ESG là viết tắt của Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị). Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, ngành vật liệu xây dựng được xem là ngành tiêu tốn nhiều tài nguyên lẫn mức độ phát thải lớn khi chiếm 40% lượng CO2 thải ra môi trường năm.
Vì lẽ đó nên ngành này đang là lĩnh vực cần thực hiện việc thực hành ESG để tồn tại trong xu hướng phát triển bền vững hiện nay. Tuy vậy, quá trình này cần được nhận thức và thực hành một cách bài bản.
ESG là xu hướng phát triển tất yếu nhưng có không ít rào cản mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi thực hiện cam kết. Nhất là trong ngành vật liệu xây dựng xu hướng chuyển đổi còn diễn ra chậm hơn so với mặt bằng chung.
Theo Bộ Xây dựng, năm 2015 ngành vật liệu xây dựng phát thải 63 triệu tấn CO2 ra môi trường và năm 2020 tăng lên đến 87 triệu tấn. Dự báo con số này có thể tăng tiếp tục vào năm 2030 với lượng phát thải là 125 triệu tấn và 2050 có thể lên đến 148 triệu tấn CO2 (gấp từ 2 đến 3 lần so với năm 2015).
Việt Nam có 50 cơ sở sản xuất xi-măng và 91 cơ sở sản xuất thép. Trong đó, lượng phát thải mà các cơ sở sản xuất xi-măng thải ra môi trường vào năm 2015 chiếm 70% lượng phát thải trong ngành vật liệu xây dựng và đến năm 2020 là 75%.
Đối với cơ sở sản xuất thép vào năm 2016 lượng phát thải ra môi trường là 12,7 triệu tấn CO2. Đây là những thực trạng cho thấy ngành vật liệu xây dựng đang là khu vực cần thực hiện nhanh chóng về việc thực hành ESG để góp phần “chuyển xanh” nền kinh tế.
Mặc dù, rất cấp thiết nhưng để chuyển đổi theo hướng bền vững trong chuỗi giá trị của ngành vật liệu xây dựng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, ESG không phải là bộ tiêu chuẩn mà là khung thay đổi. Nó không phải là cái đích mà nó là một hành trình dài. Việc doanh nghiệp triển khai ESG sẽ không tốn kém nhiều chi phí mà quan trọng là doanh nghiệp cần sắp xếp lại doanh nghiệp của mình theo các cái chuẩn của khung.
Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Xi măng Fico-YTL cũng cho rằng, sản xuất xi-măng là ngành có tác động lớn nhất trong việc bảo vệ môi trường. Rào cản mà doanh nghiệp khó thực hành ESG đến từ việc doanh nghiệp thiếu tư duy phát triển bền vững từ đầu. Nếu không có sự áp lực về xuất khẩu từ nước ngoài thì các doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuyển đổi và thực hành ESG.
Các diễn giả cũng cho rằng, nhận thức sớm về phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp rà soát một cách tổng thể mô hình kinh doanh của doanh nghiệp để có hoạch định chiến lược phù hợp, kế hoạch hành động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Về lâu dài, doanh nghiệp thực hành vấn đề này sẽ có lợi thế về uy tín và thương hiệu của mình trong mắt người tiêu dùng và các bên liên quan.