Thay đổi để không bị loại khỏi cuộc chơi
Sáng 24/11, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”. Diễn đàn thường niên năm nay được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức xúc tiến thương mại, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, cùng đại diện các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, vấn đề phát triển xanh, xuất khẩu xanh, bền vững không còn là chủ đề mới. Hiện nay, các cơ quan chính phủ, tổ chức công và khối tư nhân trên thế giới đã đặt sự quan tâm lớn tới vấn đề liên quan tới chủ đề thương mại xanh.
Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.
Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu, kèm theo các cơ chế, chương trình như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...
Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Chính vì vậy, Thứ trưởng Công thương nhấn mạnh, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu trong đó có Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng và trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Việt Nam là một trong các quốc gia có những cam kết mạnh mẽ về môi trường tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), trong đó có cam kết tiên phong đi đầu trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là nhiệm vụ vừa mang tính xu thế của thời đại, vừa hết sức cần thiết đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.
Đồng thời Việt Nam cũng là quốc gia có nền ngoại thương phát triển, nói cách khác nền kinh tế phụ thuộc lớn vào ngoại thương. Vì vậy, việc chuẩn bị cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn xanh mới phát sinh, là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt cần làm gì để thích ứng với xuất khẩu xanh?
Các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu giới thiệu các sản phẩm OCOP xuất khẩu xanh bên lề diễn đàn. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Tại diễn đàn, các chuyên gia, diễn giả đã tập trung phân tích về các giải pháp thực hành phát triển xanh, xuất khẩu xanh, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, các quy định của của các nước nhập khẩu, cơ chế điều chỉnh carbon, khuyến nghị về xây dựng chính sách để thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu xanh, các giải pháp cho hiệp hội và doanh nghiệp xúc tiến chuyển đổi xanh trong sản xuất và xuất khẩu…, từ đó có những đánh giá, phân tích và xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại một cách hiệu quả, phù hợp với bối cảnh mới.
Để thực hiện thắng lợi chiến lược xuất khẩu, nhất là đối với một quốc gia có nền ngoại thương phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các chính sách, cơ chế liên quan đến xuất, nhập khẩu phải luôn tiệm cận, thích ứng với đặc điểm, xu thế của thị trường thế giới để không bị bỏ lại phía sau trên thị trường quốc tế.
Dựa trên thực tiễn xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc - UNFCCC cho rằng, doanh nghiệp Việt đang chịu nhiều tác động trực tiếp liên quan xuất khẩu trong bối cảnh thực thi Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam trình bày tham luận về chủ đề “Xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế - Những tác động trực tiếp đến xuất khẩu trong bối cảnh thực thi CBAM. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Theo đó, Việt Nam có 4 ngành hàng, hàng hóa lớn nằm dưới tác động của cơ chế CBAM, gồm phân bón, sắt và thép, xi-măng và nhôm. Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu đối với hàng hoá thâm dụng carbon của Việt Nam vào thị trường châu Âu chiếm khoảng 13,8%, việc áp dụng CBAM sẽ ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam, nếu các doanh nghiệp, nhà sản xuất, xuất khẩu trong nước không tập trung đáp ứng các yêu cầu của cơ chế này sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu.
Đề cập đến Kế hoạch hành động phát triển nền kinh tế tuần hoàn của EU lần 2 (CEAP), bà Mira Nagy - Trưởng hợp phần Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular) của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nêu rõ, CEAP sẽ có tác động sâu rộng đến quy trình sản xuất nguyên liệu và sơ chế, bao gồm quy trình sản xuất ở các nước thứ 3 như Việt Nam.
Theo đó, các chính sách chính ảnh hưởng đến sản xuất nguyên liệu và sơ chế gồm quy định về ắc-quy, chỉ thị khung thiết kế sinh thái, chỉ thị dán nhãn năng lượng, quy định về thiết kế sinh thái cho sản phẩm bền vững (ESPR), chỉ thị về rác thải từ thiết bị điện và điện tử (WEEE), chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững doanh nghiệp (CSRD)…
Tuy nhiên, bà Mira Nagy cũng cho rằng, chính sách kinh tế tuần hoàn của EU mang lại cả thách thức và cơ hội cho Việt Nam khi xét đến lĩnh vực điện tử và phương tiện. Theo đó, ngành sản xuất thiết bị điện tử đang ngày càng phát triển của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khi điều chỉnh quá trình sản xuất với yêu cầu thiết kế sinh học của EU trong khi vẫn ở giai đoạn đầu của phát triển.
Bên cạnh đó, quy định về ắc-quy có thể là cơ hội tăng trưởng cho các nhà sản xuất ắc-quy xe điện của Việt Nam trong giai đoạn này. Các cơ sở khai khoáng niken ở Việt Nam cũng có thể được mở cửa hoạt động trở lại và thành lập để cung cấp cho các nhà sản xuất ắc-quy bán sản phẩm sang thị trường EU.
Để nắm cơ hội và thích ứng với những yêu cầu khắt khe về xuất khẩu xanh, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam khuyến nghị, dựa trên hiện trạng thực tế hiện nay, các nhà xuất khẩu, doanh nghiệp Việt cần đa dạng hoá các đối tác thương mại, bên cạnh việc thực hiện đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản và xây dựng chiến lược giảm lượng carbon với định hướng là giải pháp về lâu dài, bền vững.
Ngoài ra, việc tham gia vào các dự án bù đắp carbon và đánh giá mức độ thâm dụng carbon là một yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp Việt có thể hòa nhập với “luật chơi” mới về xuất khẩu xanh.
Định giá carbon, "thẻ xanh"cho xuất khẩu
Tiến sĩ Nguyễn Phương Nam cũng nhấn mạnh, đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ cũng là một yêu cầu cấp thiết trong chiến lược hướng đến đáp ứng yêu cầu giảm phát thải carbon.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã và đang nỗ lực định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải carbon, nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn...
Bên cạnh đó, bộ cũng thường xuyên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm trao đổi thông tin, cập nhật các thông tin mới nhất về quy định của quốc tế, chính sách pháp luật quốc gia nhập khẩu, đặc biệt các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, các chính sách, tiêu chuẩn sản phẩm xanh để giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực trong quá trình phát triển và sản xuất kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu và yêu cầu của các nhà mua hàng quốc tế.