Doanh nghiệp linh hoạt giữ việc cho người lao động

Trước những khó khăn bủa vây khi thiếu đơn hàng sản xuất, thế nhưng nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn cố gắng không cắt giảm lao động mà tìm cách tăng ca, giữ việc cho công nhân.
0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần Quốc tế Dony (huyện Bình Chánh) tìm thêm đơn hàng để giữ việc cho công nhân.
Công ty cổ phần Quốc tế Dony (huyện Bình Chánh) tìm thêm đơn hàng để giữ việc cho công nhân.

Gần 18 giờ, khu vực sản xuất của Công ty cổ phần Quốc tế Dony (huyện Bình Chánh) chuyên may quần áo thời trang xuất khẩu vẫn sáng đèn, công nhân cẩn thận may từng đường kim mũi chỉ trên sản phẩm. Chị Lê Thị Đào (31 tuổi), có gần ba năm gắn bó với nghề vui mừng nói: "Chúng tôi còn có việc làm, vẫn được tăng ca dù thời gian có ít lại nhưng như vậy là mừng rồi. So với không ít đồng nghiệp, tôi vẫn chưa thất nghiệp. Tết này, có thể lương, thưởng sẽ giảm so với các năm trước nhưng dù ít hay nhiều, thì đó vẫn là những cố gắng của công ty dành cho công nhân khi tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn". Tại khu lưu trú công nhân (khu chế xuất Tân Thuận, quận 7), khi chúng tôi trò chuyện về đời sống, việc làm,... phần lớn công nhân đều khẳng định, gần như các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận đều có đơn hàng, không có tình trạng công nhân bị cắt hợp đồng do kinh doanh khó khăn. "Không chỉ có đơn hàng, chúng tôi còn được tăng ca từ 1,5 giờ đến 2 giờ đồng hồ/ngày. Nhờ đó, mình có thể lo cho con cái ăn học, gửi tiền về quê phụ gia đình", chị Bùi Thị Dinh (công nhân Công ty TNHH Hung Way) vui mừng cho biết. Chia sẻ về cách giữ công nhân cũng như tìm việc thời khó để lao động có việc làm, ổn định cuộc sống, Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Dony Phạm Quang Anh bộc bạch: Doanh nghiệp cũng rất chật vật khi thiếu đơn hàng như các đơn vị khác trong ngành dệt may. Tuy nhiên, phương châm của Dony là nỗ lực giữ chân lao động chứ không cắt giảm. Trong tháng 7 và 8/2022, công ty không có đơn hàng cho nên nhiều công nhân chủ động xin nghỉ. Công ty cũng không tuyển thêm lao động từ nửa năm qua, những công nhân còn trụ lại thì cố gắng giữ người. Về chế độ phúc lợi, công ty vẫn duy trì các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để người lao động yên tâm làm việc và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. "Để giữ việc cho công nhân trong giai đoạn này, chúng tôi phải thay đổi cách làm việc và nỗ lực rất nhiều. Đơn cử như trước đây, Dony không nhận gia công đơn hàng nhỏ của đối tác mới thì nay "mở toang cửa" tiếp khách; công ty còn nhận đơn hàng đa dạng chủng loại, sẵn sàng điều chỉnh máy móc đáp ứng yêu cầu của khách... Ngày nào chúng tôi cũng đi tìm khách hàng chứ không chờ họ tìm đến với mình như trước. Dony không đặt cược tất cả hy vọng vào khách hàng cũ, mà linh động tìm thêm đối tác mới; chấp nhận làm hòa vốn, thậm chí chịu lỗ để có đơn hàng, giữ việc và để công nhân được tăng ca", ông Quang Anh nói.

Với gần 2.500 công nhân trực tiếp sản xuất, Công ty cổ phần giày Thiên Lộc (quận 12) hiện vẫn bảo đảm đủ số lượng đơn hàng cho tháng 11 và 12 để duy trì công việc của người lao động trong năm 2022. "Với kế hoạch sản xuất trong năm 2023, công ty vẫn còn thiếu đơn hàng cho nên rất lo lắng, trông chờ thông tin đặt hàng gia công từ các đối tác. Nhưng dù có khó khăn cách mấy, công ty vẫn phải nỗ lực duy trì đơn hàng, không để tình trạng giảm việc, mất việc xảy ra", đại diện Công ty cổ phần giày Thiên Lộc cho hay. Tương tự, Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và xuất, nhập khẩu Savimex (quận 12), một doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất đang có hơn 1.100 lao động. Các sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu cung ứng cho thị trường Mỹ và các nước châu Âu. Đang lúc tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đơn hàng của các đối tác ở các thị trường truyền thống này bỗng nhiên sụt giảm từ 30% đến 50%. Song, không vì thế mà doanh nghiệp sa thải lao động. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho hay: Sản phẩm chủ lực của công ty là hàng jean và áo thun xuất khẩu vào thị trường châu Âu đã giảm 80%, hàng vào thị trường Mỹ giảm khoảng 40%. Doanh nghiệp này tích cực đàm phán tìm đơn hàng ở thị trường Australia và Canada. Nhờ đó, từ cuối tháng 10, công suất của Việt Thắng Jean đã nhích lên được khoảng 70%. "Đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn đang cố gắng cầm cự để giữ chân người lao động vì phía sau 1.000 công nhân là kèm theo khoảng 4.000 người khác. Thời điểm cận Tết, công ty không muốn cho người lao động nghỉ việc"-ông Việt nói. Giám đốc Công ty TNHH Đức Minh-Sài Gòn Nguyễn Quốc Anh nhìn nhận: So với nhiều doanh nghiệp có lượng đơn hàng sụt giảm sâu, mức giảm của công ty ước khoảng 20%, lượng đơn hàng chỉ đủ cho công nhân làm việc tám giờ/ngày; trong khi cùng thời điểm này những năm trước, công nhân phải tăng ca buổi tối và cuối tuần để kịp đơn hàng. Sản phẩm nhựa của công ty này cung ứng cho ngành công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực đồ dùng gia dụng, xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Khi đối tác giảm lượng đặt hàng, Công ty Đức Minh cũng chới với theo nhưng vẫn tìm cách duy trì việc làm cho gần 200 lao động. "Một số khâu thì tôi chỉ cho lao động làm năm ngày, khâu nào không cần thiết thì không làm thêm giờ, nhưng vẫn giữ lao động chứ không cắt giảm vì lo ngại khi có lại đơn hàng sẽ không tuyển được nhân sự, nhất là những người có tay nghề", ông Quốc Anh nói.

Đại diện Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố (Hepza) cho biết, đang theo dõi sát tình hình để có giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Phó Trưởng Ban Quản lý Hepza, Nguyễn Võ Minh Thư, trước mắt, Hepza sẽ đi khảo sát tình hình về đơn hàng của doanh nghiệp trong năm 2023. "Hepza sẽ tổ chức các buổi đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cuối năm 2022, Hepza cũng tăng cường nắm bắt vấn đề trả lương, thưởng cho người lao động; đồng thời, tổ chức đoàn khảo sát các doanh nghiệp chậm lương, nợ bảo hiểm xã hội để phối hợp công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất hỗ trợ kịp thời cho người lao động", bà Thư nói. Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, khi các yếu tố đầu vào như chi phí nguyên vật liệu; chi phí vốn… tăng do yếu tố khách quan và yêu cầu phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, thì việc tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm tối đa các chi phí khác cũng như tạo điều kiện về thị trường, về tiêu thụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. "Các ngân hàng cần khai thác sử dụng vốn có hiệu quả để tạo điều kiện ổn định lãi suất cho vay và xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp để giữ ổn định giá thành, giá bán, góp phần ổn định thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu cuối năm. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giao dịch dịp cuối năm, hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh, dự tính dòng tiền trong năm 2023 nhằm tạo tiền đề phát triển bền vững cho doanh nghiệp", ông Lệnh nói. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chú trọng giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng; đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi; các gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, tập trung vốn cho doanh nghiệp thuộc nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng bao gồm: xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng trong điều kiện xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức hơn.