Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có có gần 50 nghìn doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành phố. Để tiếp tục hoạt động sản xuất trong điều kiện toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và các biện pháp cấn bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, tính đến ngày 30/7, toàn tỉnh có 3.662 doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp đăng ký thực hiện phương án “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”; trong đó có 1.894 doanh nghiệp trong khu công nghiệp với 273.842 lao động đăng ký; ngoài khu công nghiệp có 1.768 doanh nghiệp với 119.502 lao động đăng ký.
Đến nay, trong các khu và cụm công nghiệp, đã có 1.700 trường hợp F0. Mặc dù thực hiện “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”, tuy nhiên, theo Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, phương án này cũng gặp rất nhiều khó khăn do ngày càng xuất hiện các trường hợp F0, lây lan trên diện rộng tại các doanh nghiệp.
Dẫn chứng từ Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương cho biết, tại Công ty TNHH Timberland, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên có 7.783 công nhân lao động. Từ ngày 17 đến 27/7, công ty thực hiện “ba tại chỗ” với 1.478 lao động ở lại ký túc xá của công ty, trong đó có 1.313 lao động Việt Nam và 165 lao động nước ngoài. Qua xét nghiệm nhanh cho toàn bộ công nhân, công ty đã phát hiện 233 trường hợp dương tính Covid-19.
Tại Công ty TNHH Nội thất New Fortune, khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng, thực hiện phương án “ba tại chỗ” nhưng công ty đã phát hiện 37 ca dương tính. Mới đây, qua test nhanh đã phát hiện Công ty Starwood ở phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên có 104 ca nghi nhiễm (trong đó có 21 ca đã khẳng định PCR). Tại Công ty Vision ở thành phố Thuận An cũng có 107 F0.
Trong khi đó, tại các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội gỗ Bình Dương (BIFA), với 57 doanh nghiệp thực hiện “ba tại chỗ” nhưng hiện nay việc duy trì hoạt động cũng gặp rất nhiều khó khăn do xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong doanh nghiệp không rõ nguồn gốc.
Tại thị xã Tân Uyên, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn thị xã từ ngày 18/7, đã có 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn gửi đăng ký thực hiện phương án “ba tại chỗ” để tiếp tục sản xuất kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.,
Tuy nhiên đến ngày 28/7, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có nhiều ca dương tính Covid-19 phát hiện trong doanh nghiệp thực hiện phương án “ba tại chỗ”, doanh nghiệp thiếu hụt nguyên phụ liệu để sản xuất… nên một số doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất theo phương án “ba tại chỗ”.
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Tân Uyên đề nghị, Tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” cần thực hiện nghiêm việc tổ chức xét nghiệm cho tất cả người lao động trong doanh nghiệp trước khi cho người lao động ngừng việc trở về nơi cư trú, nhà trọ tại địa phương và người lao động phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính. Đồng thời gửi văn bản đến xã, phường nơi doanh nghiệp trú đóng và Phòng Lao động, Thương binh và xã hội thị xã Tân Uyên thông báo tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện phương án “ba tại chỗ” và ngưng hoạt động sản xuất.
Ngày 30/7, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã có công văn hỏa tốc gửi các doanh nghiệp khu công nghiệp về việc tạm ngừng hoạt động khi có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 trong doanh nghiệp.
Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Nguyễn Thành Trung cho biết, trong quá trình thực hiện phương án “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm” theo đúng hướng dẫn của Ban Quản lý và quy định về phòng, chống dịch Covid-19, Ban Quản lý yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được tổ chức sản xuất khi toàn bộ người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Khi phát hiện các ca F0 hoặc nghi nhiễm qua xét nghiệm phải tạm thời dừng ngay sản xuất và thực hiện ngay phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 theo quy định tại Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5/6 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp”.
Trước đó, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ngày 18/7, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà đã yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp và Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết liệt trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và chỉ cho phép hoạt động động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở (công ty, doanh nghiệp, nhà máy, phân xưởng) đáp ứng yêu cầu quy định về phòng, chống dịch, đặc biệt phải bảo đảm phương án sản xuất “ba tại chỗ” hoặc thực hiện phương án “một cung đường, hai địa điểm”. Đối với doanh nghiệp không bảo đảm hai phương án này thì tạm dừng hoạt động.
Tiếp tục thực hiện một số giải pháp cấp bách về phòng, chống dịch, tại cuộc họp giao ban sáng 31/7 về tình hình phòng, chống dịch Covid -19 trên địa bàn, kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cũng nhấn mạnh, về hoạt động sản xuất phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, chỉ những doanh nghiệp đủ điều kiện và an toàn thì mới được phép hoạt động. Các doanh nghiệp cho ngừng hoạt động phải tổ chức trật tự, an toàn và sàng lọc xét nghiệm để đưa công nhân lao động về địa phương.