Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia bàn biện pháp tăng cường hợp tác song phương

NDO - Sáng 3/11, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang, Campuchia đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia khu vực Tây Bắc năm 2022. Hoạt động thường niên này được nối lại sau 2 năm tạm hoãn do dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia khu vực Tây Bắc năm 2022.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia khu vực Tây Bắc năm 2022.

Tham dự diễn đàn, phía Việt Nam có Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Battambang Nguyễn Thành Văn, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại khu vực Tây Bắc Campuchia và đoàn gồm 6 doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp. Phía Campuchia có Tỉnh trưởng tỉnh Battambang Sok Lou cùng đại diện chính quyền và doanh nghiệp 7 tỉnh khu vực Tây Bắc.

Phát biểu ý kiến tại đây, Tổng Lãnh sự Nguyễn Thành Văn đánh giá cao tiềm năng phát triển và hợp tác kinh tế, thương mại của các tỉnh Tây Bắc Campuchia. “Thứ nhất là nông-lâm nghiệp bởi đất đai rộng rãi, phì nhiêu, độ bao phủ rừng lớn. Thứ hai là du lịch bởi có nhiều điểm du lịch nổi tiếng thế giới, đặc biệt là Quần thể di tích Angkor và Đền Preah Vihear. Thứ ba là thương mại bởi có nhiều cửa khẩu quốc tế với Thái Lan như cửa khẩu Poi Pet ở tỉnh Banteay Meanchey, cửa khẩu O-Smach ở tỉnh Oddar Meanchey”, ông Nguyễn Thành Văn cho biết.

Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia bàn biện pháp tăng cường hợp tác song phương ảnh 1

Khoảng 80 đại biểu đại diện cho các địa phương và doanh nghiệp 2 nước đến tham dự sự kiện.

Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam tại khu vực Tây Bắc Campuchia, hiện nay quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn này với đối tác Việt Nam vẫn chưa đạt mức độ như mong muốn, do chưa khai thác được tiềm năng của cả hai bên.

Khu vực Tây Bắc Campuchia có 7 tỉnh, gồm Banteay Meanchey, Battambang, Oddar Meanchey, Pailin, Preah Vihear, Pursat và Siem Reap, với diện tích hơn 60.000km2 (chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn quốc), tổng dân số khoảng 4,2 triệu người (chiếm ¼ tổng dân số cả nước).

Các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động đầu tư, kinh doanh tại đây chủ yếu trên lĩnh vực: viễn thông, ngân hàng, xây dựng và trồng cây cao-su, trong đó có: Metfone, Mekong Net, BIDC, Cienco 1, Cienco6, CC1, Công ty Phát triển Cao-su Tây Ninh-Siem Reap...

Tham dự diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia đã dành phần lớn thời gian để giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu hợp tác của đơn vị mình. Các đại biểu cũng lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại khu vực Tây Bắc Campuchia.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia khu vực Tây Bắc năm 2022 diễn ra trong bối cảnh các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa 2 nước đang diễn ra mạnh mẽ, với kim ngạch thương mại năm sau cao hơn năm trước.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2019 (khi chưa có dịch Covid-19), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia đạt 5,28 tỷ USD; năm 2020 đạt 5,32 tỷ USD và năm 2021(khi dịch bùng phát mạnh nhất) đạt 9,54 tỷ USD (tăng khoảng 80%). 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã đạt mức 7,87 tỷ USD, cả năm nay ước đạt trên 11 tỷ USD.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia các mặt hàng: sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, hàng dệt may và phụ liệu, xăng dầu, xi-măng, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhựa và sản phẩm từ nhựa, giấy, thức ăn gia súc, rau, trái cây, thủy hải sản, thực phẩm chế biến. Việt Nam mua của Campuchia: cao-su, hạt điều, rau, trái cây, sắt thép phế liệu, vải, nguyên liệu dệt may, đậu tương, nguyên liệu thuốc lá.