen để tấn công các mục tiêu của Israel và Mỹ.
Chính phủ Anh cũng xác nhận đã "đóng băng" tài sản và áp đặt lệnh cấm đi lại đối với 5 nhân vật chủ chốt và một thực thể liên quan đến vai trò lãnh đạo và mạng lưới tài chính của Hamas.
Trong khi đó, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Phương Nam lần thứ 3 ở thủ đô Kampala của Uganda, các nhà lãnh đạo Nhóm G77 và Trung Quốc đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và bảo vệ dân thường. Tuyên bố của hội nghị nhắc lại yêu cầu về việc dỡ bỏ ngay lập tức và hoàn toàn lệnh phong tỏa của Israel đối với Dải Gaza, cũng như chấm dứt mọi hoạt động định cư bất hợp pháp của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Bên lề cuộc họp Hội đồng Đối ngoại EU tại Brussels, các Bộ trưởng Ngoại giao EU và các nước đối tác cũng đã thảo luận tìm giải pháp cho xung đột Hamas-Israel. EU đánh giá tình hình tại Gaza ngày càng thảm khốc với số lượng dân thường thiệt mạng gia tăng, nạn đói lan rộng, việc cung cấp và tiếp cận hỗ trợ nhân đạo bị hạn chế. EU và Iran, Saudi Arabia, Jordan, Ai Cập cùng Liên đoàn Arab (AL) nhất trí về sự cần thiết hỗ trợ Chương trình Cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA).
Bên lề phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Nga đã có các cuộc gặp riêng rẽ với những người đồng cấp Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Liban. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nội dung chính của các cuộc gặp là xung đột ở Gaza và căng thẳng ở Biển Đỏ. Những đề xuất từ các cuộc gặp này sẽ được Nga đưa ra tại phiên họp của Hội đồng Bảo an trong ngày 23/1.
Trước đó, ngày 21/1, gần 9.000 người đã tham gia cuộc tuần hành tại Brussels, kêu gọi Chính phủ Bỉ đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và bảo đảm công lý cho người Palestine.
Cùng ngày, hàng nghìn người ở Thụy Sĩ cũng xuống đường tham gia cuộc tuần hành bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ đề xuất về một thỏa thuận ngừng bắn do Qatar, Mỹ và Ai Cập thúc đẩy, trong khi quân đội Israel tiếp tục các cuộc tấn công tại Gaza. Ông Netanyahu bác bỏ yêu cầu của Hamas về việc Israel chấm dứt các cuộc tấn công, rút lực lượng khỏi Gaza và coi đó là điều kiện tiên quyết để thả các con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza.
Theo tờ Wall Street Journal, các nhà trung gian hòa giải đã đề xuất một kế hoạch ngừng bắn 90 ngày. Theo lộ trình, ở giai đoạn đầu, giao tranh sẽ chấm dứt, Hamas sẽ trả tự do cho tất cả các con tin là dân thường Israel, trong khi Israel phóng thích tù nhân Palestine và thúc đẩy viện trợ cho Gaza. Kế hoạch cũng có nội dung về tái thiết Gaza và đàm phán ngừng bắn vĩnh viễn, tái khởi động quy trình thành lập Nhà nước Palestine.